Vụ Thượng tá Võ Đình Thường: Thăng tiến sau khi bị kỷ luật có bình thường?

'Việc ông Võ Đình Thường được quay lại lực lượng CSGT trong luật không cấm, nhưng nó khiến dư luận quần chúng đặt ra những câu hỏi thắc mắc rằng, phải chăng tỉnh Đồng Nai rất thiếu hay không còn ai có thể đảm nhận chức vụ điều hành ấy?'

Quá trình thăng tiến của ông Võ Đình Thường - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai còn nhiều người bàn cãi đúng sai, PV Báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú – Đoàn Luật sư TP Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Luật sư Trương Anh Tú trao đổi với PV Báo điện tử Infonet.

Luật sư Trương Anh Tú trao đổi với PV Báo điện tử Infonet.

Luật sư Trương Anh Tú cho biết: “Trong ngành Công an cũng như nhiều đơn vị khác, có chia và phân cấp ra nhiều lực lượng khác nhau như: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường…. Việc ông Võ Đình Thường bị kỷ luật ra khỏi lực lượng CSGT khác với việc bị khai trừ ra khỏi ngành Công an”.

Về trường hợp ông Vũ Đình Thường - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai, luật sư Trương Anh Tú Phân tích: “Thời điểm 2003, khi ông Võ Đình Thường bị kỷ luật ra khỏi lực lượng CSGT là đang ở cấp bậc Đại úy, sau 14 năm - đến năm 2017 đã được lên cấp bậc Thượng tá và quay lại lực lượng CSGT.

Xét về thời hạn: Theo quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 22, Luật Công an nhân dân năm 2005 thì: Thời hạn xét thăng cấp bậc hàm từ Đại úy lên Thiếu tá là 4 năm, Thiếu tá lên Trung tá là 4 năm, Trung tá lên Thượng tá là 4 năm.

Như vậy, từ Đại úy lên Thượng tá sẽ mất 12 năm. Đối với 1 chiến sĩ Công an nhân dân thì thời hạn thăng tiến như trên là bình thường và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, với trường hợp đã bị kỷ luật, các cơ quan chức năng cần xem xét lại quyết định kỷ luật năm 2003 đối với Đại úy Võ Đình Thường là hình thức nào, kỷ luật cho ra khỏi ngành Công an, ra khỏi lực lượng CSGT hay kỷ luật giáng chức, giáng cấp?

Nếu không bị giáng chức, giáng cấp thì như đã phân tích, thời hạn thăng tiến như trên là bình thường và phù hợp với các quy định của pháp luật. Ngược lại, nếu năm 2003 khi bị kỷ luật, vị này có chức vụ Trạm trưởng và mang cấp hàm Đại úy, nếu bị kỷ luật giáng chức, giáng cấp xuống hàm Thượng úy, thì đến nay vị này mang hàm Thượng tá, tức là 4 cấp thì cũng cần phải xem lại.

Ông Võ Đình Thường và giấy mời tài xế qua trạm BOT Biên Hòa lên làm việc.

“Trước đây, ông Võ Đình Thường đã mắc phải lỗi vi phạm khuyết điểm tập thể nặng vì lỗi mãi lộ. Thế nhưng, sau đó lại được điều chuyển về đúng ngạch mà ông Thường đã từng vi phạm để làm cán bộ lãnh đạo.

Trên thực tế, cũng không có quy định nào về việc một người bị kỷ luật ở ngành đó, sau quá trình sửa chữa, phấn đấu thì không được quay trở lại ngành công tác. Bởi vậy, việc ông Võ Đình Thường được quay lại lực lượng CSGT trong luật không cấm, nhưng nó khiến dư luận quần chúng đặt ra những câu hỏi thắc mắc rằng, phải chăng tỉnh Đồng Nai rất thiếu hay không còn ai có thể đảm nhận chức vụ điều hành ấy?” - Luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.

Tiến Dũng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-thuong-ta-vo-dinh-thuong-thang-tien-sau-khi-bi-ky-luat-co-binh-thuong-post241419.info