Vụ Vạn Thịnh Phát: 7 cá nhân 'đóng vai trò thứ yếu, bị động', nên không bị xem xét lý hình sự

Liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ hành vi sai phạm của Đoàn thanh tra khi thanh tra SCB. Với việc bưng bít, bao che cho các sai phạm của nhóm Trương Mỹ Lan, hàng loạt cá nhân đã bị đề nghị truy tố, song nhiều người cũng không bị đề cập xử lý.

Cụ thể, theo Kết luận điều tra vụ án của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Đoàn thanh tra Ngân hàng SCB gồm 18 thành viên, do bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) làm trưởng đoàn, chia làm 5 tổ và tiến hành thanh tra trong 2 đợt.

Quá trình thanh tra, CQĐT kết luận, 11 thành viên Đoàn thanh tra có sai phạm nghiêm trọng, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất từ nhóm Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng SCB. Từ đó, bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có đủ thông tin để tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm tại SCB và ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm.

Bị can Trương Mỹ Lan và bị can Đỗ Thị Nhàn.

Báo cáo đầy đủ sai phạm và kiến nghị xử lý

Trong số đó, bị can Đỗ Thị Nhàn bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ” với số tiền đặc biệt lớn, lên đến 5,2 triệu USD (tương đương 118 tỉ đồng). 10 cá nhân khác trong Đoàn thanh tra và một số bị can liên quan lần lượt bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Và trong số 18 cá nhân tham gia Đoàn thanh tra Ngân hàng SCB có 7 người dù đã nhận tiền, quà từ tổ chức tín dụng này nhưng không bị xem xét trách nhiệm hình sự, do chưa đến mức phải xử lý.

Đó là 3 cá nhân thuộc Kiểm toán Nhà nước gồm: ông Lại Văn Bách, bà Bùi Vũ Hồng Trang, bà Phạm Thị Thùy Linh; 3 cá nhân thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng là các ông Phạm Quốc Linh, Phạm Hồng Linh, bà Nguyễn Lan Hương và bà Nguyễn Hà Linh thuộc Thanh tra Chính phủ.

CQĐT kết luận, quá trình thanh tra, những người nêu trên đã báo cáo đầy đủ, trung thực về những sai phạm tại Ngân hàng SCB. Đơn cử như ông Lại Văn Bách đã kiểm tra 9 khách hàng, bà Bùi Vũ Hồng Trang kiểm tra 8 khách hàng, bà Phạm Thị Thùy Linh đã kiểm tra 8 khách hàng trong nhóm 71 khách hàng có cùng địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.

Những cán bộ thanh tra này xác định các khoản vay tại SCB có rất nhiều sai phạm và “kiên quyết kiến nghị chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý”. Họ đã yêu cầu, đề nghị bị can Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), người ra quyết định thanh tra và bị can Đỗ Thị Nhàn làm rõ nguồn tiền SCB cho vay mới để trả nợ cũ. Các vị này cũng đề nghị xác minh tại CIC về tình trạng dư nợ khách hàng mới phát sinh…

Tuy nhiên, do không nhận được văn bản xác minh CIC từ Trưởng đoàn thanh tra và hết thời gian thanh tra nên những cá nhân nêu trên ký báo cáo sửa đổi phần kiến nghị “chuyển NHNN tiếp tục kiểm tra làm rõ việc cho vay mới để trả nợ cũ; tăng cường kiểm tra, giám sát; nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật đề nghị chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý”.

Sai phạm tại Ngân hàng SCB kéo theo hàng loạt cán bộ thanh tra vướng lao lý.

Ở nhóm thành viên thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, những cán bộ thanh tra liên quan cũng đã báo cáo đầy đủ sai phạm, kiến nghị xử phạt hành chính, yêu cầu Ngân hàng SCB khắc phục, chỉnh sửa vi phạm, tồn tại. Trong trường hợp làm thất thoát tài sản, yêu cầu SCB kịp thời chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý. Mặc dù tham gia ký Biên bản họp thống nhất thu hẹp nội dung, phương pháp, biện pháp, phạm vi thanh tra nhưng những cá nhân này không biết tình trạng sai phạm của SCB.

Chủ động nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận

Theo Cơ quan CSĐT, 7 cá nhân không bị đề cập xử lý hình sự mặc dù có sai phạm trong quá trình thanh tra và có nhận tiền từ Ngân hàng SCB, song quá trình tham gia Đoàn thanh tra, họ là cấp dưới, chỉ là thanh viên Đoàn thanh tra, đồng thời chỉ tham gia một phần việc nhất định. Các báo cáo của những người này đã phản ánh trung thực nội dung, kết quả thanh tra.

Bên cạnh đó, những thành viên này không được Đỗ Thị Nhàn (Trưởng Đoàn thanh tra) phân công nhiệm vụ tổng hợp số liệu chung về thực trạng tài chính, nợ xấu và các sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB.

Khi ký biên bản họp Đoàn Thanh tra, họ chỉ được tham gia ý kiến đối với phần việc thực hiện nên không biết toàn bộ nội dung kết quả thanh tra, không biết thực trạng tài chính yếu kém và các sai phạm nghiêm trọng của SCB. Trong khi đó, một số nội dung thanh tra đã bị Tổ tổng hợp biên tập, cắt gọt, chỉnh sửa theo chỉ đạo của Đỗ Thị Nhàn.

Bị can Nguyễn Văn Hưng - cựu Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

CQĐT đánh giá, tính chất, mức độ hành vi của 7 thành viên Đoàn thanh tra liên quan là thứ yếu, bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của bị can Đỗ Thị Nhàn và đều không có chức vụ trong quá trình thanh tra… Quá trình làm việc với CQĐT, những người này đã thành khẩn khai báo về sai phạm và việc nhận tiền; tích cực hợp tác giúp CQĐT nhanh chóng làm rõ vụ án.

Đối với số tiền đã nhận từ Ngân hàng SCB, cả 7 cá nhân trong Đoàn thanh tra đã chủ động nộp lại toàn bộ trước khi vụ án được khởi tố. Do đó, CQĐT “không xem xét trách nhiệm hình sự đối với 7 cá nhân này mà đề nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền để đảm bảo tính răn đe của pháp luật”.

Về số tiền 7 cá nhân liên quan đã nhận, kết quả điều tra cho thấy, ông Phạm Quốc Thịnh, bà Nguyễn Lan Hương, ông Phạm Hồng Linh chủ động khai báo 4 lần nhận tiền, trong đó 2 lần trả lại, mỗi người nhận và sử dụng 100 triệu đồng. Bà Nguyễn Hà Linh chủ động khai báo được SCB đưa tổng số tiền 6.000 USD và 50 triệu đồng. Ông Lại Văn Bách, bà Bùi Vũ Hồng Trang và bà Phạm Thị Thùy Linh khai báo được SCB đưa tiền 5 lần, tổng cộng mỗi người nhận 9.000 USD và 100 triệu đồng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vu-van-thinh-phat-7-ca-nhan-dong-vai-tro-thu-yeu-bi-dong-nen-khong-bi-xem-xet-ly-hinh-su-post558941.antd