Vụ xâm hại sở hữu của giấy Vĩnh Tiến: Hành vi xem thường pháp luật

Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến phản ánh việc bị Công ty TNHH Vĩnh Tiến-TIE xâm hại quyền sở hữu công nghiệp đối với thương hiệu trên 3 sản phẩm quen thuộc của Giấy Vĩnh Tiến.

BBT đã nhận được đơn phản ảnh của Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến (tên thường gọi: Giấy Vĩnh Tiến) về việc bị Công ty TNHH Vĩnh Tiến-TIE (Vintis) xâm hại quyền sở hữu công nghiệp đối với thương hiệu trên 03 sản phẩm quen thuộc của Giấy Vĩnh Tiến. Dù BGĐ Công ty Giấy Vĩnh Tiến đã có văn bản yêu cầu Vintis chấm dứt việc vi phạm sở hữu công nghiệp nói trên từ năm 2015, nhưng Vintis vẫn tiếp tục sử dụng và “trấn an” khách hàng là sản phẩm của Vintis là hợp pháp, có hợp đồng sử dụng thương hiệu Giấy Vĩnh Tiến hẳn hoi.

Từ một hợp đồng hợp tác sử dụng thương hiệu

Vào tháng 9/ 2014, nhằm đẩy mạnh thương hiệu Vĩnh Tiến tại các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên,… Công ty Giấy Vĩnh Tiến đã ký hợp đồng hợp tác với Vintis miền Bắc có địa chỉ tại Khu 4, phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Theo đó, Vintis Miền Bắc được sử dụng nhãn hiệu của Vĩnh Tiến, gồm: Vĩnh Tiến và Vibook. Kèm theo điều kiện hết sức cụ thể: “…Khi thực hiện các nội dung cụ thể, hai bên cần thỏa thuận thông qua hình thức văn bản, fax, thư điện tử hoặc các hình thức khác…” (Khoản 2 Điều 1).

Phần phát sinh (nếu có) cũng được quy định rõ tại Khoản 3 Điều 1 như sau: “…Trong trường hợp hai Bên thỏa thuận sử dụng thương hiệu mà nội dung thỏa thuận giữa hai Bên có các điều kiện thỏa thuận bổ sung và chi tiết hơn so với Hợp đồng này , hoặc do hai Bên thống nhất, thỏa thuận thì hai Bên sẽ ký Phụ lục Hợp đồng để thực hiện…”.

Chẳng những thế, phía Vintis cũng đã cam kết tại Khoản 2 Điều 3 như sau: “…Bán hàng hóa tại các thị trường khác của Việt Nam phải có sự thống nhất của Bên A tại từng khu vực và/hoặc qua hệ thống phân phối của bên A…”. Tuy nhiên, sau thời gian ký kết hợp đồng sử dụng thương hiệu Giấy Vĩnh Tiến, phía Vintis đã sử dụng hình ảnh cũng như thương hiệu trên sản phẩm của Giấy Vĩnh Tiến đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, cụ thể là: nhãn hiệu “Vĩnh Tiến và hình”, trong đó Vintis đã ngang nhiên sử dụng thương hiệu “Vĩnh Tiến và hình con nai” đã được đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp.

Kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ

Vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Theo đó, trước khi chuyển quyền sở hữu cho ông Lâm An Dậu, Nhãn hiệu “VINH TIEN và hình” được cấp lần đầu cho Công ty Cổ phần Vĩnh Tiến (sau đó là Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến). Trong quá trình hoạt động, nhằm đẩy mạnh thương hiệu Vĩnh Tiến tại các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến đã hợp tác với Vintis miền Bắc.

Theo đó, Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến cho phép Vintis miền Bắc “…sử dụng thương hiệu quyền và các quyền khác liên quan đến khai thác thương mại các thương hiệu VĨNH TIẾN, VIBOOK cho Công ty TIE...”. Về nguyên tắc, Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến chỉ cho Vintis miền Bắc được sử dụng thương hiệu VĨNH TIẾN, VIBOOK, không có bất kỳ thỏa thuận nào cho phép Công ty TIE Miền Bắc được sử dụng logo hình con nai.

Bà Nguyễn Thị Trang, người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Lâm An Dậu nhận định: “Chúng tôi thật sự bức xúc, bởi vì Vintis đã vi phạm các điều khoản cơ bản của Hợp đồng

Cụ thể:

1.Công ty Vintis sản xuất ồ ạt sản phẩm mà không có bất kỳ thông báo hay thỏa thuận nào với Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến…

2.Ngay sau khi sản xuất hàng loạt sản phẩm giấy, tập,… Vintis đã đưa vào thị trường miền Nam bán, thậm chí mở luôn nhà máy sản xuất tại Quận 12, TP. HCM, vi phạm về mặt lãnh thổ sử dụng Nhãn hiệu…

3.Về việc sử dụng logo có hình con nai, Vintis cho rằng việc sử dụng này là hợp pháp theo hợp đồng các bên đã ký là hoàn toàn sai, bởi:

Thứ nhất, Hợp đồng không thỏa thuận sử dụng nhãn hiệu hình con nai.

Thứ hai, theo Khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “… Sử dụng Nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây: a/Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, ...”.

Từ nhận định trên, hành vi của Vintis là đã sử dụng hình con nai và gắn thêm chữ T tạo thành logo của mình khác với logo đã được Cục sở hữu trí tuệ bảo hộ là hành vi “nhái” nhãn hiệu, không phải là sử dụng Nhãn hiệu theo quy định nêu trên. Và hành vi vi phạm này đã được kết luận xâm phạm tại Kết luận Giám định số NH380-16YC/KLGĐ và NH381-16YC/KLGĐ.

Từ cơ sở đó, vào ngày 8/6/2015 Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến đã thông báo chấm dứt Hợp đồng ký tháng 9/2014 với Công ty Vĩnh Tiến- TIE miền Bắc (Vintis). Tuy nhiên, sau khi nhận được thông báo của Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến, Công ty Vintis miền Bắc vẫn tiếp tục sử dụng Nhãn hiệu và lấy căn cứ tại khoản 4 Điều 9 Hợp đồng sử dụng Nhãn hiệu: “Trừ trường hợp Bên B (Tie) vi phạm nghĩa vụ thanh tóan phí cho phép sử dụng thương hiệu của Bên A đã được bên A nhắc nhở bằng văn bản liên tục 3 lần và thuộc trường hợp khoản 3 điều này (là trường hợp 1 thành viê góp vốn vào Tie chuyển nhượng vốn góp của họ cho bên thứ 3), bên B vẫn được sử dụng Nhãn hiệu để sản xuất kinh doanh”.

Trong khi đó, vào ngày 27/6/2015, Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Lâm An Dậu, địa chỉ: số 1D đường số 36, KP1, P.Tân Quy, Quận 7, TP.HCM toàn bộ quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp đối với Nhãn hiệu “VINH TIEN và hình con nai nhí”. Và ngày 4/8/2016, Cục sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học Công nghệ đã cập nhật quyền sở hữu cho ông Dậu.

Tạm kết

Như thế đã rõ, ông Lâm An Dậu là chủ sở hữu Nhãn hiệu “VINH TIEN và hình con nai nhí”, ông Dậu không ký bất kỳ văn bản nào cho phép Công ty Vĩnh Tiến- TIE miền Bắc (Vintis) được quyền sử dụng Nhãn hiệu của mình… Và theo kết luận của Viện khoa học sử hữu trí tuệ, Vintis đã có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là Nhãn hiệu của ông Dậu. Đây là kết luận có giá trị về mặt pháp lý, từ đây, ông Dậu có quyền áp dụng các biện áp dân sự, hành chính để bảo vệ quyền lợi của mình.

LS Lê Quốc Sơn

Luật sư Lê Quốc Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Căn cứ Kết quả giám định của Cục Sở hữu Trí tuệ thì Công ty Vĩnh Tiến- TIE miền Bắc (Vintis) đã vi phạm giả mạo nhãn hiệu hàng hóa của Công ty Giấy Vĩnh Tiến đã được nhà nước bảo hộ. Công ty Giấy Vĩnh Tiến có quyền: khiếu nại lên cục sở hữu trí tuệ yêu cầu Công ty Vĩnh Tiến- TIE miền Bắc (Vintis)chấm dứt ngay hành vi vi phạm nói trên. Giấy Vĩnh Tiến có thể ra Thông cáo báo chí việc vi phạm này đồng thời khẳng định sản phẩm mà Công ty Vĩnh Tiến- TIE miền Bắc (Vintis) sử dụng nhãn hiệu “Vĩnh Tiến và hình” là hàng giả.

Công ty Giấy Vĩnh Tiến vào ông Lâm An Dậu có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu tuyên buộc Công ty Vĩnh Tiến- TIE miền Bắc (Vintis) không được sử dụng nhãn hiệu hàng hóa của Giấy Vĩnh Tiến và bồi thường thiệt hại nếu có…”.

DUY ANH- TRẦN HƠN/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/vu-xam-hai-so-huu-cua-giay-vinh-tien-hanh-vi-xem-thuong-phap-luat-p42557.html