Vững hậu phương - Tết đong đầy yêu thương

Cứ mỗi khi nhắc đến hình ảnh những người lính nơi đảo xa đang ngày đêm chắc tay súng, canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lại nghĩ về bóng dáng hậu phương của họ với muôn vàn cảm phục, sẻ chia. Quả thực, có gặp và tiếp xúc mới thấy, dường như hậu phương người lính vùng biển lúc nào cũng hiện lên một cách lặng lẽ, âm thầm…

Thường xuyên đón Tết xa chồng

Tôi may mắn được tiếp xúc với những người thân của lính đảo trên địa bàn thành phố Hà Nội trong một buổi gặp mặt do Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức. Hôm ấy, quanh những câu chuyện đầy xúc động là hình ảnh những người mẹ, người vợ... đang cố gắng khắc phục khó khăn trong cuộc sống để những người lính nơi đảo xa yên tâm công tác.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cùng Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy trao quà cho học sinh là con chiến sĩ đang công tác tại biển đảo.

“Người con gái nào cũng vậy, khi đã chấp nhận yêu và đồng ý làm dâu nhà lính thì đều đã có thể hình dung ra một phần cuộc sống thiếu vắng chồng… Ngày quyết định về chung một nhà với anh, tôi biết sẽ có những xa cách vời vợi. Nhưng bởi tình yêu màu áo lính, tôi nguyện lòng trở thành hậu phương mong anh yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thế nhưng, đến khi chồng hết nghỉ phép cưới vợ và trở lại đơn vị, tôi mới hiểu hết nỗi vất vả của vợ lính.

Vẫn biết rằng, làm vợ người lính thời bình thì nỗi vất vả chẳng thấm vào đâu so với những người vợ lính thời chiến, nhưng trong thâm tâm vẫn gờn gợn một suy nghĩ, thời chiến thì buộc lòng vợ lính phải xa chồng là một lẽ đương nhiên, còn trong thời bình, người vợ nào cũng muốn được có chồng ở bên cạnh để làm trụ cột gia đình. Thế nhưng, rất hiếm có người vợ lính nào được toại nguyện ước mong bình dị đó” - chị Trần Thị Ngọc Tỉnh (giáo viên Trường Trung học cơ sở Linh Đàm, quận Hoàng Mai), có chồng là anh Hoàng Duy Hưng (hiện đang công tác tại Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân) nghẹn ngào chia sẻ với tôi như vậy.

Chị Tỉnh cho hay, vợ chồng chị lấy nhau gần được 5 năm, nhưng thời gian ở bên nhau vô cùng ít ỏi. Chị còn nhớ như in từ lúc mang thai cho đến những ngày “vượt cạn”, chỉ có gia đình hai bên chăm sóc bởi chồng chị ở lại đơn vị làm tròn nhiệm vụ được giao. Tủi thân nhất là những lúc ốm phải tự mình vượt qua, hay những khi con đau, mình chị phải đưa con đi khám hay chăm con trong viện.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trò chuyện với chồng chị Trần Thị Ngọc Tỉnh qua điện thoại.

“Những phút yếu lòng như thế, tôi cảm tưởng không vượt qua được, nhưng chính những lúc ấy, cuộc điện thoại của chồng từ xa quan tâm, động viên và báo bình an hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao như xua đi mọi ngậm ngùi trong tôi. Hay những đợt nghỉ phép ngắn ngày, như để “chuộc lỗi” vắng nhà những lúc vợ “vượt cạn”, con ốm con đau, anh chăm chỉ làm hết mọi việc, từ giặt giũ quần áo, tã lót em bé đến đi chợ nấu cơm, đưa đón con trai lớn đi học… Nhìn anh chăm sóc vợ con khiến tôi cảm thấy mình là người may mắn và hạnh phúc. Tôi lại tự hào, hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp và bà con hàng xóm khi có chồng là bộ đội” - chị Tỉnh bộc bạch.

Có chồng là anh Lê Xuân Thanh (hiện đang công tác tại Hải đoàn 128 Quân chủng Hải quân), chị Nguyễn Thị Vi (giáo viên Trường Trung học cơ sở Tân Định, quận Hoàng Mai) xác định là vợ lính thì phải luôn mạnh mẽ và can đảm. Tuy vậy, cũng có những lúc chị cảm thấy chạnh lòng.

Theo chị Vi, khổ nhất là mỗi khi trái gió trở trời, con ốm đau, bởi chị phải một mình chủ động xoay sở, đưa con đi khám. Chị nhớ mãi hình ảnh của chính mình ở Bệnh viện Nhi Trung ương, khi bác sĩ gọi vào khám, một tay bế cháu hơn tháng tuổi, tay kia bế cháu 3 tuổi. Có bà nội đi cùng nhưng bà cũng già không giúp được gì nhiều. Khi bác sĩ chỉ định cho con đi chụp phổi, mẹ con dắt díu nhau đi được một lúc, quay ra lại không thấy bà nội đâu, phải đi tìm. Lúc đó, nghĩ tủi thân, nước mắt lại lã chã rơi, ước giá như mình có chồng ở bên sẽ đỡ vất vả. Qua phút yếu lòng, chị lại tự nhủ, phải thật mạnh mẽ, nén cảm xúc riêng để chồng yên tâm công tác.

Tự hào khi có bố là lính đảo

Nhắc đến người cha Vũ Ngọc Tiến (hiện là Trung tá, Chủ nhiệm hậu cần - Phòng Hậu cần, Lữ đoàn 242, Quân khu 3), em Vũ Hải Nam (học sinh lớp 9K, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm) không giấu được nỗi bồi hồi.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa cùng Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quang Tuấn trao quà cho học sinh là con chiến sĩ đang công tác tại biển đảo.

“Em chưa một lần đến đảo Trường Sa hay đảo Cô Tô, đảo Ngọc Vừng. Em chỉ biết nơi đó qua sách vở, qua những bài giảng của thầy cô hay qua những bài hát du dương, qua gương mặt sạm đen nắng gió của bố mỗi lần bố về thăm nhà và thú vị hơn cả là những câu chuyện bố kể. Nhưng từ đó, phần nào em hiểu được cuộc sống người lính hải đảo. Qua những lời kể đầy tự hào ấy, khí phách của những người lính hiện lên đầy mạnh mẽ.

Họ vượt qua những thiếu thốn về lương thực và nguồn nước ngọt, vượt qua những nghịch cảnh khốn khó mà thời tiết đem lại. Nhưng, trong tất cả những khó khăn ấy, điều mà bố và những người đồng đội phải đối diện đó là vượt qua chính nỗi nhớ người thân, nỗi cô đơn của bản thân mình. Có lẽ, gia đình, người thân yêu chính là động lực để người lính chắc tay súng, bảo vệ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, đem lại niềm tự hào cho gia đình, niềm hạnh phúc cộng đồng” - Hải Nam bày tỏ.

Theo lời Hải Nam, gia đình em có 4 người. Dưới em còn một em gái. Khi em lớn lên thì bố đã đi xa nhà. Trong ký ức của đứa trẻ từ khi lên 3 tuổi, nhà luôn thiếu vắng hình bóng người bố. Tất cả mọi việc lớn nhỏ, nặng nhẹ, một mình mẹ em gánh vác. Công việc của mẹ ở bệnh viện vừa bận rộn, vừa áp lực, nhưng vẫn vừa làm cha, vừa làm mẹ, lại tảo tần lo việc hai gia đình nội ngoại ở xa. Rồi khi em gái ra đời, mẹ càng vất vả hơn. Ban ngày mẹ đi làm. Buổi tối về mẹ lo cơm nước, nhà cửa, giặt giũ quần áo và dạy hai anh em học bài.

Dẫu vậy, chưa bao giờ em thấy mẹ kêu ca, phàn nàn gì cả. Mẹ luôn cố gắng nhận hết những vất vả về phía mình để bố yên tâm công tác. Mỗi lần bố gọi điện về, mẹ luôn động viên bố. Mẹ cũng nhắc nhở hai anh em ngoan ngoãn, đừng để bố lo lắng vì bố còn làm nhiệm vụ. Những ngày nghe đài báo bão, cả nhà luôn lo lắng cho bố và những người đồng đội.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cùng Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy trao quà cho cán bộ, giáo viên, nhân viên là vợ chiến sĩ đang công tác tại biển đảo.

“Là một người lính đảo với trách nhiệm thiêng liêng như thế, thời gian bố em ở nhà rất ít. Hai anh em rất mong ngày bố về để cả nhà lại được quây quần bên mâm cơm. Mặc dù hiểu công việc của bố là bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc nhưng cả hai đều rất nhớ bố và mong bố sớm trở về” - Hải Nam chia sẻ.

Ngoài kia, khi cả đất nước đang hân hoan đón một cái Tết sum vầy thì Tết này, bố Hải Nam không về vì trực ở đơn vị. Nhớ bố, Hải Nam tự nhắc mình phải cố gắng học hành để thi vào được trường cấp ba như mong ước, để vơi bớt những nhọc nhằn của mẹ và để bố yên tâm công tác. Em tự hào về bố và những người đồng đội của bố - những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các vùng biển đảo - những người hùng đang thầm lặng ngày đêm, không ngại gian nan nơi đầu sóng ngọn gió, chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Hậu phương vững chắc

Gặp gỡ người thân của những người lính đảo, tôi đã được kể cho nghe nhiều câu chuyện vô cùng xúc động. Theo đó, dù mới ra công tác hay đã nhiều năm, dù đi một lần hay đã vài lần thì những gia đình có chồng, có cha làm nhiệm vụ nơi biển đảo đều tự hào, luôn là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm “chắc tay súng, vững chí bền”.

“Vất vả là thế nhưng tôi luôn thấy hạnh phúc và tự hào vì được làm người vợ lính. Tôi tự nhủ là hậu phương, mình không mạnh mẽ, sống tốt, sống đẹp thì liệu ở nơi xa, anh có yên tâm hoàn thành nhiệm vụ được không? Ở nơi xa xôi, thiêng liêng ấy, không phải mỗi chồng mình, mà còn bao nhiêu đồng đội khác nữa. Cho nên như bao người mẹ, người vợ, người thân ở hậu phương, tôi sẽ luôn cố gắng bằng tất cả những gì có thể. Chỉ mong anh luôn giữ gìn sức khỏe, luôn giữ vững tay súng để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc” - chị Tỉnh chia sẻ.

Chia sẻ sâu hơn về những đóng góp, những nỗi niềm nơi hậu phương của những người lính gìn giữ biển đảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, những tình cảm, sự quan tâm chia sẻ từ phía hậu phương, từ những người vợ ở quê nhà chắc chắn là nguồn động viên lớn, là động lực tiếp lửa cho các chiến sĩ biển đảo đang ngày đêm bám biển.

Những cơn sóng dữ, những ngày nắng cháy da hay những đêm bão tố gầm gào, nỗi nhớ gia đình, đặc biệt vào dịp Tết đến Xuân về, tất cả gian lao ấy không làm chùn bước những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên biển đảo. Với họ, hậu phương vững chắc chính là động lực tinh thần mạnh mẽ để vượt qua mọi thử thách nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng hơn 2,2 triệu học sinh trong toàn ngành GD&ĐT Thủ đô cùng bày tỏ tấm lòng cảm ơn sâu sắc tới 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên là vợ và 111 học sinh là con các chiến sĩ đang công tác tại biển đảo. Họ là những người vợ, những người con vượt qua mọi khó khăn để là hậu phương vững chãi giúp các anh luôn chắc tay súng nơi tiền tuyến.

“Trong những người vợ đó, có những cô giáo đang trực tiếp giảng dạy trong ngành GD&ĐT của chúng ta. Các cô đã thay chồng chăm sóc cha mẹ già và các con thơ. Không những quán xuyến, đảm đang công việc gia đình, các cô còn đạt những thành tích trong công tác như: Danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở, “Cô giáo tài năng, duyên dáng”, “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, “Cô giáo người mẹ hiền”, giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”…” - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.

Được biết, từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội lại phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức gặp mặt, tặng quà cán bộ, giáo viên, nhân viên là vợ và học sinh là con chiến sĩ đang công tác tại biển đảo. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm thực hiện chính sách hậu phương quân đội, kịp thời động viên gia đình của chiến sĩ để các anh yên tâm công tác.

Năm nay, Liên đoàn Lao động Thành phố và ngành GD&ĐT Hà Nội đã tặng 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên là vợ chiến sĩ đang công tác tại biển đảo mỗi người một phần quà (mỗi phần quà trị giá 500 nghìn đồng) và 2 triệu đồng. Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng 111 học sinh là con chiến sĩ đang công tác tại biển đảo mỗi học sinh một phần quà (mỗi phần quà trị giá 200 nghìn đồng) và 300 nghìn đồng.

Những món quà tuy chưa có giá trị lớn về vật chất, nhưng phần nào thể hiện sự biết ơn, trân trọng gửi tới gia đình những người lính đã hy sinh quyền lợi cá nhân để người dân có thêm nhiều cái Tết ấm no, hòa bình. Các anh hãy an tâm, bởi ở đất liền, hậu phương của các anh đang đón Tết trong niềm tự hào, tình yêu thương và sự sẻ chia.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vung-hau-phuong-tet-dong-day-yeu-thuong-166079.html