Vùng nào ở Việt Nam là nơi sinh sống của loài cá sấu lớn nhất thế giới?

Để khai hoang mở đất, người Việt xưa đã phải đối mặt với nhiều loài thú dữ, trong đó có loại cá sấu lớn nhất thế giới với chiều dài trên 7m.

1. Vùng nào của Việt Nam nổi tiếng với loài cá sấu lớn nhất thế giới?

Đồng bằng sông Cửu Long
Bắc Trung Bộ
Nam Trung Bộ
Đồng bằng sông Hồng

Chính xác

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ vốn là nơi sinh sống của loài cá sấu nước mặn (danh pháp khoa học Crocodylus porosus). Khi mở đất về phương Nam, người Việt xưa đã phải đối mặt với loài ăn thịt này.

Cá sấu nước mặn hay cá sấu cửa sông được ghi nhận là loài cá sấu lớn nhất thế giới. Chúng đạt kích cỡ của loài khủng long ăn thịt cỡ nhỏ, con đực có thể dài từ 5 - 7m, nặng từ 500kg - 1 tấn. Cá sấu nước mặn cũng lớn hơn cá sấu sông Nile.

Tuy nhiên, hiện diện tích sinh sống và số lượng cá sấu nước mặn tại Việt Nam bị giảm đi đáng kể.

2. Cá sấu nước mặn tại Việt Nam còn có tên gọi khác là gì?

Cá sấu Ấn Độ
Cá sấu mõm ngắn
Cá sấu hoa cà
Cá sấu đầm lầy

Chính xác

Cá sấu nước mặn ở Việt Nam còn được gọi là cá sấu hoa cà. Vảy của chúng hình trái xoan, con trưởng thành thân có họa tiết vằn đen trên nền vàng.

Vì lớp da đặc trưng, nhiều nơi tại Nam Bộ đã phát triển mô hình nuôi cá sấu hoa cà để khai thác da, phục vụ ngành công nghiệp thời trang.

3. Con sông nào tại An Giang từng là nơi trú ngụ ưa thích của loài cá sấu nước mặn?

Sông Tiền
Sông Hậu
Sông Vàm Nao
Sông Gành Hào

Chính xác

Vàm Nao, An Giang là một trong những con sông ngắn nhất Việt Nam. Sông Vàm Nao dài chưa tới 7km, rộng khoảng 700m. Vì Vàm Nam có vị trí đặc biệt, nối giữa sông Tiền và sông Hậu, đáy sông có nhiều hang hốc nên nhiều loài cá dữ đã tìm đến đây để sinh sống.

Con sông Vàm Nao gắn liền với truyền thuyết về con cá sấu khổng lồ Năm Chèo. Sự nguy hiểm của sông Vàm Nao cũng được nhắc đến trong cuốn “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang”:

“Sông Vàm Nao hồi ấp hẹp nhưng độ sâu đáng sợ. Cá sấu tránh sóng to của sông lớn, vào trầm mình ở đó vô số. Sưu dân đa số là người của miệt dưới, tức Sa Đét, Long Hồ, Trà Vang…; họ muốn trốn về đường đó, vì đây là đường tắt, rừng bụi nhiều và cách xa đường dịch trạm (tức công lộ), không có đồn ải ngăn chặn. Người ta đợi giữa đêm khuya, họp thành đàn cho đông, mỗi người ôm một cây chuối để làm ống nổi rồi nhảy ào xuống nước một lượt mà lội để cho cá không ăn kịp. Tuy nhiên, qua tới bờ sông bên kia, 10 người chỉ còn năm ba người, có người cụt tay, mất chân…”.

4. Cầu Đầu Sấu là địa danh thuộc tỉnh thành nào của vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

Vĩnh Long
Cà Mau
An Giang
Cần Thơ

Chính xác

Tại Cần Thơ, có rất nhiều địa danh được đặt tên theo loài cá sấu. Trong đó, một số cái tên không xuất hiện trong bản đồ hành chính nhưng được người dân sử dụng thường xuyên, có thể kể đến rạch Đầu Sấu, vàm Đầu Sấu, cầu Đầu Sấu, Cái Da, Cái Răng…

Hiện cầu Đầu Sấu là địa danh thuộc quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

5. Ngoài cá sấu, loài sinh vật nào sau đây cũng là nỗi ám ảnh đối với người Nam Bộ xưa?

Voi
Rắn
Hổ
Trăn

Chính xác

Hình tượng cá sấu và hổ gắn liền với quá trình khai phá đất phương Nam của người Việt xưa. Hai loài này là mối đe dọa chính của người Nam Bộ khi định cư ở vùng đất mới. Vì vậy, dân gian còn lưu truyền câu thơ: “Đồng Nai địa thế hãi hùng/Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.

Vào thế kỷ XVII - XVIII, cọp sống ở khắp nơi tại Nam Bộ. Nhiều địa danh chứa tên loài cọp như rạch Ông Hổ (Tiền Giang), cù lao Ông Hổ (An Giang), đìa Cứt Cọp (Bến Tre)... Đồng thời, cọp cũng có mặt trong văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người dân.

Đến thế kỷ XX, cọp vẫn là nỗi sợ của người Nam Bộ. Cố nhà văn Sơn Nam từng viết trong cuốn “Lịch sử khẩn hoang”: “Những năm 1947 - 1948 ở Tây Ninh cọp từ rừng về làm loạn, từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng lệnh giới nghiêm được ban ra để tránh cọp. Vào những giờ ấy ngoài đường không một bóng người”.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vung-nao-o-viet-nam-la-noi-sinh-song-cua-loai-ca-sau-lon-nhat-the-gioi-2157912.html