''Vững tay chèo'' qua đại dịch

Khôi phục thành công dòng men rạn cổ của ông cha để lại, với sự tâm huyết trong từng sản phẩm gốm Bát Tràng, Công ty Gốm tâm linh Bảo Quang (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) do nghệ nhân ưu tú Phạm Đạt chèo lái đã đi từ thành công này đến thành công khác. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng công ty vẫn 'vững tay chèo', duy trì việc làm ổn định cho hơn 700 lao động, đạt doanh thu gần 100 tỷ đồng.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Đạt say mê với nghề gốm.

Nghệ nhân Phạm Đạt đã sớm thành lập công ty sau khi nghiên cứu và phục chế thành công dòng men rạn cổ dựa trên những bí quyết của ông cha để lại. Nghệ nhân Phạm Đạt chia sẻ, trong sản xuất gốm, nhất là dòng men rạn sử dụng nhiệt độ cao, tới 1.200 độ C và sự sai lệch chỉ trong khoảng 5 độ C nên đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối. Nguyên liệu được chọn cũng kỹ càng, đất sét trắng từ vùng Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), Chí Linh (tỉnh Hải Dương), nước phù sa sông Hồng hòa quện với tro của rơm rạ trộn lẫn và khi ở nhiệt độ cao mới hình thành nên dòng men rạn riêng biệt.

Năm 2008, khi thị trường châu Âu suy thoái kinh tế, xuất khẩu bị ngừng trệ khiến hoạt động của công ty điêu đứng buộc phải tạm dừng sản xuất. “Cùng với những anh em tâm huyết, chúng tôi nghiên cứu thị trường gốm tâm linh và quyết tâm phát triển thị trường trong nước. Đó là một hướng đi đúng để mang lại thành công. Năm 2011, những sản phẩm đầu tiên được ra lò và thương hiệu gốm tâm linh Bảo Quang - nghệ nhân Phạm Đạt chính thức được người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, sản phẩm khi đó chưa đa dạng, họa tiết đắp nổi chưa tinh xảo nên với lô sản xuất đầu tiên, mặc dù đã đưa ra chào bán ở các đại lý, nhưng rồi vẫn phải cho thu hồi...”, nghệ nhân Phạm Đạt chia sẻ.

Rút kinh nghiệm, từ năm 2012, mẫu mã sản phẩm gốm bắt đầu được hoàn thiện với các họa tiết đắp nổi tinh xảo. Mỗi đường nét hoa văn, họa tiết đều được các nghệ nhân đắp nổi thủ công bằng tay, đặc biệt có những sản phẩm phải mất tới 90 ngày chế tác liên tục mới ra được bản hoàn chỉnh. Ngay cả khi phủ men cũng là sự uyển chuyển, kỹ càng để tạo nên độ rạn đều, sâu và tinh tế cho nước men. Nhờ sự chú trọng vào chất lượng đã mang lại thành công cho gốm tâm linh Bảo Quang. Đến nay, anh Phạm Đạt đã thành lập thêm 2 công ty: Gốm tâm linh Gia tộc Việt, Gốm tâm linh quà quý, với hàng chục nghìn mét vuông nhà xưởng, tạo việc làm cho hơn 700 lao động địa phương và một số lao động ở địa bàn lân cận. Sản phẩm của nghệ nhân Phạm Đạt đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đại lý chính thức được đặt ở 22 tỉnh, thành phố.

Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng tại cơ sở sản xuất của nghệ nhân Phạm Đạt, không ai phải nghỉ việc, người lao động vẫn bảo đảm mức thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/người/ tháng. Doanh thu của công ty đạt gần 100 tỷ đồng. Vinh dự đến với anh Phạm Đạt khi ngày 29-10-2020, Chủ tịch nước đã ký Quyết định công nhận anh là Nghệ nhân ưu tú (là một trong bốn Nghệ nhân ưu tú của xã Bát Tràng được công nhận trong dịp này).

Thanh Hải

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/993009/vung-tay-cheo-qua-dai-dich