Vụ ông Thản 'điếu cày' lừa dối khách hàng: Bị cáo đưa 3 phương án khắc phục

Cư dân dự án CT6 Kiến Hưng bày tỏ nguyện vọng được cấp sổ hồng để có chỗ ở, nếu không thì chủ đầu tư phải bồi thường thỏa đáng.

Ngày 10-8, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Thanh Thản (tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT Công ty Bemes) về tội lừa dối khách hàng do những sai phạm ở dự án CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội). Cùng vụ án, sáu bị cáo khác là cựu lãnh đạo phường Kiến Hưng, cựu thanh tra xây dựng quận Hà Đông bị đưa ra xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Khi chưa kết thúc phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có một số nội dung không thể làm rõ tại phiên tòa.

520 căn hộ xây sai thiết kế

Bị cáo Thản 73 tuổi, là chủ chuỗi bất động sản mang thương hiệu Mường Thanh cùng biệt danh “đại gia điếu cày’’.

Theo cáo trạng, Công ty Bemes là chủ đầu tư dự án CT6 Kiến Hưng. Ông Thản đã chỉ đạo xây dựng không đúng thiết kế, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 520 căn hộ đã được xây sai thiết kế.

Tháng 3-2011, ông Thản quảng cáo rằng “dự án đã được phê duyệt, thiết kế căn hộ và thiết kế công trình tuân thủ các quy định về xây dựng, giá bán căn hộ đã bao gồm giá trị quyền sử dụng đất...” để rao bán các căn hộ.

Bị cáo Lê Thanh Thản tại phiên tòa. Ảnh: PHI HÙNG

Vì thông tin này, 488 khách hàng tin tưởng đã mua các căn hộ. Ông Thản thu lợi bất chính 481 tỉ đồng, còn người mua chịu thiệt hại số tiền tương ứng.

Tại phiên tòa, bị cáo Thản nêu ra ba phương án giải quyết quyền lợi cho khách hàng. Phương án 1, xử phạt và cho tồn tại. Phương án 2, ông Thản sẽ tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa nhà CT6C để đổi cho họ sang dự án khu đô thị Thanh Hà Cienco5. Phương án 3, mua lại các căn hộ hoặc trả lại tiền cho người mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ tòa nhà CT6C Kiến Hưng.

Bị cáo Thản cho rằng nếu dùng phương án 2 thì sẽ để lại các căn hộ ở CT6C làm tòa nhà văn phòng hoặc khách sạn như thiết kế ban đầu. Nếu không được thì bị cáo sẽ thỏa thuận mua lại các căn hộ.

“Công ty đã trả lại tiền cho bảy khách hàng có yêu cầu nhận lại tiền trước thời điểm VKS ban hành cáo trạng. Công ty đã nhận lại các căn hộ. Trước khi phiên tòa diễn ra, công ty đã trả được thêm sáu căn hộ, tổng cộng là 13 căn hộ” - bị cáo Thản trình bày.

Người dân và nỗi khổ nhà trái phép

Phòng xử lớn của TAND TP Hà Nội chật kín người tham dự, phần lớn là bị hại. Trả lời HĐXX, bà Đinh Thị Nguyệt cho biết bà được giới thiệu về diện tích, thiết kế căn hộ, tính pháp lý của dự án. Trong hợp đồng, chủ đầu tư cam kết khi bàn giao nhà xong sẽ hỗ trợ làm thủ tục cấp sổ hồng.

“Tuy nhiên, chúng tôi xin cấp sổ thì Sở TN&MT trả lời rằng tòa nhà xây dựng sai phạm nên không được cấp. Hơn 10 năm, chúng tôi gặp nhiều khó khăn như không thể thế chấp, không được đăng ký hộ khẩu, khai sinh cho con. Giá trị căn hộ sau hơn 10 năm đã khác rồi nên đề nghị được bồi thường theo giá thị trường để chúng tôi có thể mua căn hộ khác, đảm bảo chỗ ở cho gia đình’’ - bà Nguyệt nói.

Ngoài ra, bà Nguyệt cũng nêu rằng khách hàng đã đầu tư nội thất cho căn hộ; nay nếu chuyển đi, phần đầu tư đó xem như bị mất. Hơn 10 năm, khách hàng đã chịu tổn thất tinh thần, công sức bỏ ra để đòi quyền sở hữu hợp pháp do sai phạm của bị cáo Thản.

Bà Nguyệt đề nghị tòa giải quyết quyền lợi cho khách hàng ngay trong vụ án này. Về mức bồi thường, bà Nguyệt đề nghị được bồi thường theo giá trị căn hộ thực tế tại thời điểm này với mức giá 25,5 triệu đồng/m2.

Một bị hại khác là ông Vũ Văn Thông đề nghị bồi thường đúng bằng số tiền chuyển nhượng là 1,3 tỉ đồng.

Còn bị hại Phạm Thị An lại cho rằng giá trị thị trường ở dự án tương tự trong khu vực là hơn 30 triệu đồng/m2. Do vị trí tòa nhà CT6C đẹp hơn nên giá phải cao hơn. Bà An đề nghị được bồi thường theo mức giá 34 triệu đồng/m2.•

Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung là phù hợp

Sau phiên tòa, trao đổi với PV, ông Triệu Đức Hải đề nghị: ‘’Mong được Nhà nước cấp sổ hồng để chúng tôi có chỗ ở. Nếu khách hàng không được cấp sổ thì chủ đầu tư phải họp thỏa thuận việc bồi thường cho khách hàng’’.

Tương tự ý kiến ông Hải, ông Trịnh Quốc Huy cho biết cũng mong mỏi phiên tòa giải quyết quyền lợi cho cư dân. Nếu bồi thường thì phải hợp lý.

Còn ông Nguyễn Trọng Tuệ, một trong năm người được cử vào ban đại diện cư dân mua căn hộ CT6, cho rằng việc tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung là phù hợp: Cơ quan điều tra có thời gian làm rõ thêm các sai phạm của ông Thản; còn phía cư dân cần thêm thời gian để bàn bạc, thống nhất yêu cầu bồi thường.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-ong-than-dieu-cay-lua-doi-khach-hang-bi-cao-dua-3-phuong-an-khac-phuc-post746338.html