Vụ 'xã nhận rừng trên giấy': Báo cáo gian dối của công ty được giao quản lý rừng

Trong quá trình được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê gần 1.200 ha đất, rừng để thực hiện dự án, phía Công ty Anh Quốc đã để xảy ra nhiều sai phạm. Tuy nhiên, trong bản báo cáo của mình, công ty này lại nêu ra nhiều con số rất 'đẹp'.

Rất nhiều bãi gỗ lộ thiên trong TK 293

Bản báo cáo "đẹp"

Ngày 12/01/2011, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 65/UBND, cho Công ty Anh Quốc thuê gần 1.200 ha đất với thời hạn 50 năm để sử dụng vào mục đích trồng rừng, trồng cao su và quản lý, bảo vệ rừng tại tiểu khu 293, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp.

Trong đó, diện tích trồng cao su hơn 434 ha, diện tích trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng hơn 730 ha. Phía Công ty Anh Quốc được phép trồng thí điểm 100 ha cây cao su trên diện tích đất trống, rừng nghèo, cây thưa thớt. Sau đó, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ xem xét, đánh giá lại hiệu quả từ cây cao su, đồng thời đánh giá lại quy hoạch phát triển loại cây này trên địa bàn tỉnh rồi phía công ty mới được phép triển khai trên diện rộng.

Trong năm 2011, phía Công ty Anh Quốc đã trồng 92 ha cao su và 40 ha keo lai trên vùng dự án. Tuy nhiên, đến mùa khô 2013-2014, do thiếu nước tưới nên hai loại cây trên phát triển kém và phần lớn đều bị chết.

Do đó, cuối năm 2014, phía Công ty Anh Quốc có báo cáo gửi lên UBND tỉnh Đắk Lắk về việc chấm dứt trồng cao su và keo trên vùng dự án.

Đến tháng 12/2015, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 3443/QĐ-UBND gia hạn cho Công ty Anh Quốc được tiếp tục thực hiện dự án đến tháng 7/2016.

Sau đó, Công ty Anh Quốc có báo cáo gửi đến cơ quan chức năng, cho rằng đơn vị đã đưa máy móc san ủi, cày xới toàn bộ diện tích cây cao su đã chết, chuẩn bị triển khai trồng keo lai. Đồng thời, công ty tiếp tục chuẩn bị mặt bằng để trồng 13 ha keo lai, dự kiến đến tháng 8/2016 sẽ hoàn thành công việc.

Số gỗ này còn tươi rói

Ngoài ra, Công ty Anh Quốc còn báo cáo: Trong quá trình thực hiện dự án, công ty đã triển khai công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất được thuê rất nghiêm ngặt; không có tình trạng tranh chấp, lấn chiếm hay phá rừng xảy ra trong vùng dự án; chỉ có một số diện tích đất bị người dân xâm canh, lấn chiếm trước khi công ty được thuê đất.

Tổng diện tích đất bị lấn chiếm trong vùng dự án hơn 166 ha (tính đến năm 2015). Tuy nhiên, phía Công ty Anh Quốc cho rằng, thời điểm người dân lấn chiếm diễn ra từ năm 2009-2011, tức trước thời điểm công ty được thuê đất.

Thực tế là gì?

Đại diện xã Cư M’lan(trái) cho biết: Chúng tôi chỉ được giao rừng trên giấy

Theo Kết luận thanh tra số 1683/KL-STNMT ngày 13/9/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đắk Lắk, những báo cáo trên của Công ty Anh Quốc không đúng sự thật.

Theo đó, qua kiểm tra thực tế của lực lượng chức năng, sau khi được gia hạn, Công ty Anh Quốc không tiếp tục thực hiện dự án. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ 92 ha cao su đã chết, chỉ còn lại 05 ha keo lai nằm rải rác.

Bên cạnh đó, phía UBND huyện Ea Súp và Hạt kiểm lâm huyện này cũng báo cáo rằng, phía Công ty Anh Quốc chưa thường xuyên phối hợp với địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tình trạng khai thác gỗ, củi trái phép vẫn còn diễn ra trong vùng dự án khiến trữ lượng rừng bị giảm.

Người dân dựng chòi làm rẫy trái phép trong TK293

Những bãi gỗ này đều vô chủ

Cũng theo báo cáo của UBND huyện Ea Súp, trong quá trình triển khai dự án, phía Công ty Anh Quốc chưa tham gia đầy đủ các buổi họp do địa phương tổ chức về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, công ty này cũng chưa xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án được phê duyệt.

Tính đến năm 2015, trong vùng sự án của Công ty Anh Quốc đã bị người dân lấn chiếm gần 170 ha. Tuy nhiên, phía công ty này không tiến hành kiểm tra, rà soát số diện tích dân lấn, chiếm đất; chưa phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng phương án, kế hoạch giải tỏa nhằm trồng lại rừng theo mục tiêu của dự án và yêu cầu của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Dựa trên những sai phạm đã nêu, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi lại gần 1.200 ha đất đã cho Công ty Anh Quốc thuê vào năm 2011. Đồng thời, cho lực lượng chức năng đánh giá lại hiện trạng rừng để báo cáo, xử lý trách nhiệm của chủ dự án trong việc để mất rừng.

Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị UBND huyện Ea Súp tiến hành kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, rừng trong vùng dự án của Công ty Anh Quốc; có biện pháp xử lý những hành vi vi phạm và thu hồi lại đất bị lấn chiếm.

Gỗ vô chủ trong TK 293

Ngoài việc phá rừng làm rẫy, trong quá trình tác nghiệp, PV Infonet ghi nhận có nhiều bãi tập kết lâm sản trái phép lộ thiên nằm rải rác trong Tk 293.

Sau khi phát hiện số gỗ trên, PV đã gọi điện thoại báo cho Bí thư huyện ủy, PCT UBND huyện và Hạt trưởng HKL huyện Ea Súp.

Trong ngày, lực lượng chức năng đã tiến hành đưa xe vào thu gom được 7,488 Ster, tương đương trên dưới 7m3.

Trong quá trình thu gom số gỗ trên cơ quan chức năng huyện Ea Súp cho biết, không có cá nhân tổ chức nào đứng ra nhận số lâm sản trái phép trên.

Trần Nhân-Hải Dương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-xa-nhan-rung-tren-giay-bao-cao-gian-doi-cua-cong-ty-duoc-giao-quan-ly-rung-post234290.info