Vườn rừng độc đáo ở bản Thổ

Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình nông nghiệp bền vững Vườn rừng bản Thổ của một phụ nữ trẻ ở Thanh Hóa còn góp phần phủ xanh đồi trọc, tạo nguồn thu nhập ổn định cho dân bản

Thanh Hóa, nhiều người biết đến Nguyễn Lê Ngọc Linh (SN 1990; ngụ xã Yên Lễ, huyện Như Xuân) - một phụ nữ dân tộc Thổ khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp - kinh tế rừng mà ít ai nơi đây nghĩ tới.

Bỏ phố về rừng

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí Tuyên truyền, Linh được tuyển vào làm việc cho một công ty thuộc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam với mức thu nhập nhiều người mơ ước.

Sinh ra từ vùng cao, vốn sẵn tình yêu và niềm đam mê với núi rừng từ nhỏ nên khi thấy những cánh rừng xanh ngày càng ít đi, đất đai nhiều nhưng hoang hóa, Linh nung nấu ý định học xong trở về quê nhà Như Xuân khởi nghiệp.

"Tôi luôn khát khao giữ lại rừng, giữ lại cây rừng bản địa cho người thân và cộng đồng địa phương mà họ vẫn có nguồn sinh kế. Trước tiên, tôi bắt đầu tìm tòi kiến thức làm nông nghiệp và ấp ủ dự định về quê trồng rừng, làm kinh tế rừng" - chị nhớ lại.

Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh và các sản phẩm mật ong lên men do HTX sản xuất

Để trang bị kiến thức, Linh bắt đầu lên mạng tìm kiếm các hội nhóm về nông nghiệp rồi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, cách thức làm nông nghiệp bền vững. Không chỉ qua sách vở, báo chí, tận dụng thời gian những ngày nghỉ trong tuần, chị còn tìm tới các hội thảo về nông nghiệp; đi thăm những mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Sau nhiều năm tích lũy, nắm chắc kiến thức về nông nghiệp để biến khát vọng của bản thân thành hiện thực, tháng 10-2019, Linh quyết định bỏ phố về rừng. Thời điểm đó, chị đã 29 tuổi lại mới sinh con. Quyết định của chị đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ chồng, gia đình và bạn bè.

Nhiều người đã tỏ ra ái ngại, lo lắng, cho rằng quyết định của Linh là mạo hiểm, gàn dở, viển vông. Bởi lẽ, vùng đất Linh sinh ra vốn đã quá khó khăn, trong khi chị đã "thoát ly" nhiều năm, lại là thân gái "chân yếu tay mềm". Thế nhưng, mặc những khuyên can, chị vẫn cương quyết về quê khởi nghiệp.

Tận dụng lợi thế

Nhờ quyết tâm đi con đường riêng, sau hơn 3 năm, Linh đã trồng và phủ xanh khoảng 6 ha rừng tại thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân với 100 loại khác nhau, chủ yếu là cây ăn quả, cây dược liệu và cả cây rừng bản địa.

"Ngoài cây ăn quả, cây rừng, tôi còn chú trọng trồng cây dược liệu dưới tán rừng, vừa phục vụ mô hình mật ong lên men của mình vừa giúp cải tạo đất đai. Mục tiêu của tôi là tạo ra một mô hình vườn rừng bền vững. Ở đó, sinh kế được bảo đảm mà không cần chặt cây rừng nào; không cần hủy hoại hệ sinh thái bởi thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích, thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học nhưng vẫn cho năng suất cao" - chị bày tỏ.

Các cây dược liệu dưới tán rừng được chị Linh trồng để phục vụ việc sản xuất mật ong lên men

Theo Linh, mô hình vườn rừng của chị hình thành theo hệ sinh thái rừng tự nhiên. Nghĩa là rừng được trồng các loại cây đa dạng để tạo nên hệ sinh thái đa tầng tán trên cùng một diện tích canh tác, từ cây gỗ lớn, cây ăn quả đến cây cỏ… Từ đó, người dân có thể sử dụng tối đa năng lượng mặt trời và thu hoạch được nhiều vụ trên cùng diện tích, đa dạng nguồn thu "lấy ngắn nuôi dài". Mô hình này còn giúp đất đai được cải tạo phì nhiêu hơn, giữ được nước và độ ẩm, chống xói mòn. Nhờ đó, hệ sinh thái, môi trường sống thay đổi rõ rệt.

Từ thành công bước đầu với vườn rừng, Linh nghĩ để có thể duy trì được mô hình này, tạo sinh kế bền vững cho gia đình và người dân địa phương thì không thể chỉ dựa vào các sản phẩm thu được từ cây rừng vì giá trị không cao. Sau khi tìm tòi, nghiên cứu, chị quyết định làm sản phẩm mật ong lên men.

Theo Linh, huyện Như Xuân nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung có rất nhiều rừng. Đây là lợi thế, giúp việc nuôi ong dễ dàng, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Chị phân tích: "Ong sống dựa vào rừng. Rừng cung cấp thức ăn, mật hoa cho ong. Ong là mắt xích quan trọng duy trì sự ổn định, đa dạng sinh học, vì chúng giúp cây trồng thụ phấn, sinh sôi nảy nở - đó là mối quan hệ có lợi cho tự nhiên. Việc nuôi ong cũng giúp tăng ý thức bảo vệ rừng cho cộng đồng sống dựa vào rừng".

Với mong muốn tạo ra sản phẩm đặc trưng, mang hương vị núi rừng, Linh đã mày mò nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm mật ong lên men. Đến nay, sản phẩm mật ong của "Vườn rừng bản Thổ" có 5 loại chính, đã có mặt ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa. Mật ong lên men này cũng đã được công nhận đạt chuẩn OCOP (chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm") 3 sao.

"Mật ong lên men khác với mật ong thông thường. Chúng tôi ngâm ủ mật ong nhiều tháng cùng nhiều loại dược liệu: gừng, nghệ, sâm, chùm ngây… để tạo ra các dòng sản phẩm phù hợp với từng đối tượng sử dụng. Mật ong lên men rất hữu ích với con người, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, các axít amin đã được phân giải, dễ hấp thụ và tăng lượng vi khuẩn có lợi, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó cải thiện hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể" - chị giải thích.

Mật ong nuôi trong môi trường tự nhiên ở “Vườn rừng bản Thổ” được ủ lên men

Sau 3 năm hình thành, "Vườn rừng bản Thổ" đã lập ra hợp tác xã với 21 thành viên, đều là những người trong cộng đồng sống dựa vào rừng. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều người, theo chị Linh, hợp tác xã còn tạo sinh kế cho người dân liên kết trồng cây dược liệu và nuôi ong ven rừng phòng hộ, giúp hàng trăm hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Nhận nhiều giải thưởng

Thành công với mô hình "Vườn rừng bản Thổ" độc đáo, sản phẩm mật ong lên men của Nguyễn Lê Ngọc Linh đã đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn" năm 2020; giải nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa năm 2021"...

Năm 2022, Linh là 1 trong 32 đoàn viên, thanh niên nông thôn tiêu biểu với ý chí vươn lên làm giàu và đạt thành tích cao, được Trung ương Đoàn xét chọn và trao tặng Giải thưởng Lương Định Của.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/vuon-rung-doc-dao-o-ban-tho-20231105221001751.htm