Vụ sa thải giám đốc FBI: Sự cản trở công lý?

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có biệt tài tạo ra những điều bất ngờ, tuần vừa rồi lại một lần nữa khiến dư luận Mỹ bất ngờ khi ra quyết định sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI James Comey.

Cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI James Comey

Lý do ông Trump đưa ra cho hành động này là cựu Giám đốc FBI thiếu năng lực và xử lý yếu kém vụ bê bối email cá nhân của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ động cơ thật sự của vụ sa thải này, khi James Comey trong vai trò giám đốc FBI đang tập trung điều tra nghi án tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, cuộc bầu cử đã đưa ông Trump lên vị trí quyền lực nhất nước Mỹ.

Ngay trước khi vụ sa thải diễn ra, cựu Giám đốc FBI đã yêu cầu được cấp thêm ngân sách để mở rộng cuộc điều tra về nghi án tin tặc này - một hành động khiến Tổng thống Trump không hài lòng. Trước đó, ông Trump cũng tỏ ý bất mãn khi James Comey không đồng tình khi ông cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama nghe lén điện thoại của mình trong thời gian vận động tranh cử năm ngoái.

Lý do ông Trump đưa ra khi quyết định sa thải James Comey là cựu Giám đốc FBI thiếu năng lực...

Vụ việc sa thải Giám đốc FBI được giới truyền thông so sánh với Thảm sát Đêm Thứ bảy - tên gọi của sự kiện cựu Tổng thống Richard Nixon sa thải công tố viên đặc biệt Archibald Cox, người phụ trách điều tra bê bối Watergate. Nhiều nhà bình luận cho rằng, quyết định của ông Trump là một động thái cản trở công lý. Vụ việc cũng một lần nữa đặt ra vấn đề, có phải Tổng thống Trump đang đi quá xa trong việc đòi hỏi sự trung thành của các cơ quan liên bang đối với cá nhân mình.

Cam kết trung thành

Một số nguồn tin nội bộ tiết lộ cho báo giới rằng, một phần nguyên nhân Tổng thống Trump sa thải Giám đốc FBI bởi người này đã không chịu cam kết trung thành với ông.

“Trung thành” là một tiêu chí được Tổng thống Trump đặc biệt đề cao và được cho là một lý do khiến ông đang chậm trễ trong việc chỉ định nhân sự cốt yếu cho các cơ quan nội các. Cho đến đầu tháng này, ông Trump mới chỉ chỉ định 73 người cho các vị trí cần sự thông qua của Thượng viện, so với 193 vị trí mà cựu Tổng thống Barack Obama chỉ định được trong cùng một khoảng thời gian. Những trợ thủ thân cận nhất của ông Trump tại Nhà Trắng hiện nay cũng thường chính là người thân hoặc các nhân viên trước đây của mình. Con rể Jared Kushner được cho là cố vấn tin cậy nhất của Tổng thống, và con gái Ivanka Trump thì có cả một văn phòng gần văn phòng của ông tại cánh Tây Nhà Trắng.

Tờ New York Times cho hay, khoảng một tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Trump đã yêu cầu James Comey cam kết sẽ trung thành với ông trong một lần cùng ăn tối. Tại bữa tối này, Tổng thống và Giám đốc FBI đã chuyện phiếm về cuộc bầu cử và quy mô đám đông dự các sự kiện vận động tranh cử của ông Trump. Sau đó, Tổng thống đã lái cuộc trò chuyện theo hướng gợi ý ông Comey cam kết trung thành với mình.

Ông Comey từ chối đưa ra lời cam kết này. Thay vào đó, ông tuyên bố rằng mình sẽ luôn luôn trung thực với tổng thống, nhưng sẽ không phải là người phù hợp nếu ông Trump muốn tìm kiếm là một đồng minh chính trị.

Các nhân viên của FBI chỉ tuyên thệ trước Hiến pháp chứ không tuyên thệ trước bất cứ một thế lực nào, ngay cả Tổng thống

Có lẽ Tổng thống Trump sẽ không đưa ra lời đề nghị này, nếu ông nghe và hiểu kỹ những lời tuyên thệ khi nhận nhiệm vụ của các nhân sự FBI hay các quân nhân Hoa Kỳ. Ngay trên trang web của mình, FBI ghi rõ rằng cơ quan này cũng như các nhân viên của mình sẽ chỉ tuyên thệ trước Hiến pháp chứ không phải trước bất cứ một thế lực nào, ngay cả Tổng thống. Nguyên nhân bởi vì việc tuyên thệ với một cá nhân “rất dễ dẫn đến sự chuyên quyền”.

Cụ thể, FBI quy định “chúng tôi sẽ tuyên thệ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp chứ không phải cá nhân một nhà lãnh đạo, một vị trí hay một thực thể nào. Lý do đơn giản là Hiến pháp được dựa trên những nguyên tắc bất di bất dịch của một chính phủ đúng đắn, mang lại sự cân bằng, ổn định và nhất quán qua thời gian. Một chính phủ dựa trên các cá nhân - vốn không nhất quán, có thể mắc sai lầm - có thể dẫn tới sự chuyên quyền hoặc ở một thái cực khác là sự vô chính phủ. Những nhà lập quốc đã phòng tránh việc đất nước rơi vào những thái cực này bằng cách sáng tạo ra một chính phủ cân bằng dựa trên các nguyên tắc hiến pháp”.

Còn trong quân đội Hoa Kỳ, các quân nhân cũng có lời tuyên thệ tương tự. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ quy định rằng: “Các sĩ quan, đặc biệt là các sĩ quan cấp cao, có vị trí thẩm quyền và ảnh hưởng đặc biệt trong tổ chức và họ có thể lợi dụng vị trí này để mưu lợi chính trị. Việc tuyên thệ trước Hiến pháp chứ không phải trước tổng thống hay bất cứ ai khác đồng nghĩa với việc các quan chức sẽ không thể lôi kéo các sĩ quan để giành lấy sự kiểm soát quân đội và trở thành độc tài”.

“Chuyên quyền” và “độc tài” chính là những từ khóa trả lời cho câu hỏi vì sao cựu Giám đốc FBI từ chối cam kết trung thành với Tổng thống Donald Trump, và vì sao lời đề nghị được cho là của ông Trump là một lời đề nghị kỳ lạ và có phần ngược đời mà một Tổng thống có thể đưa ra với lãnh đạo một cơ quan tư pháp liên bang.

Cản trở pháp lý

Giáo sư Allan Lichtman, một chuyên gia sử học thuộc Trường Đại học Hoa Kỳ cho rằng, sự kiện Tổng thống Donald Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey “nghiêm trọng hơn nhiều” so với bê bối Watergate, và có thể là cơ sở đủ để đưa ông Trump ra luận tội. Giáo sư Lichtman là người đã dự đoán đúng kết quả của mọi cuộc bầu cử Tổng thống trong hơn 30 năm nay và đang viết một cuốn sách về ông Trump có tựa đề “Cơ sở luận tội”.

Trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Newsweek, giáo sư Lichtman nhận định: “Có thể lập luận rằng Tổng thống Trump đã cản trở công lý và vi phạm điều khoản về việc nhận lợi ích từ các chính phủ nước ngoài. Tôi không cho rằng chúng ta nên đưa ông ấy ra luận tội ngay lúc này, nhưng tôi kêu gọi mở một cuộc điều tra luận tội”.

Một số nhà phê bình khác, trong đó có nghị sĩ Dân chủ nhiều ảnh hưởng Richard Durbin, cho rằng việc ông Trump sa thải một người đang điều tra nghi án có liên quan đến ông chính là hành vi cản trở công lý - một hành vi đủ cơ sở để đưa ra luận tội. Thượng nghị sĩ Durbin nhấn mạnh: “Tổng thống Trump là người nguy hiểm, bởi ông ấy có thể đang ngăn cản công lý bằng cách cản trở cuộc điều tra đi vào cốt lõi nền dân chủ của chúng ta, đó là mức độ đáng tín nhiệm của Tổng thống”.

Giáo sư Lichtman đồng tình với nhận định này. Ông nói: “Chúng ta đã có những thông tin đáng tin cậy về việc ông Trump có thể đang cản trở cuộc điều tra của FBI, đầu tiên là bằng cách đòi hỏi người lãnh đạo điều tra phải cam kết trung thành với cá nhân ông. Rõ ràng đây là sự cản trở công lý trắng trợn. Tiếp theo, ông ấy đã sa thải Giám đốc Comey và nói dối vòng vo về lý do của vụ sa thải này”.

Theo giới phân tích, ông Trump cần phải tìm kiếm người có đủ uy tín trong hàng ngũ FBI

Trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại, có hai vị tổng thống đã đến bờ vực miễn nhiệm là Richard Nixon và Bill Clinton - và cả hai vị tổng thống này đều bị buộc tội đã cản trở công lý. Tuy nhiên, giáo sư Lichtman cho rằng hành vi của ông Trump còn nghiêm trọng hơn hành vi nói dối của ông Clinton trong bê bối tình dục với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky, hay hành vi bưng bít thông tin của ông Nixon trong bê bối đột nhập và ăn trộm tài liệu tại trụ sở Đảng Dân chủ trong vụ Watergate.

“Vụ việc này nghiêm trọng hơn rất nhiều”, giáo sư Lichtman nhận định. “Ông Trump đang dính líu tới một nghi án nghiêm trọng hơn do nó có liên quan đến một cường quốc nước ngoài và an ninh quốc gia”.

Ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump cũng đã có những dấu hiệu cho thấy, quyết định sa thải Giám đốc FBI của ông đã vượt quá giới hạn đối với nhiều thành viên của đảng. Đặc biệt, Thượng nghị sĩ Richard Burr đại diện bang Bắc Carolina đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện đã phát biểu rằng: “Tôi cảm thấy không ổn với nguyên nhân và thời điểm sa thải Giám đốc Comey”.

Triển vọng một cuộc luận tội tại Quốc hội đối với Tổng thống Trump còn khá xa vời, do điều này cần sự ủng hộ của đủ số nghị sĩ Cộng hòa cần thiết. Tuy nhiên, giáo sư Lichtman cho rằng ông Trump có thể sẽ không để sự việc được đẩy quá xa tới mức đó. Trong lịch sử, cựu Tổng thống Nixon đã từ chức trước khi thủ tục luận tội chính thức bắt đầu. Tổng thống Trump ở một thời điểm nào đó, cũng có thể hành động như người tiền nhiệm.

“Trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình, Donald Trump đã là một bậc thầy lẩn tránh trách nhiệm”, giáo sư Lichtman nhận định. “Nếu ông ấy vẫn giữ cách hành xử như suốt 40 năm qua, thì tại một thời điểm nào đó, ông ấy sẽ lại né tránh trách nhiệm bằng cách từ chức. Đằng nào thì đối với ông ấy, đó cũng không phải là đi từ đỉnh cao xuống vực sâu”.

Theo giới phân tích, ông Trump cần phải tìm kiếm một người có đủ uy tín trong hàng ngũ FBI, sẵn sàng giữ vị trí Giám đốc của cơ quan quyền lực dưới áp lực ghê gớm và cuối cùng là phải vượt qua được phiên điều trần trước Thượng viện.

Cuối tuần trước, đã có ít nhất 6 ứng cử viên cho chức vụ này được giới thiệu với Bộ Tư pháp, trong đó có cựu Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Alice Fischer, đặc vụ Adam Lee, Giám đốc tạm quyền FBI Andrew McCabe, Thượng nghị sỹ bang Texas John Cornyn và hai thẩm phán Michael Garcia và Henry Hudson. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, khó có ai sẵn lòng giữ vị trí này. “Tôi cho rằng sẽ rất khó để tìm được một Giám đốc FBI tốt, người sẵn lòng làm việc trong điều kiện như chúng ta đã chứng kiến suốt tuần qua” - ông James, Woolsey, cựu Giám đốc CIA, nhận định.

"Từ lâu tôi đã tin rằng, một tổng thống có thể sa thải một giám đốc FBI vì bất cứ lý do gì, hoặc thậm chí không vì lý do gì. Tôi sẽ không dành thời gian để suy xét quyết định đó. Mọi thứ đã quyết định, tôi sẽ ổn thôi, mặc dù tôi sẽ nhớ các bạn và công việc của chúng ta rất nhiều", CBS News dẫn nội dung thư chia tay của ông James Comey gửi bạn bè và nhân viên.

"FBI là một cơ quan trung thực và độc lập. Những điều tốt đẹp của FBI khiến tôi cảm thấy khó khăn khi phải rời bỏ tổ chức này. Được làm việc với nhóm người chỉ luôn cam kết làm điều đúng đắn là một trong những vinh hạnh lớn nhất đời tôi. Cảm ơn các bạn vì món quà đó. Tôi hi vọng mọi người sẽ tiếp tục sống theo những giá trị của FBI, và tiếp tục bảo vệ người dân Mỹ, đảm bảo Hiến pháp được thực thi", ông Comey chia sẻ trong thư.

Phạm Trấn Hoàng Sa

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/the-gioi/vu-sa-thai-giam-doc-fbi-su-can-tro-cong-ly-46832.html