Vững vàng Nghi Sơn

Là người Thanh Hóa, mấy ai không tự hào về Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn ở vùng đất Nam Thanh, Bắc Nghệ. Có vào đây mới biết, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ tiền, của vào Nghi Sơn quả là có con mắt tinh tường. Nghi Sơn, một bên là dãy núi đất như con rồng khổng lồ vươn ra biển, một phía là đồng bằng với Quốc lộ 1 đang được mở rộng và đường sắt quốc gia chạy qua.

Các chiến sỹ Đồn BPCK cảng Nghi Sơn tuần tra bảo vệ an ninh trật tự KKT quan trọng đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa.

Trước mặt Nghi Sơn là khu vịnh biển nước sâu, tàu trọng tải 30 ngàn tấn có thể vào ra dễ dàng. Ống khói lò cao, băng chuyền, sắt thép, nhà cao tầng, xe ô tô tải hạng nặng chạy đi chạy lại, bụi đỏ mù mịt, gạch ngói, xi măng ngổn ngang của một đại công trường và hàng chục ngàn công nhân đang hối hả làm việc, đủ biết Nghi Sơn bây giờ cần phải được bảo vệ như thế nào. Chả bù cho những năm đầu chín mươi của thế kỷ trước, khi tôi vào đây, Nghi Sơn chỉ là một vùng biển quạnh vắng, hoang sơ...

Đồn BPCK cảng Nghi Sơn nằm khiêm nhường, khuất sau những rặng phi lao cao vút. Nếu không chú ý nhìn tấm biển ghi tên đơn vị, mọi người sẽ nhầm tưởng là trang trại của một gia đình nào đó. So với đại công trường Nghi Sơn, đồn BP chỉ như một con tem dán vào bên mép KKT.

Thoạt nhìn, Thượng tá Lê Thanh Nha, Đồn trưởng Đồn BPCK cảng Nghi Sơn, giống một ông giáo già trường huyện hơn là một sỹ quan cao cấp, đứng đầu một đơn vị. Đôi mắt hiền hiền, có vẻ hơi ôm ốm, Nha kể: Sức khỏe của em không được tốt. Ăn uống có lúc phải kiêng. Cường độ làm việc lại cao, nên cái tạng người em nó như vậy.

Nói về KKT Nghi Sơn, địa bàn quản lý và bảo vệ của đồn, Nha nắm chắc như lòng bàn tay. Anh cho biết: KKT Nghi Sơn được đánh giá là trọng điểm phát triển phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đồng thời là cầu nối giữa vùng Bắc bộ với Trung bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động số 102/2006/QĐ-TTg ngày 15-5-2006, KKT Nghi Sơn đóng vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả nước. Chính phủ đã xác định, mục tiêu xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: Công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sửa chữa và đóng mới tàu biển, công nghiệp điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến xuất khẩu... gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn, hình thành các sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, các loại hình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới. Hiện tại, ở Nghi Sơn đang có những dự án đầu tư khổng lồ lên tới hơn 10 tỷ USD.

Đứng chân trên địa bàn quan trọng như vậy, cán bộ, chiến sỹ Đồn BPCK cảng Nghi Sơn luôn ý thức được rằng, việc giữ vững và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo hành lang an toàn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, làm ăn, đảm bảo an ninh cho các dự án triển khai đúng tiến độ, là nhiệm vụ rất nặng nề bên cạnh nhiệm vụ chính trị của đơn vị là bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển đảo của Tổ quốc.

Thực tế đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ am hiểu nhất định về kinh tế, khu công nghiệp liên hợp, các nhà đầu tư và kiến thức về du lịch trong thời buổi hội nhập quốc tế. Phối hợp với các lực lượng Công an, Quân sự huyện Tĩnh Gia, cấp ủy, chính quyền các xã trong địa bàn, dựa vào nhân dân, thời gian qua, Đồn BPCK cảng Nghi Sơn đã bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội KKT đặc biệt quan trọng này.

Chỉ huy đồn BP đã lập phương án phòng, chống gây rối, gây bạo loạn ở KKT; phương án phòng, chống những kẻ xấu kích động ngư dân ngăn cản tàu chở hàng ra vào cảng Nghi Sơn; chống trộm cắp trên bờ, trên biển; phương án cứu hộ, cứu nạn, tràn dầu, thảm họa môi trường biển; tụ tập đông người kéo nhau lên huyện, lên tỉnh đòi yêu sách; vận động đồng bào Công giáo sống tốt đời, đẹp đạo...

Với mỗi phương án, chỉ huy đồn đều tổ chức luyện tập cho cán bộ, chiến sỹ và các đội trinh sát, ma túy, vận động quần chúng. Đặc biệt, đối với các phương án phối hợp với các lực lượng của huyện, tỉnh và phải dựa vào quần chúng, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị luôn được chỉ huy đồn nhắc nhở, kiểm tra tập luyện hằng ngày. Do đó, tại địa bàn Nghi Sơn từng xảy ra nhiều vụ việc, có vụ việc tương đối nghiêm trọng, nhưng cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị đều ứng xử và giải quyết rất mau lẹ, hiệu quả.

Thượng tá Lê Thanh Nha chậm rãi: Có lần, ở xã Hải Bình, 54 hộ dân làm muối do bị ô nhiễm môi trường, bà con đề nghị doanh nghiệp đền bù thiệt hại, nếu không chính quyền địa phương phải bồi thường, nhưng mọi kiến nghị của diêm dân đều không được giải quyết. Bị kẻ xấu kích động, bà con đã tập hợp nhau lại, thuê xe ô tô định kéo nhau lên tỉnh, ra Trung ương khiếu kiện.

Do nắm chắc tình hình địa bàn, một mặt, đồn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã Hải Bình biện pháp giải quyết, mặt khác, chỉ huy đồn gọi số chủ xe ô tô lên giáo dục tuyên truyền, vận động không được chở dân lên tỉnh, ra Trung ương khiếu kiện.

Đặc biệt, cán bộ, chiến sỹ của đồn xuống vận động người cao tuổi, người có uy tín trong xã, trong thôn đi tuyên truyền, thuyết phục con cháu, anh em, dòng họ, bà con trong làng ngoài xã không a dua, nghe theo bọn xấu. Các đội trinh sát phòng chống tội phạm, ma túy gọi các đối tượng xấu lên răn đe, giáo dục. Chỉ huy đồn đề nghị chính quyền địa phương làm việc với doanh nghiệp, để không xả thải nước bẩn ra khu vực đồng muối của bà con, có biện pháp hỗ trợ một phần thiệt hại cho diêm dân. Nhờ đó, tình hình khu vực bà con làm muối ở xã Hải Bình đã ổn định trở lại. Uy tín của Đồn BPCK cảng Nghi Sơn vì thế mà được nâng lên.

Tháng 11-2011, do việc nạo vét duy tu luồng lạch ra vào cảng KKT Nghi Sơn làm nguồn nước bị khuấy bùn, vẩn đục nặng, hàng loạt lồng cá của ngư dân nuôi trên biển bị chết. Gần 500 người dân xã Nghi Sơn bức xúc, phản ứng quyết liệt, đã kéo nhau lên vây lực lượng chức năng bảo vệ KKT và vây các tàu nạo vét, bắt giữ người, gây nên tình hình an ninh căng thẳng.

Chỉ huy Đồn BPCK cảng Nghi Sơn đã phản ứng cực kỳ nhanh, nhạy. Một mặt, khẩn trương báo cáo vụ việc lên huyện, lên tỉnh, đề nghị cử đoàn công tác gồm các ngành có liên quan xuống xử lý, giải quyết. Mặt khác, nhanh chóng phân công ba đồng chí: Thiếu tá Hoàng Anh Hiếu, Phó Đồn trưởng; Thiếu tá Hoàng Anh Tuấn, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ; Đại úy Trương Ngọc Tùng, Phó Đồn trưởng Cửa khẩu, xuống phối hợp cùng chính quyền địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt, xử lý cá chết trong lồng bè của 78 gia đình, trị giá gần 8 tỷ đồng.

Được đoàn công tác của tỉnh, huyện gồm: Bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khoa học và công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn... xuống giúp sức phối hợp xử lý, giải quyết. Cuối cùng, bà con ngư dân xã Nghi Sơn đã được đền bù một phần thiệt hại. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo, không để vụ việc lan rộng, gây ảnh hưởng xấu cho các nhà đầu tư.

Sau sự việc này, cả Bí thư Huyện ủy Tĩnh Gia Trương Bá Phúc và Chủ tịch UBND huyện Đào Trọng Quy đều khâm phục các phương án xử lý tình huống của Đồn BPCK cảng Nghi Sơn. Lãnh đạo huyện Tĩnh Gia đều nhất trí đánh giá: Sự thành công thu hút các dự án đầu tư và triển khai các dự án đạt hiệu quả như ngày hôm nay, có sự đóng góp rất lớn của Đồn BPCK cảng Nghi Sơn trong việc bảo đảm an ninh trật tự cho cả KKT. Đó là đồn BP vững vàng nhất ở một vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Thanh Hóa!

A. Hoa

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/baobienphong/news/vung-vang-nghi-son/26781.bbp