Vụ sai sót trong bộ đề tham khảo thi THPT quốc gia năm 2017: Bộ GD&ĐT nói gì?

Bộ GD-ĐT chính thức gửi thông tin trả lời trong vụ nhiều giáo viên phát hiện ra có sai sót trong bộ đề tham khảo thi THPT quốc gia năm 2017.

Liên quan tới việc một số vấn đề trong đề thi tham khảo môn địa lý, hóa học đã được các giáo viên phản ánh, theo báo VOV, chiều 17/5, Bộ GD-ĐT chính thức gửi thông tin trả lời về một số ý kiến về đề thi tham khảo môn Địa lý.

Đề tham khảo môn địa có nội dung kiến thức đã quá lạc hậu (Ảnh: báo Thanh niên)

Thứ nhất, về tên quốc lộ 1: Theo đúng tên quốc lộ 1 của SGK Địa lí 12, NXB Giáo dục Việt Nam và đúng tên quốc lộ 1 trong Atlat Địa lí Việt Nam do NXB Việt Nam phát hành từ năm 2009 đến nay.

Thứ hai, về hệ thống sông Mê Công: Đề yêu cầu xem Atlat Địa lí Việt Nam trang 10. Trên trang này, hệ thống sông Mê Công nằm ở cả hai phần lãnh thổ phía Bắc và phía Nam nước ta.

Thứ ba, câu 55. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 15, cho biết các đô thị nào sau đây có quy mô dân số trên 1 triệu người? A. TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng; B. Hà Nội , Đà Nẵng, Hải Phòng; C. Hải Phòng, Cần Thơ , Hà Nội; D. Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh.

Câu này yêu cầu bắt buộc là dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 15, không sử dụng nguồn nào khác.

Thứ tư, về ý kiến "Nước ta không có khu Miền Trung mà chỉ có khu Bắc Trung Bộ; khu Duyên hải Nam Trung Bộ". Cần chú ý rằng, đề thi không dùng từ "khu" mà đề thi dùng từ "khu vực". Cụ thể: câu 42: Khu vực nào sau đây ở nước ta có động đất mạnh nhất? A. Nam Bộ; B. Miền Trung; C. Tây Bắc; D. Đông Bắc.

Theo lý giải của Bộ, cách dùng từ này theo đúng sách giáo khoa Địa lí 12 (NXB Giáo dục Việt Nam). Xin trích nguyên văn câu trong SGK Địa lí 12 của NXB Giáo dục Việt Nam, trang 64: "Ở nước ta, Tây Bắc là khu vực có hoạt động động đất mạnh nhất, rồi đến khu vực Đông Bắc. Khu vực miền Trung ít động đất hơn, còn ở Nam Bộ động đất biểu hiện rất yếu".

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng cho hay, trong quá trình làm đề, Tổ xây dựng đề tham khảo môn Địa lý đã căn cứ vào sách giáo khoa và Atlat để đảm bảo sự phù hợp và thống nhất trong dạy học và thi.

Tuy nhiên, có một số nội dung trong sách giáo khoa có thể đã lạc hậu, do tình hình kinh tế xã hội thay đổi liên tục trong khi sách giáo khoa chưa thể cập nhật thường xuyên. Bộ GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm khi làm đề thi chính thức không đưa các thông tin chưa được cập nhật trong sách giáo khoa vào đề thi để tránh gây ra những tranh luận không đáng có.

Cùng đưa tin, báo Lao Động thông tin, riêng đối với đề thi Hóa, đại diện Bộ GDĐT thừa nhận đó lỗi kĩ thuật.

Trao đổi với PV, TS Sái Công Hồng - Cục Phó Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ GDĐT cho biết: Bộ GDĐT đã nhận được những phản hồi của giáo viên về đề thi Địa lí và Hóa học. Ban ra đề thi sẽ tiếp thu các ý kiến này để chuẩn bị tốt hơn ở đề thi thật.

TS Sái Công Hồng thông tin, theo kế hoạch của kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GDĐT đã công bố lần lượt các đề minh họa, thử nghiệm và tham khảo. Mục đích của đề tham khảo là giúp học sinh (tại thời điểm đã hoàn thành chương trình lớp 12) có bức tranh chung về đề thi để ôn tập, định hình và biết được cấu trúc của đề thi, tránh bỡ ngỡ.

Như vậy, đề thi lần này mang tính chất tham khảo. Đề thi thật sẽ được thực hiện chặt chẽ từ khâu thành lập ban ra đề, tuyển chọn đề, theo tính chất kỳ thi cấp quốc gia.

Trước đó, sau khi bộ đề thi tham khảo được Bộ GD&ĐT công bố, thầy Nguyễn Văn Thuật, giảng viên Trường Đại học Đồng Nai đã phản ánh có sai sót đối với đề thi môn Địa lý.

Đồng thời, Thạc sĩ Lê Đăng Khương - nguyên giảng viên Khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo viên dạy Hóa trên kênh DODAHO.COM cũng chỉ ra một sai sót trong đề thi môn Hóa.

(Tổng hợp)

Duy Ngọc

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/giao-duc/vu-sai-sot-trong-bo-de-tham-khao-thi-thpt-quoc-gia-nam-2017-bo-gddt-noi-gi-a190529.html