Vui hội bài chòi

Hội bài chòi tại lạch Mỹ Quang, xã An Chấn (huyện Tuy An). Ảnh: THIÊN LÝ

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động đánh bài chòi - một trong những nét văn hóa đặc sắc tại Phú Yên phải tạm dừng một thời gian. Trò chơi này mới được tổ chức lại từ đầu năm 2022 và đã thu hút du khách gần xa.

Trong không gian lễ hội cầu ngư của lạch Mỹ Quang (xã An Chấn, huyện Tuy An) và lạch Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa)…, tiếng đàn nhịp phách hòa theo từng lời hô hát của các anh/chị Hiệu trong hội bài chòi dân gian, khiến không khí làng biển trở nên vui nhộn với sắc màu riêng.

Giữ gìn văn hóa truyền thống

Những ngày qua, Câu lạc bộ (CLB) Bài chòi dân gian An Phú (TP Tuy Hòa) dựng chòi tổ chức hội bài chòi tại địa phương. Lối trình diễn tự nhiên, lôi cuốn của các anh/chị Hiệu và những câu thai mộc mạc, hóm hỉnh khiến người xem vui vẻ, sảng khoái: Năm xưa anh đến nơi đây/ Thấy cô Sáu Nhỏ bên đường nhảy dây/ Hôm nay anh trở về đây/ Vẫn cô Sáu Nhỏ nhảy dây bên đường, là con Sáu Nhỏ. Hay những câu thai làm người xem cười nghiêng ngả: Con cu ăn đậu ăn mè/ Ăn chi của chị, chị đè nó ra/ Cu anh phá phách người ta/ Nên tôi đè cổ lột da cho anh chừa, là con 9 cu.

Theo anh Nguyễn Duy Vinh, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian An Phú, mỗi lượt chơi có 33 quân bài được phát ra rồi sau đó là các câu thai được hô hát. Vừa nghe, người chơi vừa hình dung ra từng quân cờ. Nội dung các câu thai thường mộc mạc, dễ hiểu lại vừa hóm hỉnh, vui tươi nhưng vẫn toát lên nét duyên dáng riêng biệt của người dân miền Trung, nên người tham gia rất phấn khích.

Anh Vinh cho biết: “Năm nay, CLB Bài chòi An Phú rất vui khi được tổ chức hội bài chòi trong khuôn khổ lễ hội cầu ngư truyền thống lạch Long Thủy. Tạo được sân chơi thi vị như thế này trong dịp lễ hội cầu ngư, chúng tôi cảm thấy tự hào khi góp phần gìn giữ vốn văn hóa quý báu của dân tộc cũng như thu hút du khách gần xa vào mùa lễ hội của người dân miền biển Phú Yên”.

Hòa chung mùa lễ hội cầu ngư năm nay, ông Phùng Long Ẩn, Chủ nhiệm CLB Bài chòi Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên tổ chức hội bài chòi ở lạch Mỹ Quang. Hội bài chòi đã thu hút nhiều người chơi. Người chơi bài chòi không chỉ để tìm tiếng cười mà đôi khi đơn giản chỉ vì thích nghe lối hô hát bài chòi đậm chất dân gian của các anh/chị Hiệu. Có người tìm đến trò chơi bài chòi chỉ vì mê giọng hát, tài ứng biến dí dỏm của anh/chị Hiệu. Theo ông Ẩn, cái khó nhất của người hô hát bài chòi là làm thế nào để thu hút khách đến. Cũng như một người diễn hài trên sân khấu, khi nói ra một câu gây cười mà không có người cười thì sẽ cảm thấy hụt hẫng. Hô hát bài chòi cũng vậy, khi hát thì đầu óc phải tập trung. Khi rút một quân bài ra thì phải biết quân bài đó tên gì, sẽ hát câu thai gì, tập trung vào nội dung và ý tưởng để hát. Đây cũng là một kinh nghiệm mà người trẻ mới vào nghề cần phải chú ý.

Ông Ẩn tâm tình: “Tôi và những người hát bài chòi luôn đau đáu nỗi niềm gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật bài chòi dân gian. Chính vì vậy, sau thời gian dài ngừng hoạt động do dịch COVID-19, giờ đây là cơ hội để chúng tôi có thể tổ chức hội bài chòi phục vụ người dân, giúp các bạn trẻ tiếp cận và hiểu hơn về nét đẹp văn hóa của cha ông ta đã sáng tạo và gìn giữ từ bao đời nay”.

Lôi cuốn người xem

Hội bài chòi được mở lại đã tạo sự lôi cuốn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Chị Nguyễn Thị Loan ở xã An Chấn chia sẻ: “Mấy đêm liền, cả gia đình chúng tôi đều tham gia hội bài chòi. Với tôi, bài chòi rất đỗi quen thuộc bởi tôi được sinh ra tại làng biển này và từ nhỏ, tôi đã được nghe rất nhiều người hát bài chòi. Các cháu tôi còn nhỏ, chưa biết bài chòi, nhưng sau 2 đêm xem người lớn chơi cũng dần hiểu. Đêm trước, tôi may mắn trúng thưởng. Tôi thấy rất vui và hy vọng sự may mắn này không chỉ cho mình mà cho cả gia đình đến năm sau”. Chị Loan còn cho rằng, để hấp dẫn du khách lẫn người dân địa phương, những người hô hát phải có sự ăn ý, kẻ tung người hứng, linh hoạt ứng khẩu, hô xướng, vừa tạo không khí vui tươi, dí dỏm nhưng lúc nào cũng giữ được cái hồn của bài chòi. Để du khách hiểu được nét văn hóa độc đáo của bài chòi thì người diễn phải có lối diễn xuất gần gũi với mọi người.

Chị Trần Thị Ly, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, cảm nhận: “Tôi cùng chồng đến Phú Yên vừa thăm người thân vừa du lịch. Thấy người dân nơi đây tổ chức hội bài chòi, chúng tôi rất thích và cùng tham gia. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia hội bài chòi, được nghe các nghệ nhân hô hát bài chòi rất hay và vui nhộn. Việc về Phú Yên được tham quan danh thắng, thưởng thức hải sản tươi ngon, lại được tham gia hội bài chòi vui nhộn như thế này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp”.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Trọng Tích ở xã An Phú cho biết: “Hội bài chòi có nhiều câu hát nhân nghĩa rất hay. Đa phần những câu thai là kinh nghiệm được đúc kết từ ông bà ta, vừa có tính giáo dục vừa tôn trọng đạo lý làm người. Thậm chí có những câu mới nghe thì tục mà rất là thanh. Chính những điều đó làm cho hội bài chòi thêm lôi cuốn...”.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/280933/vui-hoi-bai-choi.html