Vui xuân là cổ tục từ cổ nhân truyền lại

'Hôm nay, một ngày xuân nhật... Chúng ta hãy suy ngẫm những cổ tục về ngày xuân, về các trò vui trong ngày xuân để tìm hiểu ý nghĩa của nó...

Những dân tộc có ý thức văn minh, những dân tộc tranh đấu nhiều cho cuộc sống thường thường yêu đời hơn mọi dân tộc nào khác. Người ta đã nghĩ ra nhiều cuộc vui, nhiều tập tục đặc biệt để làm thỏa mãn cuộc sống đến mức tối đa về vật chất cũng như về tinh thần.

Người ta giải trí cho bõ những ngày làm vất vả, mệt nhọc và cũng tìm cách cởi mở những thắc mắc lo âu trong tâm hồn. Đó là hai việc song hành bởi nếu đầu óc còn chứa ít nhiều ưu phiền thì ăn chơi vui sướng làm sao được.

Bức tranh Chợ hoa xuân của họa sĩ Đỗ Xuân Doãn.

Xét về các cổ tục, các cuộc vui xuân của tiền nhân, chúng ta không thể không thấy quan niệm của ông cha chúng ta là như vậy.

Đọc sách cũ, người ta thường nhắc câu “Cổ nhân bỉnh chúc” tức là người xưa đốt đuốc đi chơi đo ngày giờ từ sáng đến chiều quá ngắn. Tại đây ta nên nghĩ rằng cổ nhân ham vui không phải là vì quá phóng túng lãng mạn mà vì đã quá mệt mỏi sau những năm tháng tranh đua mệt nhọc cho sự no yên của nhà, của nước.

Cao Bá Quát cũng như Nguyễn Công Trứ từng biểu lộ ý kiến này qua câu:

Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy

Nếu không chơi thiệt ấy ai bù

Nghề chơi cũng lắm công phu...

Cận lai nhiều người nhìn thấy ngày giờ đi vùn vụt cũng hoảng hốt, tính ba vạn sáu ngàn có sống trọn vẹn cũng chẳng được là bao, huống hồ

“Nhân sinh thất thập cổ lai hề”:

Chơi xuân kẻo hết xuân đi

Cái già xồng xộc nó thì theo sau...

Hôm nay, một ngày xuân nhật, mọi người chúng ta tưng bừng đón xuân vui vẻ không khỏi có chút bồi hồi. Chúng ta hãy suy ngẫm những cổ tục về ngày xuân, về các trò vui trong ngày xuân để tìm hiểu ý nghĩa của nó.

Nước ta là một xứ nông nghiệp, lúa gạo, ngô, khoai, đậu đỗ đứng hàng đầu thực phẩm. Người dân phải chăm lo cấy cầy, cuốc xới mới được no đủ. Vì thế, chính quyền bao giờ cũng phải khuyến khích nhân dân chăm chỉ việc canh tác. Đúng ngày Lập xuân, xưa kia bao giờ nhà vua cũng cắt người tông trưởng cầm roi vút vào người con thổ ngưu (trâu đất) theo ý nghĩa trên đây rồi mới cùng các quan bước vào cung đình để yến ẩm.

Trong lúc này, từ nơi kinh kỳ ra ngoài dân dã, người ta đốt pháo mừng xuân. Pháo là các ống lệnh chứa thuốc nổ bên trong, thường đốt ở ngoài sân hay ngoài ngõ (không như ngày nay, pháo làm bằng giấy đỏ quấn thuốc nổ bên trong). Người ta đốt pháo ngoài mục đích cho những ngày xuân đầu năm được rộn ràng náo nhiệt, vui cửa vui nhà còn ngụ ý xua đuổi tà ma và những sự đen đủi của năm cũ cũng như người ta trồng cây nêu ngoài sân, vạch những hình cung tên bằng vôi dưới đất.

Người ta cũng tin rằng vào dịp đầu năm, ma quỷ cũng được phóng thích để trở về dương gian quấy đảo loài người nên phải tìm cách ngăn chặn. Tiếng những cái khánh đất, chuông đất nung buộc trên ngọn nêu kêu leng-keng khi có gió thổi nhắc nhở chúng uy quyền của thần Phật, hình cung tên có mãnh lực của các vũ khí không thua gì những đạo bùa các thầy pháp dán ngoài cổng ngõ.

Ngày 23 tháng Chạp, nhà nào của chúng ta cũng làm lễ cúng Táo công và tiễn đưa Táo công lên thiên đình không ngoài mục đích cầu xin Táo thần phù hộ cho mình. Ta thờ Táo thần có lẽ là do lúc này xã hội Việt Nam đã chấm dứt đời sống du mục và bước sang giai đoạn định cư bởi ta đã biết trồng lúa, làm rẫy. Ta đã tổ chức thành gia đình nhỏ và cho rằng mỗi gia đình phải chịu ảnh hưởng của một ông vua bếp. Vua bếp có thể mang lại sự thịnh vượng và sự che chở cho gia đình ta. Tục này đến ngày nay còn tồn tại, nhất là ở các miền quê.

Phạm Văn Sơn/Thái Hà Books/NXB Thế Giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/vui-xuan-la-co-tuc-tu-co-nhan-truyen-lai-post1458193.html