Vụ nhà máy Samsung Thái Nguyên: Bảo vệ "thừa cơ bắp", thiếu văn hóa

(ĐSPL) - 4 người bị thương nhập viện, 3 container và nhiều xe máy bị đốt cháy là hậu quả từ mâu thuẫn giữa bảo vệ và công nhân tại nhà máy Samsung Thái Nguyên.

Sự việc đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề quản lý, đào tạo của các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ ở các khu công nghiệp, những nơi dịch vụ công cộng...

Bảo vệ hay côn đồ?

Phóng to

Chỉ vì mâu thuẫn với bảo vệ, hàng trăm công nhân đã đập phá tài sản tại nhà máy Samsung Thái Nguyên.

Được biết, trước thời điểm xảy ra vụ việc, một số công nhân và bảo vệ có xích mích liên quan đến nội quy công trường. Theo quy định, công nhân không được mang đồ ăn, cơm hộp vào công trường. Tuy nhiên, một số công nhân ăn dở bữa sáng nên mang xôi vào định ăn tiếp thì bảo vệ công trường ra ngăn cản.

Lời qua tiếng lại giữa bảo vệ với công nhân, hai bên đã xảy ra to tiếng. Một bảo vệ đã dùng dùi cui điện đánh ngất một công nhân. Trước hành động vũ lực có phần quá quắt của bảo vệ công trường, những công nhân còn lại ùa vào tấn công. Đội bảo vệ không chống cự được nên bỏ chạy. Được đà, một số công nhân đã đốt 3 container, nơi được sử dụng làm phòng bảo vệ và hơn 10 chiếc xe máy được cho là của những người bảo vệ trên. Theo tìm hiểu của PV, đơn vị cung cấp dịch bảo vệ tại đây là công ty dịch vụ bảo vệ Hòa Bình.

Có lẽ sự việc này là "giọt nước tràn ly" của hiện tượng bảo vệ "lộng hành" và "ưa" dùng vũ lực mà thời gian qua dư luận đã ít nhiều chứng kiến.

Anh Nguyễn Văn Thụ (Quế Võ, Bắc Ninh) đang làm việc tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết: "Câu chuyện mâu thuẫn giữa bảo vệ làm việc tại các khu cộng nghiệp với công nhân không mới. Thực tế, ở các khu công nghiệp, các công nhân làm việc trong các nhà máy nhiều khi không chấp hành các quy định ra vào. Tuy nhiên thay vì nhắc nhở hoặc lập biên bản đúng quy trình thì không ít bảo vệ lại dùng "nắm đấm", lời lẽ vô văn hóa để ứng xử".

Cách đây không lâu, vào tháng 3/2013, anh Lã Minh Thuyên, 31 tuổi (trú tại thôn Lương Thường, xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy, Thái Bình) đã phải nằm gần một tuần điều trị tại khoa Chấn thương, bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình khi hàng chục nhân viên bảo vệ của bệnh viện này đánh hội đồng chỉ vì mượn người nhà bệnh nhân cùng phòng thêm một cái thẻ nữa mang ra cho chị gái vào thăm bố đang điều trị tại khoa Tiết niệu. Hai bảo vệ trực ở khoa phát hiện và ngăn lại. Lúc này, anh Thuyên có nói: "Các anh làm việc không có tình người vậy à?". Thay vì giải thích cho người nhà bệnh nhân biết cái sai của mình, thì nhân viên bảo vệ lại lớn tiếng: "Tao thích như vậy đấy! Mày không có thẻ thì cút đi!".

Câu chuyện của anh Thuyên có lẽ không phải là cá biệt về hình ảnh "xấu xí" của lực lượng bảo vệ hiện nay. Chị Trần Thị Hường, Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: "Giờ đến bệnh viện không chỉ tôi mà nhiều người "ngán" từ cổng bệnh viện "ngán" vào. Lực lượng bảo vệ ghi vé xe thì quát tháo. Chẳng cần biết già, trẻ, họ không thèm dùng kính ngữ với người nhà, bệnh nhân. Quát tháo, trịch thượng hết lối".

Không chỉ tại các khu công nghiệp thường xuyên xảy ra "va chạm" giữa công nhân và lực lượng bảo vệ mà câu chuyện ứng xử của bảo vệ tại các bệnh viện, các tòa nhà, siêu thị cũng khiến nhiều người dân "ngán" những nơi này.

Ông Trần Minh Phú, Trưởng phòng nghiệp vụ của công ty bảo vệ Đất Việt, một trong công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ uy tín và có khách hàng ở hầu khắp các thành phố lớn ở Việt Nam, cho rằng: "Cách giao tiếp với công nhân, khách hàng, tác phong lịch sự của bảo vệ là điều cực kỳ quan trọng để cho các mâu thuẫn nhỏ không trở nên quá căng thẳng. Nếu lực lượng bảo vệ tại nhà máy Samsung nhã nhặn giải thích cho công nhân và các mâu thuẫn không bị tích tụ lâu ngày thì chắc chắn không có sự việc đáng tiếc trên xảy ra.

Chuyên nghiệp không phải "hở" ra là đánh!

Nhìn nhận sự việc bảo vệ đánh công nhân ở nhà máy Samsung Thái Nguyên, TS.Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trong vụ việc này phải nhìn toàn diện. Như câu thành ngữ của dân gian "bụt trên tòa gà nào dám mổ mắt", nghĩa là mình mà không làm sai thì ai dám động đến mình. Có thể người công nhân có hành động sai nhưng người bảo vệ có hành vi vượt quá quyền của mình. Đánh người thì không thể chấp nhận được. Vì thế người bảo vệ này mới khiến những công nhân khác bức xúc dẫn tới ẩu đả. Và từ cách hành xử của bảo vệ có thể đánh giá về cách đào tạo nhân lực, năng lực chuyên môn, cách ứng xử của công ty đối với những người đi làm bảo vệ và trách nhiệm của công ty bảo vệ với hành động sai của nhân viên. Nếu công ty bảo vệ có những giao kèo, nội quy chặt chẽ và có kỹ năng đào tạo nghiệp vụ tốt thì sẽ khó có chuyện đáng tiếc như chuyện ở nhà máy Samsung.

Một giám đốc doanh nghiệp ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội chia sẻ: "Vai trò của người bảo vệ trong một công ty, cơ quan là rất quan trọng. Bảo vệ có khi còn là bộ mặt của công ty, thái độ, hành vi, trang phục thể hiện sự chuyên nghiệp của công ty. Trong những cơ quan có sự liên quan chặt chẽ tới yếu tố con người thì bảo vệ phải có khả năng về giao tiếp ứng xử, xử lý tình huống. Nếu họ không được cung cấp những kỹ năng này, họ sẽ ứng xử bằng nắm đấm một cách thiếu văn hóa. Làm bảo vệ cũng là làm dịch vụ, mà nghề dịch vụ là "làm dâu trăm họ", phục vụ trăm người. Đáng tiếc, ở Việt Nam đa số các công ty bảo vệ mới chỉ dừng lại dạy võ thuật cho nhân viên".

TS. Nguyễn Thị Tố Quyên đánh giá, gần một thập niên trở lại đây dịch vụ vệ sỹ, bảo vệ gia tăng nhanh chóng. Rất nhiều công ty, cơ quan Nhà nước thuê bảo vệ từ các công ty chuyên đào tạo, cung cấp bảo vệ. Những bảo vệ này được công ty quản lý của họ trả tiền lương. Họ không có lợi ích trực tiếp từ công ty thuê họ nhưng có lợi ích gián tiếp vì nơi thuê.

Đánh giá về sự việc này, độc giả Nguyễn Thanh Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) bức xúc cho rằng, nhiều bảo vệ được tuyển dụng chỉ được học về võ thuật nhưng không được học về cách ứng xử và luật pháp, nên nhiều khi họ không biết mình có quyền đến đâu. Một số người thường thích ra oai, tưởng mình có quyền nên làm bừa, gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là những bài học lớn cho các công ty bảo vệ và các cơ quan đang sử dụng dịch vụ bảo vệ.

Ông Trần Minh Phú, công ty bảo vệ Đất Việt cho rằng: "Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp không phải cứ "hở" ra là đánh! Chuyên nghiệp là bằng cách nào đó để thuyết phục được người đang vi phạm thực thi nội quy của công ty chứ không phải dùng vũ lực. Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo các nhân viên của mình tuyệt đối không được dùng vũ lực. Vũ lực chỉ để tự vệ chứ không phải để tấn công người khác.

Đặc biệt, chúng tôi đặt một phần trọng tâm đào tạo riêng về văn hóa ứng xử cho nhân viên với giáo trình riêng. Những người viết giáo trình là các chuyên gia tâm lý được chúng tôi thuê viết giáo trình riêng cho phần đào tạo về văn hóa ứng xử. Họ viết xong và gửi cho chúng tôi kiểm duyệt, sau đó giao cho người chuyên trách mảng này hướng dẫn, đào tạo nhân viên. Bên cạnh đó, hàng tháng, công ty chúng tôi có một buổi họp với khách hàng để trao đổi về hoạt động của bảo vệ về thái độ, cách làm việc làm sao để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất".

Tự đào tạo nên chất lượng đến đâu thì không ai kiểm soát

TS. Nguyễn Thi Tố Quyên cho biết: "Điểm yếu của chúng ta là, hiện chưa có một trường nghề nào đào tạo về kỹ năng, phương pháp, nghiệp vụ bảo vệ. Chúng ta mới chỉ cấp chứng chỉ bảo vệ chứ chưa cấp bằng. Việc đào tạo nghiệp vụ bảo vệ chủ yếu là do các công ty tự dạy nhưng chất lượng dạy đến đâu thì không ai kiểm soát được. Và nguồn tuyển bảo vệ của những công ty này thường có trình độ học vấn không cao. Chính vì những yếu điểm trên nên diễn ra sự việc như ở nhà máy công ty Samsung là điều không quá khó hiểu".

Huế - Thơm

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/vu-nha-may-samsung-thai-nguyen-bao-ve-thua-co-bap-thieu-van-hoa-a17931.html