Vụ trục lợi hoàn thuế 'khủng': Lãnh đạo doanh nghiệp lĩnh án, cán bộ thuế 'thoát' trách nhiệm

Liên quan đến vụ trốn thuế xảy ra tại Công ty Nam Phương Ninh Bình, TAND tỉnh Ninh Bình vừa xét xử và tuyên phạt giám đốc cùng kế toán công ty này tổng cộng 30 tháng tù. Trong khi đó, cán bộ Cục thuế Ninh Bình thực hiện thủ tục hoàn thuế cho công ty này không bị xử lý trách nhiệm.

Vợ chồng lập hai công ty để dễ mua bán hóa đơn cho nhau

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Ninh Bình được công bố tại phiên tòa ngày 7/5/2024 xác định, từ năm 2016 đến năm 2020, Công ty Nam Phương Ninh Bình được hoàn hơn 75 tỷ tiền thuế giá trị gia tăng sau các đơn hàng xuất khẩu dăm gỗ.

Trong số 75 tỷ đồng này, có 45,78 tỷ đồng được hoàn thuế bằng 91 hóa đơn khống của Công ty Linh Nhung xuất cho Công ty Nam Phương Ninh Bình.

Vì thế, người điều hành Công ty Nam Phương Ninh Bình, Công ty Linh Nhung là Nguyễn Đức Hậu, Bùi Thị Kim Nhung và kế toán Bá Thị Hiền bị truy tố tội “Trốn thuế” theo Khoản 3, 4, Điều 200 Bộ Luật Hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Hậu khai, về bản chất, Công ty Nam Phương Ninh Bình và Công ty Linh Nhung là hai công ty của gia đình Hậu. Trong đó, Công ty Linh Nhung do Hậu làm giám đốc, thành lập từ năm 2015, chuyên xuất khẩu dăm gỗ. Công ty Nam Phương do Bùi Thị Kim Nhung (vợ Hậu) làm giám đốc, thành lập năm 2016, cũng chủ yếu kinh doanh dăm gỗ.

Công ty Nam Phương mua dăm gỗ của người dân các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ để xuất khẩu. Ảnh Long Vân

Để xuất khẩu được dăm gỗ, Công ty Nam Phương Ninh Bình phải có hóa đơn để cơ quan hải quan kiểm tra, đối chiếu. Ngoài ra, theo chính sách của Nhà nước, công ty Nam Phương Ninh Bình sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng dựa trên các hóa đơn mua dăm gỗ để xuất khẩu. Để hợp thức hóa hồ sơ, trục lợi tiền thuế, Hậu đã chỉ đạo kế toán công ty là Bá Thị Hiền lập các hồ sơ khống.

Theo đó, suốt từ năm 2016 đến năm 2020, với 91 hóa đơn khống từ Công ty Linh Nhung, Công ty Nam Phương Ninh Bình được hoàn 45,78 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng. Số tiền này được chuyển vào tài khoản Công ty Nam Phương Ninh Bình và được Hậu sử dụng để chi trả các hoạt động của công ty.

Tại tòa, vợ của bị cáo Hậu là Bùi Thị Kim Nhung khai, trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2021, dù nắm cương vị Giám đốc Công ty Nam Phương Ninh Bình nhưng bản thân không có nghiệp vụ, chỉ thực hiện việc ký, hợp lý hóa giấy tờ.

Căn cứ các tài liệu điều tra và lời khai của các bị cáo, TAND tỉnh Ninh Bình tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Hậu 18 tháng tù, Bá Thị Hiền 12 tháng tù giam, còn Bùi Thị Kim Nhung bị tuyên phạt 1 tỷ 600 triệu đồng.

Đối với số tiền thiệt hại về thuế của Nhà nước là 45,78 tỷ đồng, tòa yêu cầu 3 bị cáo trên phải hoàn trả toàn bộ. Trong đó, Hậu phải trả 95%, Nhung trả 4,8%, Hiền trả 0,2%.

"Cán bộ thuế không phát hiện hết sai phạm nhưng không thông đồng"

Cũng tại phiên tòa, đại diện Cục thuế Ninh Bình cho biết, Công ty Nam Phương Ninh Bình thực hiện hoàn thuế từ tháng 3/2016 đến năm 2021 thì chấm dứt. Theo quy trình, hồ sơ hoàn thuế của Công ty Nam Phương Ninh Bình được cán bộ Cục Thuế Ninh Bình tiếp nhận, phân loại; sau đó, các phòng chức năng giải quyết hồ sơ và Cục trưởng sẽ ban hành quyết định hoàn thuế.

Vị này khẳng định, việc giải quyết hoàn thuế cho Công ty Nam Phương Ninh Bình được thực hiện theo đúng trình tự, quy định hoàn thuế. Đối với Công ty Nam Phương Ninh Bình, Cục thuế đã có các đoàn kiểm tra và từng phát hiện chênh lệch hóa đơn và đã truy thu. Ngoài ra, các đoàn đã kiểm tra, xác thực những hóa đơn; trong đó, có những hóa đơn đúng và có hóa đơn vẫn chưa nhận được phản hồi.

Trước câu hỏi của tòa về việc, vì sao doanh nghiệp vi phạm về thuế thời gian dài, với số tiền lớn nhưng không phát hiện ra, đại diện Cục thuế Ninh Bình cho rằng, các cán bộ đã làm hết chức trách của mình.

Tại phiên xét xử, tòa án xác định chưa phát hiện dấu hiệu thông đồng hoặc chi tiền lợi ích vật chất của Công ty Nam Phương Ninh Bình cho các cán bộ Cục thuế nên không truy tố trách nhiệm của các cán bộ này.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, cán bộ phòng thanh tra kiểm tra Cục thuế Ninh Bình (người tố cáo vụ việc này) cho rằng, có một số điều cần phải điều tra hoặc làm rõ về biện pháp kiểm tra việc hoàn thuế đối với công ty Nam Phương.

Theo người tố cáo cho biết, Bộ Tài Chính đã ban hành văn bản 10492/ BTC-TCT ngày 30/7/2015 (về tăng cường công tác quản lý thuế GTGT) quy định thực hiện kiểm tra 100% trước khi hoàn thuế với doanh nghiệp có rủi ro cao.

Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị Định 132/2020/NĐ-CP (quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết) cũng có các quy định kiểm soát thuế đối với các bên có quan hệ liên kết. Trong khi đó, "Công ty Nam Phương Ninh Bình (doanh nghiệp bên mua hóa đơn) và Công ty Linh Nhung (doanh nghiệp bên bán hóa đơn) có quan hệ nhân thân, quan hệ liên kết có dấu hiệu bất thường như cùng địa chỉ, cùng kế toán… nhưng Cục trưởng Cục thuế Ninh Bình vẫn ký quyết định hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với Công ty Nam Phương Ninh Bình là vi phạm các quy định”, người có tố cáo nêu và đề nghị làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Cục thuế Ninh Bình.

Long Vân

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vu-truc-loi-hoan-thue-khung-lanh-dao-doanh-nghiep-linh-an-can-bo-thue-thoat-trach-nhiem-post1635254.tpo