Vững tin Long Mỹ chuyển mình cùng nông thôn mới từ hoạt động nổi trội của các HTX

Nông dân tham gia các HTX, tổ hợp tác ngày càng nhiều khi ở đó có những mô hình liên kết chuỗi chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo được đầu ra, sản phẩm an toàn theo chuỗi giá trị. Điều này càng giúp cho huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) vững tin có thể đảm bảo 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2025.

HTX nuôi lươn Thuận Phát (ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A) được xem là một HTX điển hình của huyện Long Mỹ với mô hình nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả, mang lại thu nhập khá cho người nông dân địa phương. HTX này có quy mô nuôi lươn sinh sản lẫn lươn thịt sản lượng lên đến 40 tấn mỗi năm.

Hiệu quả của HTX nuôi lươn không bùn

Theo ông Đào Chí Linh, Giám đốc HTX, nuôi lươn không bùn thời gian nuôi trung bình 10 tháng nông dân thu lợi nhuận trên 60% tổng vốn đầu tư. Do chi phí đầu tư thức ăn cho lươn thấp hơn các loài thủy sản khác, vì vậy nhiều hộ trên địa bàn huyện Long Mỹ cũng đã khá lên từ mô hình này.

Mô hình nuôi lươn không bùn của HTX nuôi lươn Thuận Phát được bà con nông dân địa phương học hỏi và nhân rộng.

Ông Linh cho biết thành viên trong HTX không chỉ bán lươn thịt mà còn chế biến thành khô lươn một nắng với giá bán tốt để có mức lợi nhuận cao hơn. Hiện sản phẩm khô lươn một nắng của HTX đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đây là động lực giúp thành viên phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.

Hồi năm 2022 HTX Thuận Phát đã được chọn để tham gia Đề án phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây sẽ là cơ sở cũng là đòn bẩy giúp HTX tiếp tục phát triển về chất lượng lẫn sản lượng, góp phần kéo theo sự gia tăng thu nhập cho người dân cũng như tăng trưởng kinh tế cho địa phương.

Từ hoạt động nổi trội của HTX này đã tạo đòn bẩy cho mô hình nuôi lươn đang ngày càng phát triển trên địa bàn huyện Long Mỹ. Vì vậy, huyện này đang hướng tới sẽ tiếp tục phát triển chuỗi liên kết các hộ nuôi lại thành tổ hợp tác, HTX nuôi lươn để thuận lợi đầu ra.

Chẳng hạn như ở ấp 8, xã Lương Tâm cách đây 2 năm đã thành lập Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn với 10 thành viên. Tổ hợp tác là bước khởi đầu để các thành viên tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và nguồn vốn góp để hình thành nên tổ chức lớn hơn là HTX.

Trong những năm qua nhiều nông dân ở Long Mỹ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập cho gia đình. Có nhiều hộ đã tận dụng chuồng nuôi heo bỏ trống sau thời gian thua lỗ, tụt giá để tái sử dụng làm bể nuôi lươn.

Mặc dù giá lươn còn thấp, nhưng với việc học tập các mô hình hiệu quả, nông dân biết điều tiết lượng thức ăn, kỹ thuật nuôi nên có thể không bị gia tăng chi phí. Hiện tại, nhiều nông dân trong huyện cũng đã biết chế biến sản phẩm từ lươn như khô lươn, lươn một nắng,...Như vậy, tổ hợp tác, HTX sẽ không lo đầu ra bị ứ đọng.

Sản phẩm an toàn theo chuỗi giá trị

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho biết thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn hướng tới sản phẩm an toàn theo chuỗi giá trị. Huyện cũng tiếp tục hỗ trợ xây dựng dự án lươn VietGAP của HTX nuôi lươn Thuận Phát.

HTX ở huyện Long xây dựng 40ha khóm theo tiêu chuẩn GAP nhằm tạo điều kiện để chế biến các sản phẩm OCOP.

Bên cạnh mô hình nuôi lươn, đến nay, huyện Long Mỹ có 50 HTX, trong đó 43 HTX nông nghiệp và 7 HTX phi nông nghiệp. Ngoài ra, huyện còn có 81 tổ hợp tác đang hoạt động có hiệu quả.

Hiện tại, ngoài HTX Thuận Phát thì còn có 3 HTX khác ở huyện Long Mỹ được tỉnh Hậu Giang chọn tham gia Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là HTX nông nghiệp Thuận Lợi, HTX nông nghiệp Phúc Thịnh và HTX nông nghiệp Cao Cường.

Ngoài ra, huyện Long Mỹ cũng hỗ trợ về sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho 3 HTX như: HTX Lươn Thuận Phát phát triển sản phẩm lươn tẩm gia vị đạt chuẩn OCOP và HTX Thuận Lợi xây dựng vùng lúa chất lượng cao 68ha đạt tiêu chuẩn GAP để tiến tới sản phẩm OCOP, HTX Nông nghiệp Phúc Thịnh xây dựng 40ha khóm theo tiêu chuẩn GAP nhằm tạo điều kiện để chế biến các sản phẩm OCOP.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Long Mỹ có tổng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là 164,84ha, với đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác. Trong đó tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 109,35 ha/83 hộ, như: Tổ hợp tác bưởi da xanh ở ấp 8, xã Lương Nghĩa với 6,6ha; HTX Tiến Nông ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn được 21,65ha với 22 hộ trên cây bưởi da xanh; HTX lúa và màu ở ấp 8, xã Lương Nghĩa được 19ha, với 15 hộ; HTX lúa - tôm Tân Tiến, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa có 11,9ha, với 6 hộ; HTX khóm Phúc Thịnh ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn A với 50,2ha/22 hộ.

Còn theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên cây lúa và mãng cầu thì huyện được 55,49ha với 36 hộ dân là thành viên của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Nhật Quang Nông, ở ấp 7, xã Lương Nghĩa và HTX mãng cầu xiêm Thuận Hòa, ấp 2, xã Thuận Hòa.

Thiết thực trong xây dựng nông thôn mới

Như chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Mãng cầu xiêm Thuận Hòa: Được sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước, các thành viên HTX tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo quy trình sản xuất chất lượng cao tạo ra trái mãng cầu đạt chuẩn GlobalGAP; xây dựng mã số vùng trồng, tạo dựng nên thương hiệu “Trái mãng cầu xiêm Thuận Hòa” phát triển mở rộng thị trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Hoạt động hiệu quả của các HTX càng giúp cho huyện Long Mỹ vững tin có thể đảm 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2025.

Còn theo ông Đặng Văn Út, Phó Giám đốc HTX Tiến Nông: “Để bưởi da xanh của HTX đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, các thành viên trong HTX đều ý thức thực hiện trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Riêng đối với gia đình, để có sản phẩm sạch tôi luôn áp dụng kỹ thuật vào việc trồng bưởi. Làm thế nào sản phẩm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng là điều tôi luôn quan tâm”.

Bên cạnh ý thức trong sản xuất an toàn, người dân trên địa bàn huyện Long Mỹ còn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, HTX với nông dân.

Ông Lê Hồng Việt cho biết nông dân tham gia các HTX ngày càng nhiều giúp cho việc xây dựng nông thôn mới càng thiết thực. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được người dân quan tâm và áp dụng, đặc biệt là chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn trái hay thủy sản. Lộ trình kế hoạch vốn trung hạn đã được đề xuất, huyện Long Mỹ có thể đảm bảo 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2025.

Lãnh đạo huyện Long Mỹ xác định phát triển nông nghiệp là thế mạnh của huyện, chiếm hơn 63% giá trị sản xuất. Địa phương xây dựng đề án, thứ nhất là xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao; quy hoạch vùng lúa chất lượng cao khoảng 4.000ha. Thứ hai, phát triển các HTX gắn với liên kết bao tiêu và khép kín.

Hướng mới của huyện này ngoài việc HTX phục vụ dịch vụ sản xuất nông nghiệp, sẽ kết hợp tích tụ ruộng đất, huy động thành viên các HTX không sản xuất nhỏ lẻ mà gom lại cho HTX thuê để thực hiện trên một cánh đồng lớn, diện tích lớn. Bên cạnh đó, địa phương đang thí điểm các thành viên HTX kết hợp dịch vụ thủ công mỹ nghệ.

Từ việc chú trọng phát triển chuỗi liên kết nông sản và phát triển kinh tế hợp tác đã giúp cho việc xây dựng nông thôn mới ở Long Mỹ trở nên thiết thực và khởi sắc hơn. Hiện tại, huyện đã có 4/7 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (xã Vĩnh Thuận Đông, xã Lương Tâm, xã Thuận Hòa, xã Thuận Hưng), riêng xã Thuận Hưng được công nhận xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/vung-tin-long-my-chuyen-minh-cung-nong-thon-moi-tu-hoat-dong-noi-troi-cua-cac-htx-1095527.html