Vườn cà tuổi thơ…

Mảnh vườn con bên hông nhà bé xíu. Đất hơi cằn cỗi, lổn nhổn sạn ruồi nên bị 'chê', bỏ hoang cho cỏ mọc.

Ảnh minh họa: IT

Chỗ ấy một bữa tự dưng mọc lên cây cà dĩa. Cây cà nhỏ xíu xiu mà dũng mãnh: Lấn chen cùng cỏ dại ra sức vượt lên. Được tưới tắm mấy trận mưa đầu mùa cà ta nhanh chóng vươn cao, xòe ngang những chiếc lá tròn cỡ bàn tay xanh sẫm, mươn mướt lông tơ trắng cố phủ đè những "mũi lao" chĩa nhọn của lũ cỏ ống hung hăng. Ba trông thấy, chẹp lưỡi: Ui, cây cà mọc dại mà tốt ghê. Đất này chắc "chịu" trồng cà dĩa…

Từ bữa ấy ba thành "đồng minh" với cây cà dĩa; đi làm về lại tranh thủ ra vườn cào cuốc, nhổ bỏ đám cỏ dại lâu năm không chỉ bu quanh gốc cà dĩa mà còn chằng chịt giăng mắc khắp vườn. Đất sạn ruồi, cuốc đụng lưỡi kêu choang choảng. Kệ; ba cứ cần mẫn từng nhát một bổ tới. Thi thoảng lại đưa tay áo quệt mồ hôi chảy ròng…

Tuần lễ trôi qua, sỏi đá cỏ nỉa rồi cũng đầu hàng lòng nhẫn nại của ba. Tôi đi học về khoái trá nhìn mảnh vườn con đã trống quang, duy nhất còn anh cà dĩa đứng lắc lư. Giờ mình anh một cõi khỏi lo ai chen lấn. Tự do; nhưng chắc hơi… buồn.

Có điều anh chưa biết mình sẽ chẳng phải buồn lâu: Phiên chợ sau, mẹ đi chợ mua mớ cà con người ta ươm sẵn về cho ba "xuống giống". Cà được trồng cẩn thận xuống những cái hố nhỏ đào sẵn, bỏ đất mùn tơi trộn phân tro trấu. Hố đào zích zắc chữ chi như ô bàn cờ, hố cách hố độ chừng nửa mét.

Sao ba không đào thẳng, tôi thắc mắc? Ba cười: Đđể tiết kiệm đất và tận dụng hết không gian trống đó con. Đất vườn mình hẹp…. À ra vậy. Tôi nhìn những cây cà non mới trồng yếu ớt nhỏ nhoi lọt thỏm trong hố, hoài nghi nghĩ bụng: Biết đến khi nào chúng mới lớn bằng cây "cà anh" tự mọc trên kia? Hình như đoán được suy nghĩ của tôi ba bảo: Đừng lo, cà dĩa sống khỏe, lớn nhanh lắm; con đợi rồi coi…

Ba nói không sai: Hợp thổ nhưỡng và được chăm sóc tốt, lũ cà lớn nhanh như thổi, chớp mắt đã theo gần kịp "ông anh" cà dại. Đọt cà vươn cao, lá mọc bàng che kín đất. Giờ lũ cỏ mới thật sự "thua cuộc", không vươn lên nổi do thiếu ánh sáng. Hơn tháng rưỡi cà bắt đầu đơm hoa.

Những nụ hoa bụ bẫm - trổ ngang thân cành hoặc từ nách lá – dần nở bung khoe sắc tím. Giờ tôi mới thực sự biết thế nào là màu "tím hoa cà" vẫn được nghe trong câu hát. Sắc tím dụ dỗ bướm ong bay vào vườn thụ phấn giúp hoa đậu quả. Mỗi hoa một quả.

Quả mới đậu nhỏ xíu bằng viên bi, được ôm trong những "cánh tay đài" như ngôi sao năm cánh thẫm xanh; ấy vậy mà quay lại quay qua đã lớn như cái bát! Giờ thì mỗi lúc rảnh rỗi tôi chỉ muốn chạy ngay ra vườn, say mê ngắm nghía những quả cà tròn vo đu trĩu cành, da sắc trắng vằn vện sọc xanh lấp ló sau tán lá.

Đến cữ thu hoạch, sáng mẹ ra thăm vườn cà luôn mang theo cây kéo và chiếc rổ. Lựa những trái vừa ăn mẹ cắt cuống, sắp rổ bưng vào. Đầu mùa ít trái, cà thu hoạch chủ yếu để ăn và mang cho hàng xóm. Vậy nhưng đến chính vụ, cà thu càng lúc càng nhiều, mẹ phải đem ra chợ bán bớt.

Đỡ không ít tiền chợ; chưa kể vườn cà còn là nguồn thức ăn "đối phó" hữu hiệu cho bữa cơm gia đình những khi mẹ bận việc đồng áng. Cà dĩa dễ ăn do có vị ngọt, chế biến được nhiều món ngon: nấu canh, xào, um, ăn sống…. Vậy nhưng, phổ biến nhất vẫn là món cà luộc hoặc hấp chín đem dằm nát với mắm ngon tỏi ớt.

Bữa cơm mùa Đông - nếu thiếu thức ăn - chỉ cần tô mắm cà dằm tỏi ớt thêm tí bột ngọt đủ để ăn bay xoong. Đạm bạc thật; nhưng ngon. Cái vị ngọt của cà dĩa đặc biệt lắm. Ngọt đậm, hơi giống vị ngọt thịt cá; ít thứ rau củ nào sánh kịp…

Ngày nhỏ tôi mê món cà dĩa non thái mỏng trộn rau sống chấm mắm nêm. Miếng cà giòn ngọt quyện vị mắm mặn, thơm "bắt" cơm không thể tả. Ăn hoài cũng được; nhưng mẹ không cho ăn nhiều, sợ nhựa cà sống phá hư răng (?)

Ba mẹ mất đã lâu; vườn cà cũng không còn; duy cái sở thích "cà sống mắm nêm" của tôi vẫn cứ còn nguyên. Thi thoảng được thưởng thức món ăn đạm bạc nhưng khoái khẩu ngày xưa, kí ức về mẹ cha và vườn cà tuổi thơ ngày cũ lại ùa về…

Tản văn của Y Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vuon-ca-tuoi-tho-post619506.html