Vườn Quốc gia Cúc Phương: Du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Với quan điểm bảo tồn cần đi đôi với phát triển, Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương đã xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cúc Phương giai đoạn 2023-2030 với nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học được đưa lên làm nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học.

Cúc Phương là VQG hàng đầu châu Á đang làm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn sinh học - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cúc Phương là VQG đầu tiên của Việt Nam. Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hóa cộng đồng bản địa và các thành tựu trong nghiên cứu khoa học, cứu hộ bảo tồn, những năm qua Cúc Phương là đơn vị đi đầu và đã rất thành công trong việc tự tổ chức được "hệ sinh thái" du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm, phát huy tốt giá trị của rừng.

Tại Hội nghị tham vấn đề án du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cúc Phương giai đoạn 2023 – 2030, ngày 21/3, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương cho biết, Vườn sẽ phát huy những tiềm năng về giá trị văn hóa - lịch sử của Vườn trong các hoạt động du lịch, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, trải nghiệm của du khách khi đến với Vườn Quốc gia Cúc Phương.

"Phát triển du lịch là một trong những mục tiêu quan trọng nhưng không đánh đổi bằng mọi giá, coi phát triển du lịch là một công cụ hữu hiệu để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức, tình yêu với thiên nhiên", ông Nguyễn Văn Chính nhấn mạnh.

Phát triển du lịch sinh thái tại VQG Cúc Phương theo hướng khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn, phát triển KT-XH tại địa phươngvà tạo ra những trải nghiệm tốt cho du khách.

Các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh phổ thông các cấp, các sản phẩm du lịch độc đáo hiện có cần được tổ chức và vận hành chu đáo và chuyên nghiệp hơn.

Việc phát triển du lịch sinh thái tại VQG Cúc Phương sẽ phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; tích hợp công nghệ 4.0 vào hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn du khách; chú trọng phát triển theo hướng "mỗi du khách đến vườn vừa phải có trách nhiệm với thiên nhiên, vừa đóng góp xã hội".

Tiếp nối thành công của mùa giải năm 2022, 2023 và được sự cho phép của Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), Vườn Quốc gia Cúc Phương tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần Đường đua mới tổ chức giải chạy Cúc Phương Jungle Paths năm 2024 với chủ đề "Chạy để bảo tồn".

Giải chạy trail Cúc Phương Jungle Paths 2024 sẽ tiếp tục được tổ chức vào 2 ngày mùng 6 và 7/4/2024 với 5 cự ly:10km, 25km, 42km, 70km và Coros 100km. Đặc biệt mùa giải năm 2024, với sự hỗ trợ của dự án Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tại vườn do Tổ chức USAID tài trợ.

Bên cạnh những trải nghiệm khám phá độc đáo, nhằm xây dựng giải chạy trở thành một sản phẩm du lịch sinh thái thường niên, ấn tượng nhằm lan tỏa thông điệp bảo tồn và phát triển bền vững, Vườn Quốc gia Cúc Phương lựa chọn bộ linh vật sử dụng trong giải chạy là hình ảnh của 5 loài động vật hoang dã có phân bố tự nhiên tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Rùa Sa nhân, Tê tê vàng, Sóc bụng đỏ Cúc Phương, Voọc Mông Trắng và Báo gấm là những linh vật của giải chậy, mỗi loài động vật sẽ là biểu trưng, được sử dụng tại điểm xuất phát cho mỗi cung đường chạy.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, Việt Nam có hệ sinh thái tài nguyên rừng phong phú, là hệ sinh thái rừng nhiệt đới có rất nhiều giá trị về đa dạng sinh học, bảo tồn. Các khu rừng đặc dụng, tự nhiên có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, vì vậy việc phát triển du lịch sinh thái cần đảm bảo sự hài hòa với các yếu tố như môi trường, xã hội.

Theo Baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/vuon-quoc-gia-cuc-phuong-du-lich-sinh-thai-gan-voi-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-5003298.html