Vững vàng thế trận an ninh nhân dân

Tỉnh Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam nhưng có nhiều yếu tố giống khu vực Tây Nguyên, có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài hơn 258 km, có 41 dân tộc anh em sinh sống và có nhiều xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn.

Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế-xã hội khu vực khó khăn, song song với đó là xây dựng các giải pháp tăng cường củng cố thế trận lòng dân, an ninh nhân dân gắn với quốc phòng toàn dân và biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

401 mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc

Trong những năm đầu tái lập, tỉnh Bình Phước được xem là "vùng đất hứa" cho nên có nhiều người từ các tỉnh miền bắc, miền trung di cư vào sinh sống. Từ đó xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép để canh tác; khi bị Nhà nước thu hồi đất thì xuất hiện nhiều vụ khiếu kiện đông người kéo dài. Mặt khác, các hoạt động mua bán, sử dụng ma túy, tội phạm hình sự, vi phạm quy chế biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, trộm cắp xe máy đưa qua Campuchia tiêu thụ… gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Thực hiện chương trình phối hợp giữa ngành công an với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về "Ðẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới", Bình Phước đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai, trong đó tổ chức các biện pháp cho từng ngành phù hợp với chuyên môn và nhiệm vụ chính trị được giao. Ngành Công an tỉnh Bình Phước đã lựa chọn những nội dung, mô hình điển hình trong phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội để nhân rộng.

Ðại tá Nguyễn Phương Ðằng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 55 loại mô hình với 401 mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc; trong đó có một số mô hình phát huy tốt hiệu quả như: "Camera an ninh"; "Thôn xóm bình yên"; "Quản lý, giúp đỡ người chấp hành án tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú"… Bên cạnh đó, các cấp hội, đoàn thể cũng xây dựng và duy trì, củng cố các câu lạc bộ, như: "Hội viên Hội Phụ nữ tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự"; "Phòng, chống bạo lực gia đình"; "Ðịa chỉ tin cậy cộng đồng"; "Phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh biên giới"; "Ðiểm sáng biên giới". Thông qua các mô hình, có nhiều cách làm hay, sáng tạo đã góp phần hiệu quả trong việc nắm tình hình an ninh trật tự, tội phạm và tệ nạn xã hội, từ đó ngành công an đề ra các giải pháp xử lý, phòng ngừa tội phạm kịp thời, ổn định tình hình.

Khu dân cư thôn Tân Bình, xã Tân Tiến là một trong những khu dân cư thuộc vùng biên giới của huyện Bù Ðốp. Hầu hết hộ dân chủ yếu trồng cao-su và hồ tiêu nhưng đã sớm có ý thức cao và tham gia vào các tổ an ninh nhân dân, tổ phòng chống tội phạm. Ông Tạ Quang Dương, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tân Bình (xã Tân Tiến, huyện Bù Ðốp) cho biết, thôn là một địa bàn giáp ranh với nước bạn Campuchia cho nên tình hình an ninh trật tự có lúc còn phức tạp, một số ít hộ dân còn tham gia vượt biên trái phép làm kinh tế, hoặc khai thác, vận chuyển gỗ, chặt cây rừng làm trụ tiêu, buôn bán và sử dụng pháo, đánh bạc... "Xác định xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới là việc làm cần thiết để sớm ổn định tình hình, tôi đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong bảo vệ an ninh Tổ quốc và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; coi đây là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các lực lượng chức năng, nhất là nhân dân sống ở khu vực biên giới", ông Dương cho biết.

Vì một vùng biên bình yên

Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", đến nay ông Tạ Quang Dương cùng Ban Công tác Mặt trận thôn đã thành lập tám tổ an ninh nhân dân, một tổ phòng chống tội phạm; vận động toàn thôn cam kết không vượt biên trái phép sang Campuchia, chú tâm phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng vùng biên ngày càng giàu đẹp. Ngoài ra, ông Dương còn chỉ đạo Ban Công tác Mặt trận thôn chủ động phối hợp với lực lượng biên phòng, công an, Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16) thường xuyên kiểm tra tạm trú, tạm vắng; tuần tra bảo vệ biên giới, cột mốc, cọc dấu đường biên. Tổ an ninh của thôn thường xuyên đi tuần đêm để nắm tình hình, qua đó các tệ nạn xã hội như trộm cắp, đánh bạc giảm hẳn, tình hình an ninh nhiều năm liền được giữ ổn định.

Lộc Ninh là huyện biên giới, có 16 xã, thị trấn, có đường biên giới dài 109 km với 13 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 19%. Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những công tác trọng tâm trong phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật, do đó, công tác tuyên truyền thường xuyên đổi mới và kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo, như: Viết bài tuyên truyền đăng tải, chia sẻ trên trang mạng xã hội của từng đơn vị và địa phương. Công an huyện Lộc Ninh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường công tác tổ chức xây dựng, củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả các câu lạc bộ, mô hình về tham gia phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự tại cộng đồng.

Thượng tá Nguyễn Văn Khiêm, Phó Trưởng Công an huyện Lộc Ninh cho biết, đến nay Công an huyện đã phối hợp xây dựng, duy trì hoạt động của 35 mô hình phòng chống tội phạm và 74 điểm sáng, 68 câu lạc bộ pháp luật với 81 tổ, nhóm với 740 thành viên nòng cốt. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị giúp cho lực lượng công an điều tra, làm rõ nhiều vụ việc; vận động hàng chục đối tượng truy nã ra tự thú. Nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự đã và đang phát huy tác dụng như các mô hình: "Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh Tổ quốc"; "Xóm đạo bình yên"; "Tổ tự quản về an ninh trật tự-bảo vệ đường biên mốc giới".

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, những năm qua, lực lượng Công an tỉnh Bình Phước tăng cường xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhờ đó, phong trào đã huy động được sức mạnh của nhân dân vào công tác bảo vệ an ninh, trật tự ngay từ thôn, ấp; góp phần bảo đảm sự vững mạnh của hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/vung-vang-the-tran-an-ninh-nhan-dan-54021.html