Vươn lên từ 'vòng xoáy ma túy' (Bài 2)

'Phải làm sao với tương lai của những đứa trẻ sinh ra trong môi trường sống nhiều người nghiện?' -Câu hỏi mà Chủ tịch xã Na Ư Lỳ Nình Vàng đặt ra thật sự là bài toán khó đối với các cấp, các ngành của tỉnh Điện Biên.

Bài 1: Thảm họa trong “vòng xoáy ma túy”

Bài 2: Chung tay nâng đỡ thế hệ tương lai

Ma túy, nghiện ngập như cái ung nhọt mà nhiều địa phương chưa thể nào xóa bỏ được. An ninh trật tự nông thôn ngày càng diễn biến phức tạp khi tình trạng mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh trong thanh thiếu niên, đòi hỏi sự chung tay, huy động sức mạnh của cả cộng đồng và xã hội để chặn đứng hiểm họa này.

Vươn lên từ những “thung lũng tử thần”

Đôi mắt trong veo của những đứa trẻ bên khung cửa sổ ngôi nhà trên ngọn đồi cao là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến bản Na Ư (xã Na Ư, huyện Điện Biên). Trong gian nhà xiêu vẹo, gió lùa hun hút qua những mảnh gỗ ghép vội, ông Và A X. ho lụ khụ, đau khổ khi nhắc đến 3 đứa cháu nội Và Thị L. (SN 2004), Và Thị N. (SN 2006) và Và Thị C. (SN 2008). Bố mẹ của các em đang thi hành án tù vì tội buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy khi em Và Thị C. mới được hơn 2 tuổi. 7 năm qua, 2 người già thường xuyên ốm đau phải gồng mình nuôi 3 đứa trẻ sống lần hồi qua ngày nhờ sự hỗ trợ, cưu mang của chính quyền địa phương và dân bản.

Các cháu nhà ông X. nằm trong số 100 trẻ có cha hoặc mẹ liên quan đến ma túy ở xã Na Ư, trong đó có 27 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ và 17 trẻ phải ở với ông bà. Trẻ em trong các gia đình này không chỉ thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, mà còn bị phân biệt, kỳ thị. Nhóm trẻ này cũng nằm trong nguy cơ cao bị bóc lột sức lao động, bị xâm hại, bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động phạm pháp.

Quân y BĐBP Điện Biên khám chữa bệnh cho con em các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: Long Ngũ

Quân y BĐBP Điện Biên khám chữa bệnh cho con em các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: Long Ngũ

Không để trẻ em phải gánh chịu những tội lỗi do người lớn gây ra đã trở thành suy nghĩ và quyết tâm hành động của những người lính quân hàm xanh trong công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy trên địa bàn biên giới tỉnh Điện Biên. Theo Đại úy Mùa Chiến Công, Chính trị viên phó Đồn BP cửa khẩu quốc tế Tây Trang, những năm qua, đơn vị thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các hoạt động nhân đạo giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là con em của 82 người trong địa bàn đang chấp hành án tù vì liên quan đến ma túy.

Từ năm 2015, tất cả trẻ em không có cha mẹ, không nơi nương tựa trong xã Na Ư đã có thêm “mái ấm” mới do đồn BP, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên xã đứng ra đỡ đầu. Không chỉ hỗ trợ gạo, thực phẩm hằng tháng cho các em, hội viên các đoàn thể và cán bộ, chiến sĩ còn đến từng gia đình nhận đỡ đầu giúp bà con làm nương, trồng rau, chăn nuôi cải thiện cuộc sống.

Đối với 115 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trong xã, một mặt chính quyền, đồn BP tăng cường giáo dục, động viên họ cai nghiện, mặt khác giúp đỡ vật chất, động viên tinh thần con em họ vượt qua khó khăn, mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Khai giảng năm học mới vừa qua, đồn phối hợp với các nhà hảo tâm đã trao 30 suất quà, 30 chăn ấm, 150 đôi giày trị giá 64,5 triệu đồng cho các em học sinh nghèo; tặng 7 triệu đồng cho 2 cháu có hoàn cảnh khó khăn và trao học bổng “Nâng bước em tới trường” cho 3 học sinh đơn vị nhận đỡ đầu...

Bằng tấm lòng, hành động nhân văn thiết thực, những người lính quân hàm xanh đã cảm hóa được hàng trăm đối tượng hoàn lương, hòa nhập cộng đồng làm ăn lương thiện, góp phần xóa đói nghèo.

“Nếu không có các chú Biên phòng và Hội Phụ nữ xã giúp đỡ, 3 chị em cháu sẽ không bao giờ có cơ hội đến trường” - Câu nói xúc động của em Và Thị L. khiến chúng tôi ấm lòng khi rời xã Na Ư.

Mở tương lai cho thế hệ trẻ

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, trên địa bàn tỉnh hiện có 9.165 trẻ em dưới 16 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó nhiều em trong các gia đình có cha mẹ và người thân liên quan đến ma túy. Để chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhóm trẻ này vượt qua khó khăn, mặc cảm, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa để hỗ trợ các em. Không chỉ được đảm bảo quyền lợi, hưởng đầy đủ trợ cấp xã hội hằng tháng mà các em còn được thụ hưởng từ nhiều hoạt động hỗ trợ nhân đạo khác.

Đến nay, tỷ lệ trẻ em được hưởng phúc lợi xã hội và các hình thức trợ giúp khác đạt trên 80%; 100% trẻ em bị xâm hại khi được phát hiện đều được can thiệp, trợ giúp và điều tra xử lý kịp thời. Tại các địa phương có tệ nạn ma túy, cấp ủy, chính quyền đã thường xuyên quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; bảo đảm tất cả các em trong độ tuổi được đến trường học tập, được thụ hưởng các chính sách xã hội về khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 3 đơn vị đang nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 220 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn gồm: Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và Mái ấm tình thương huyện Điện Biên Đông. Tại đây, các em không chỉ được quan tâm, chăm sóc đầy đủ cả về vật chất, tinh thần mà còn được học tập, vui chơi như bao bạn bè cùng trang lứa.

Ngoài ra, tỉnh còn triển khai mô hình trợ giúp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 18 xã thuộc 4 huyện: Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo và Tủa Chùa. Qua mô hình đã phát hiện, quản lý kịp thời 585 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đưa vào quản lý hồ sơ, lập kế hoạch can thiệp kết nối và hỗ trợ các dịch vụ trợ giúp về chăm sóc sức khỏe, học tập, hỗ trợ tâm lý, dạy nghề, làm thẻ bảo hiểm y tế, khai sinh đúng hạn…

Cuộc chiến đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn nhiều gian truân nhưng với sự chung tay khắc phục những hậu quả nặng nề do ma túy gây ra của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, người dân trong những “vòng xoáy ma túy” sẽ sớm vượt lên, hướng tới tương lai tươi sáng hơn.

Long Ngũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vuon-len-tu-vong-xoay-ma-tuy-bai-2/