Vững vàng trong trận tuyến ứng phó mưa lũ

Đợt mưa lớn kéo dài liên tục trong những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua khiến nhiều địa phương của tỉnh Phú Yên bị nhấn chìm trong nước lũ. Để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, các cấp, các ngành chức năng, lực lượng địa phương và các đơn vị BĐBP Phú Yên đứng chân tại địa bàn đã chủ động phối hợp, nỗ lực triển khai thực hiện tốt các phương án phòng chống, ứng phó với mưa lũ. Điều đó đã góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, giúp cho người dân nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Ca nô cứu hộ của Hải đội 2, BĐBP Phú Yên tiếp cận, ứng cứu xà lan bị lũ đánh đứt neo trôi dạt. Ảnh: Cao Thảo

Sớm ổn định cuộc sống sau lũ

Chúng tôi trở lại làng biển phường 6, thành phố Tuy Hòa ngay khi nước lũ vừa rút. Dọc trên các tuyến đường ở khu phố Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, lực lượng xung kích địa phương cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuy Hòa, Hải đội 2 BĐBP Phú Yên và người dân đang khẩn trương cào dọn bùn đất, rác, lá cây dồn ứ khi nước lũ rút đi để lại.

Đó đây, trên những đoạn đường vừa được dọn sạch bùn đất, các hàng quán bán đồ ăn, cửa hàng tạp hóa đã được mở cửa. Dọc bờ kè Bạch Đằng, khung cảnh người đi lại hỏi han, mua bán đông vui. Những gương mặt người dân thật bình an, tươi tắn khiến chúng tôi khó hình dung khu vực mình đứng, mới hôm qua là một biển nước với những dòng chảy cuồn cuộn, có sức cuốn phăng mọi thứ.

Đại úy Nguyễn Văn Toàn, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Tuy Hòa cho biết, sáng sớm nay, đội công tác đóng tại phường 6 đã đề xuất chỉ huy đơn vị tăng cường lực lượng hỗ trợ địa bàn tổng dọn sau lũ. "Chúng tôi triển khai ngay đội cơ động đơn vị tập trung về đây cùng phối hợp với địa phương làm nhiệm vụ. Nước rút tới đâu là mọi người cùng hộc tốc gom rác, cào quét bùn, dội nước tới đó. Nhờ tổ chức dọn kịp thời nên đất bùn không bám dính vào mặt đường, tiến độ hoàn thành công việc khá nhanh. Mặc dù lũ rất lớn nhưng trong lũ, phường 6 đã bảo toàn được tính mạng và tài sản của người dân. Nhờ vậy, khi nước rút, mọi người đã có thể tập trung tổng lực để dọn dẹp, ổn định cuộc sống" - Đại úy Toàn chia sẻ.

Sống tại nơi hằng năm luôn bị ảnh hưởng của bão lũ, hơn ai hết, những người dân ở phường 6, thành phố Tuy Hòa thấu hiểu giá trị của sự bình an trong thiên tai và thành quả của công tác chủ động phòng chống, ứng phó tốt trước bão lũ. Ông Phạm Duy Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường 6 cho hay, phường 6 có cửa biển Đà Rằng, là vùng hạ lưu sông Ba. Hôm lũ về lại đúng ngày thủy triều cộng hưởng nên càng nguy hiểm. "Sẩm tối, nước lũ thượng nguồn đổ về ào ào, nước biển lại dâng lên rất nhanh. Từ 19 giờ, nước sông Ba bắt đầu tràn ngang mặt đường bờ kè Bạch Đằng và liên tục dâng cao. Đến 21 giờ, nước trên mặt đường đã cao hơn một mét. Trong những con hẻm thấp, có những ngôi nhà dân chìm sâu trong nước lũ đến 1m2. Các cụ già trong làng bảo rằng, mức nước này tương đương với trận lũ lịch sử năm 1993" - ông Toàn nhớ lại.

Tuy nhiên, nhờ dự báo trước và thực hiện đúng phương án phòng chống lụt bão đã xây dựng, lực lượng địa phương và đội công tác Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã chủ động đưa hết 36 người già và trẻ em trong những ngôi nhà trũng thấp đến nơi an toàn trú tranh trước lúc nước dâng lên. Anh em cũng đã tích cực giúp các gia đình di dời các thiết bị như tủ lạnh, ti vi, xe máy lên nơi cao tránh hư hỏng. Cùng với con người, tài sản, tàu thuyền cũng đã được bảo vệ an toàn. Nếu ngày trước, lũ đổ xuống khiến tàu thuyền bị kéo đứt neo, va đập hư hỏng thì trong lũ này, người dân đã chủ động chằng néo, chống va đập. Để có được kết quả này, cùng với dự báo tốt tình hình, nắm chắc địa bàn, công tác phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng, thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ” đã được phát huy cao độ. Mặc khác, tâm thế sống chung với bão lũ đã và đang thấm nhuần trong mỗi người dân. "Chúng tôi liên tục tổ chức làm tốt công tác tập huấn, quán triệt phương án cho từng cán bộ, triển khai đến tận người dân. Ý thức tự bảo vệ, tuân thủ những quy tắc mà chính quyền đã xây dựng đã được bà con tuân thủ tuyệt đối” - ông Toàn khẳng định.

Điểm sáng trong lòng dân

Đứng tại nơi con lũ vừa đi qua này, tôi còn nghe người dân xúc động luôn nhắc lại chuyện những tổ công tác Biên phòng có mặt tại địa bàn sát cánh cùng bà con trong đêm mưa lũ tràn về. Ở những nhà sâu hút trong các ngách nhỏ, anh em hì hục đến đưa ti vi, tủ lạnh, các thiết bị điện tử lên nơi cao ráo. Tổ, đội tại Trạm Biên phòng Đà Rằng thì ra bến giúp bà con chằng neo ghe thuyền, tới lui mấy lượt kiểm tra cho chắc chắn mới rời bến. Ngư dân Trần Văn Xê, trú tại khu phố Bạch Đằng không giấu được niềm cảm kích khi kể nhiều câu chuyện cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Phú Yên vượt gió bão, mưa lũ để cứu nạn, cứu hộ dân. "Để có sự bình an cho dân, không thể không nói đến tinh thần dám sả thân của nhiều lực lượng, mà anh em Hải đội 2, BĐBP Phú Yên là một trong những đội hình tiêu biểu. Người dân ở đây ai cũng cảm nhận được điều đó khi chứng kiến tổ công tác của Hải đội 2 lên ca nô, ngược dòng nước lũ chảy xiết đi trục vớt thành công hai chiếc xà lan của công ty TNHH Huy Phú bị đứt neo trôi dạt, tôi rất xúc động. Nếu chỉ một chút thiếu vắng tinh thần, trách nhiệm bảo vệ dân, các anh sẽ không đủ dũng khí vượt sóng trong dòng nước lũ chảy xiết, gió mưa như thế" - ông Xê nói.

Thiếu tá Lê Vũ Tuấn, cán bộ trực tiếp chỉ huy chiếc ca nô 10-07-03 đi trục vớt xà lan bị trôi cho biết, 12 giờ trưa ngày lũ đổ về, tổ, đội công tác của anh đang trên tàu ứng trực. Nghe người dân báo có 2 chiếc xà lan đứt neo đang trôi theo dòng nước từ thượng nguồn xuống, anh lập tức điện về báo cáo chỉ huy đơn vị và nhận lệnh lên đường ứng cứu.

Thiếu tá Tuấn và toàn đội nhanh chóng tháo neo, nổ máy ca nô. Trong màn mưa trắng trời và gió quật mạnh, anh nắm chắc tay lái, thận trọng cho ca nô gối sóng, ngược dòng nước chảy, hướng về phía Tây, vượt qua gầm cầu Đà Rằng. Năm anh em trong tổ ứng cứu cùng căng mắt quan sát. Khi phát hiện chiếc xà lan đang cách gầm cầu không xa, anh cho ca nô hướng đến tiếp cận. Vừa khéo léo giữ khoảng cách tránh va đập, Thiếu tá Tuấn vừa chỉ huy anh em buộc dây vào xà lan, nhanh chóng lai dắt, kéo xà lan vào nơi an toàn neo đậu. "Chúng tôi lo nhất là nước đang dâng lên cao, xà lan đến ngang cầu Đà Rằng thì va đập. Khó nói hết mối nguy hiểm khi cầu Đà Rằng bị xà lan va vào đánh sập. Chưa nói trong lúc trôi tự do, nó có thể đập, gây bể, hư hại các tàu thuyền, các phương tiện đánh bắt của ngư dân đang neo đậu tránh lũ dày đặc trên sông" - Thiếu tá Tuấn tâm sự.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vung-vang-trong-tran-tuyen-ung-pho-mua-lu-post446036.html