Vung tiền tấn, bóng đá Trung Quốc vẫn chưa lột xác

Bóng đá Trung Quốc liên tục rải tiền để chiêu mộ nhân tài, thâu tóm nhiều đội bóng ở châu Âu.

ĐT Trung Quốc chơi thất vọng tại Vòng loại World Cup 2018

Vài năm trở lại đây, bóng đá Trung Quốc liên tục rải tiền để chiêu mộ nhân tài, thâu tóm nhiều đội bóng ở châu Âu. Thế nhưng, chừng đó là chưa đủ cho tham vọng “hóa rồng” nền bóng đá của người Trung Quốc.

Lợi bất cập hại

Khoảng 3-4 mùa giải trở lại đây, thị trường chuyển nhượng bóng đá thế giới trở nên sôi động hơn hẳn khi các CLB Trung Quốc liên tục vung tiền chiêu mộ nhân tài từ khắp nơi. Tiền, thậm chí là rất nhiều tiền đã đưa các ngôi sao thành danh ở trời Âu như: Ramires, Jackson Martinez, Alex Teixeira, Gervinho, Tim Cahill, Freddy Guarin, Asamoah Gyan, Paulinho, Asamoah Gyan lần lượt cập bến giải VĐQG Trung Quốc. Không thể phủ nhận, làn sóng này đã giúp giải đấu cao nhất bóng đá Trung Quốc hấp dẫn hơn hẳn. Các đội bóng Trung Quốc cũng ghi dấu ấn khá mạnh tại AFC Champions League với hai chức vô địch của Guangzhou Evergrande vào các năm 2013, 2015.

Tuy nhiên, ở cấp độ đội tuyển, bóng đá Trung Quốc vẫn đang loay hoay trong nỗ lực đột phá. Tại vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, ngoài trận hòa 0-0 Iran, Trung Quốc thua cả ba trận còn lại trước Hàn Quốc, Syria và Uzbekistan. Giành 1 điểm sau bốn lượt trận, xếp cuối bảng A, đội bóng xứ tỉ dân gần như hết cơ hội cạnh tranh vé tới Nga vào mùa hè 2018. Đặc biệt, thời điểm này, ĐT Trung Quốc vẫn chưa có người dẫn dắt nên thật khó để đội bóng này lột xác ở giai đoạn tiếp theo.

Chẳng riêng gì ĐTQG gây thất vọng, ĐT U23 Trung Quốc bị loại ngay từ vòng bảng giải U23 châu Á 2016 sau 3 trận toàn thua. ĐT U19 Trung Quốc đang dự giải U19 châu Á 2016 cũng để thua U19 Australia ngay trong ngày ra quân. Tất cả những thất bại trên như đòn giáng mạnh vào tham vọng nâng tầm của bóng đá Trung Quốc.

Có thể nói, bóng đá Trung Quốc đang có sự chung tay của toàn xã hội. Nhờ cơ chế mở, rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn nhảy vào làm bóng đá. Chính bởi vậy, các CLB ở giải VĐQG Trung Quốc không tiếc tiền mua sắm, trả lương khủng để thu hút nhân tài. Trong khi đó, các cầu thủ Trung Quốc trình độ vẫn ở mức thấp nên dần dần sẽ đánh mất tầm ảnh hưởng, tiếng nói trên sân. Hệ quả sau cùng là các đội tuyển không có được quân số chất lượng.

“Xu hướng sử dụng ngoại binh giỏi là tất yếu trong bóng đá hiện đại. Ngay cả những đội bóng hàng đầu thế giới như: Barca, Real, M.U cũng cần ngoại binh để tăng cường sức mạnh. Thế nhưng, ở những CLB này, các cầu thủ nội vẫn có tiếng nói. Ngược lại, cầu thủ Trung Quốc trình độ ở mức thấp, thậm chí rất thấp so với ngoại binh nên dần dần sẽ đánh mất tiếng nói trên sân. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức mạnh của các đội tuyển Trung Quốc bởi đội tuyển đâu thể mua ngoại binh”, HLV Triệu Quang Hà phân tích.

Cần thêm nhiều thời gian

Cách làm của bóng đá Trung Quốc về lý thuyết không sai nhưng để nâng tầm cả một nền bóng đá cần một quá trình lâu dài, bài bản, đồng bộ. Việc quá sa đà vào tư duy có tiền mua tiên cũng được khiến bóng đá Trung Quốc về cơ bản không thể tiến lên. Kể cả khi nhiều tập đoàn lớn ở Trung Quốc vung tiền thâu tóm các CLB ở châu Âu nhằm học lỏm, thật khó đong đếm hiệu quả đem lại.

Để một nền bóng đá trở nên cường thịnh, cái móng chắc chắn phải vững. Nền tảng trong bóng đá chính là hệ thống đào tạo trẻ, chăm lo lực lượng kế cận. Trung Quốc cũng đã và đang thực hiện rất tích cực mảng này nhưng vẫn thiếu sự đột phá. Hiện nay, việc đào tạo trẻ ở Trung Quốc vẫn mang nặng tính hình thức, chỉ đông chứ không tinh. Các lò đào tạo mọc lên như nấm nhưng lại thiếu đi những bộ óc hoạch định chiến lược lâu dài. Hệ quả nhãn tiền, bóng đá trẻ Trung Quốc chưa thể sản sinh ra những tài năng đặc biệt.

HLV Sven-Goran Eriksson, người đang dẫn dắt CLB Shanghai SIPG phân tích, bóng đá Trung Quốc đang có tiềm năng nhưng cần tập trung mạnh mẽ nguồn lực cho đào tạo trẻ thay vì cố chạy theo dàn sao châu Âu. “Hệ thống đào tạo của Trung Quốc đã mở rộng tới cả các trường học nhưng theo tôi chất lượng không cao. Chương trình đào tạo, hệ thống giáo án cùng phương pháp quá lạc hậu so với thế giới nên rất khó để Trung Quốc gặt hái thành công. Điều cần làm nhất với bóng đá Trung Quốc là lôi kéo nhiều chuyên gia đào tạo từ các nền bóng đá phát triển như Brasil, Đức, Tây Ban Nha”, HLV Sven-Goran Eriksson nói trên The Guardian.

Bên cạnh đó, cựu thuyền trưởng ĐT Anh nhận định, bóng đá Trung Quốc muốn thành công thì không thể tồn tại tư tưởng ăn xổi. “Xuất phát điểm của bóng đá Trung Quốc không cao nên để tiến lên cần đi từng bước thận trọng. Không nền bóng đá nào vụt lớn thành khổng lồ được. Nếu làm tốt đào tạo trẻ, cộng thêm việc tạo ra một giải VĐQG có tính cạnh tranh hơn, tôi tin khoảng 10 - 15 năm nữa, bóng đá Trung Quốc sẽ bắt kịp nhóm dẫn đầu thế giới”.

Hữu Hiệp

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/vung-tien-tan-bong-da-trung-quoc-van-chua-lot-xac-d172896.html