Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam Bộ: Thành tựu và sứ mệnh phát triển mới

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển mạnh, đi đầu cả nước, là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực.

Ngày 9/7, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 nhằm đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân triển khai thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị, từ đó đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: MPI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: MPI)

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đông Nam Bộ và vùng KTTĐPN có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; diện tích trên 30,5 ngàn km2 (9,2% diện tích của cả nước); dân số khoảng 21,9 triệu người (22% dân số cả nước); GRDP chiếm hơn 35% cả nước; đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,58 lần, đô thị hóa gấp 1,8 lần trung bình cả nước.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu bám sát nội dung Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị để đánh giá khách quan, thẳng thắn, trung thực, tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung trọng tâm.

Theo đó, đánh giá, nêu bật những kết quả đã làm được, những tồn tại, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực, chỉ ra những điểm nghẽn, nút thắt hiện nay của vùng và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, tác động tới sự phát triển của vùng và cả nước, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của vùng; nhận diện, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng; đề xuất những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, đột phá, các đề xuất kiến nghị cụ thể để đáp ứng được yêu cầu phát triển vùng và phù hợp với tình hình thực tiễn.

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: MPI)

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: MPI)

Những nội dung này liên quan đến nhận thức, cách làm, nguồn lực trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần dân chủ với trách nhiệm cao nhất, phát huy trí tuệ tập thể, kinh nghiệm, gắn nghiên cứu khoa học và thực tiễn tại các địa phương để thảo luận kỹ, góp ý, đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả và đi thẳng vào các vấn đề chính.

Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991 - 2000 và 15 năm đổi mới, vùng Đông Nam Bộ và vùng KTTĐPN đã đạt được một số thành tự đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Vùng vẫn còn một số yếu kém: kinh tế của vùng còn những yếu tố thiếu vững chắc; phát triển còn mang tính tự phát, chất lượng quy hoạch thấp; sự liên kết, phối hợp giữa các tỉnh trong vùng chưa tốt; công nghiệp về cơ bản vẫn là gia công, giá trị gia tăng thấp; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm chưa cao; ô nhiễm môi trường gia tăng; một số vấn đề xã hội còn nhiều phức tạp.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo đề dẫn tại Hội nghị (Ảnh: MPI)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo đề dẫn tại Hội nghị (Ảnh: MPI)

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả đánh giá 05 năm thực hiện Nghị quyết 53 cho thấy, vùng đã đạt được những bước phát triển quan trọng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, quá trình phát triển vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Do vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 27 ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53 để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng KTTĐPN đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh mục tiêu “duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo chuyển biến rõ rệt về chất, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả các ngành kinh tế, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đóng góp hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của cả nước. Chủ động khai thác cơ hội, phát huy tối đa lợi thế và hạn chế các mặt bất lợi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững kinh tế, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, kết quả thực hiện Nghị quyết 53/NQ-TW đã giúp vùng KTTĐPN và vùng Đông Nam Bộ giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ; là trung tâm tài chính, logistics, đầu mối giao lưu quốc tế lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, vùng KTTĐPN và vùng Đông Nam Bộ đang gặp nhiều thách thức, mà nghiêm trọng nhất là việc phát triển dưới mức tiềm năng và chưa phát huy tốt vai trò trung tâm kinh tế-xã hội của cả nước.

Dịp này, đồng chí Phan Văn Mãi đề xuất các định hướng chính của Nghị quyết mới về vùng KTTĐPN và vùng Đông Nam Bộ, gồm có: Nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ theo quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 15/4/2022; Hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc; Liên kết triển giao thông vùng: Đường bộ (vành đai, quốc lộ, cao tốc kết nối); đường thủy; đường sắt; Liên kết trong vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt, thích ứng biến đổi khí hậu; Liên kết phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung của vùng.../.

Hân Nguyễn

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-va-dong-nam-bo-thanh-tuu-va-su-menh-phat-trien-moi-614919.html