Vụ sập cầu ở Mỹ: Mất 600 triệu USD để xây lại, mắt xích 80 tỉ USD đóng cửa vô thời hạn

Ngày 26/3, một tàu chở container tên Dali, treo cờ Singapore, đã đâm vào một trong những trụ đỡ trung tâm của cây cầu Francis Scott Key tại khu vực Cảng Baltimore.

Vụ sập cầu ở Mỹ khiến cảng Baltimore bị tê liệt. Ảnh: AFP

Vụ sập cầu ở Mỹ gây tổn thất kinh tế nặng nề

Vụ sập cầu ở Mỹ khiến cảng Baltimore, mắt xích thông thương trị giá khoảng 80 tỉ USD trong chuỗi cung ứng toàn cầu, dự kiến sẽ phải đóng cửa vô thời hạn để chờ chính quyền giải quyết hậu quả. Cảng Baltimore được đánh giá là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô và năng lượng.

Theo Cục Quản lý Cảng Maryland, Baltimore là cảng bận rộn nhất của Mỹ về xuất khẩu ô tô. Năm 2023, cảng đã xuất nhập khẩu đã hơn 750.000 phương tiện. Đây cũng là cảng xuất khẩu than bận rộn thứ hai của Hoa Kỳ trong năm ngoái.

Chỉ tính riêng tháng 1/2023, 56.332 tấn ô tô và phụ tùng ô tô đã di chuyển qua cảng cũng như 62.397 tấn lâm sản, bao gồm gỗ, giấy và thức ăn chăn nuôi và 199 tấn thép và các kim loại khác.

Xét về kim ngạch, cảng Baltimore nhập khẩu tổng cộng 55,2 tỉ USD hàng hóa trong năm 2023, trong đó 23 tỉ USD là ô tô và xe tải nhẹ. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu khác của cảng Baltimore bao gồm đường và thạch cao.

Ngoài ra, cảng Baltimore cũng tạo ra khoảng 15.300 việc làm trực tiếp, 139.180 việc làm gián tiếp với công việc tại cảng và tạo ra tổng thu nhập cá nhân gần 3,3 tỉ USD.

Việc cảng Baltimore đóng cửa trong một tháng có thể gây thiệt hại hơn 6 tỉ USD do hàng hóa không được thông qua.

Theo CNBC, vụ va chạm cũng có thể gây gián đoạn nguồn cung than và xăng dầu ở khu vực Baltimore, vì một lượng ethanol được vận chuyển bằng xà lan và đường sắt.

"Xăng được vận chuyển từ các nhà máy lọc dầu ở Bờ Vịnh bằng đường ống sẽ được pha trộn với 10% ethanol. Số ethanol này được đưa đến khu vực Baltimore bằng tàu hỏa và xà lan", Giám đốc Andy Lipow của Lipow Oil Associates thông tin.

Ông Lipow nhận định ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ phải tìm các tuyến đường cung ứng thay thế cho những chuyến bằng xa lan. Vị giám đốc cho biết nguồn cung nhiên liệu máy bay và nhiên liệu diesel nhiều khả năng không bị ảnh hưởng. Song, việc điều hướng sẽ khiến chi phí vận tải biển và vận tải đường bộ tăng lên.

Cùng ngày 26/3, công ty đường sắt CSX cảnh báo khách hàng rằng nguồn cung than đá có thể đến trễ vài ngày do vụ sập cầu.

Chia sẻ với Bloomberg, Giám đốc tài chính của Ford Motor Co. John Lawler nhận định, các nhà sản xuất ô tô sẽ phải thay đổi tuyến vận chuyển đến các cảng khác ở Bờ Đông nước Mỹ.

Trong khi đó, General Motors cho biết hãng đang nỗ lực định tuyến lại các chuyến hàng đến các cảng khác nhau và dự kiến sẽ có "tác động tối thiểu" đến hoạt động của mình. Volkswagen dự kiến việc vận chuyển đường bộ sẽ bị chậm trễ do giao thông được định tuyến lại trên đất liền nhưng không có vấn đề về hàng hải.

Tổng thống Joe Biden cam kết huy động mọi nguồn lực để khắc phục vụ sập cầu tại Mỹ. Ảnh: Reuters

Tổng thống Joe Biden cam kết huy động mọi nguồn lực để khắc phục mở lại cảng Bờ Đông sau vụ sập cầu tại Mỹ

Theo Chủ tịch công ty tư vấn kỹ thuật và kiến trúc COWIfonden David MacKenzie, nhu cầu xây dựng lại nhanh chóng sẽ khiến chi phí tăng ít nhất gấp 10 lần so với mức giá ban đầu của những năm 1970 là khoảng 60 triệu USD, tương đương khoảng 600 triệu USD.

Ông David nói: "Nó phải được xây dựng nhanh chóng vì áp lực đối với giao thông đi lại. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc chi phí sẽ đắt hơn rất nhiều và quá trình mua sắm sẽ phải rút ngắn tối đa. Vì vậy, nó sẽ là một công trình tái xây dựng tốn kém".

Tuy nhiên Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực để khắc phục và xây lại cầu. Đồng thời mở lại cảng của Bờ Đông nước Mỹ nhanh nhất có thể.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: "Chính phủ liên bang sẽ chi trả toàn bộ chi phí xây lại cầu".

Vụ sập cầu tại Mỹ xảy ra vào sáng sớm 26/3 theo giờ địa phương (tức chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam) khi tàu container Dali treo cờ Singapore đang ra khỏi bến cảng để hướng đến Sri Lanka thì lao vào một trụ đỡ của cầu Francis Scott Key (còn gọi là cầu Key Bridge), làm sập cầu khiến nhiều người và phương tiện đang lưu thông rơi xuống sông.

Con tàu đã thông báo tình trạng mất điện trước khi xảy ra vụ va chạm và các cơ quan chức năng đã kịp thời thông báo các phương tiện đang hướng tới cầu ngừng lưu thông trước khi cầu bị sập.

Đài CNN ngày 27/3 đưa tin ít nhất 6 người được cho là đã thiệt mạng trong vụ sập cầu Francis Scott Key.

Tờ The Baltimore Sun dẫn lời ông Jeffrey Pritzker - Phó Chủ tịch điều hành Công ty xây dựng Brawner Builders cho rằng sự việc là một "bi kịch khủng khiếp không thể báo trước". Công ty có công nhân đang sửa chữa cầu khi xảy ra sự việc, nhưng chưa rõ số người.

Với chiều dài gần 3km, Key Bridge là cây cầu dài nhất ở khu vực đô thị Baltimore và là một trong những tuyến đường huyết mạch đông đúc nhất của Mỹ. Cây cầu được khánh thành vào tháng 3/1977. Mỗi năm có khoảng 11,5 triệu lượt phương tiện lưu thông qua cầu.

Trang Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/vu-sap-cau-o-my-mat-600-trieu-usd-de-xay-lai-mat-xich-80-ti-usd-dong-cua-vo-thoi-han-179240327115803399.htm