Vụ mất tiền chấn động nhất của nhà đầu tư trái phiếu AT1

Vài ngày trước cuộc họp báo được tổ chức vội vã vào cuối hôm 19/3, giới tinh hoa chính trị của Thụy Sĩ đã bí mật chuẩn bị động thái có thể gây chấn động toàn cầu.

Trong khi ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ tuyên bố Credit Suisse “an toàn", đằng sau những cánh cửa đóng kín, cuộc đua giải cứu ngân hàng lớn thứ hai của quốc gia vẫn diễn ra.

Chuỗi sự kiện UBS mua lại Credit Suisse sau đó đã dẫn đến việc xóa sổ một trong những ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ và vụ sáp nhập được hỗ trợ bởi 280 tỷ USD từ quỹ nhà nước, theo Reuters.

Các sự kiện diễn ra ở quốc gia không giáp biển - từ lâu đã là pháo đài trung lập về chính trị để đảm bảo vị thế “nơi trú ẩn” an toàn yêu thích của giới thượng lưu - đi ngược lại một trong những bài học quan trọng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Việc khiến các trái chủ đỡ đòn cho các cổ đông trong thương vụ liên kết UBS - Credit Suisse sẽ làm dấy lên mối lo ngại về ảnh hưởng đối với thị trường tín dụng toàn cầu và trái phiếu cùng loại của các định chế tài chính khác.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,23 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Cuộc khủng hoảng niềm tin

Sau nhiều năm bê bối và thua lỗ, Credit Suisse luôn phải ứng phó với một cuộc khủng hoảng niềm tin từ khách hàng. Trong 3 tháng cuối năm 2022, khách hàng đã rút tổng cộng 110 tỷ USD từ ngân hàng có trụ sở tại Zurich.

Hôm 12/3, ngay sau khi tin Mỹ sẽ can thiệp để đảm bảo tất cả khoản tiền gửi ở SVB và Signature - 2 công ty cho vay quy mô trung bình đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về tiền mặt, sự chú ý càng đổ dồn vào Credit Suisse và cách ngân hàng này sẽ duy trì lòng tin của người gửi tiền.

Một người từng làm môi giới cho một số phi vụ giải cứu ngân hàng châu Âu trong cuộc khủng hoảng tài chính chia sẻ sau khi chứng kiến sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ, có rất ít người hoài nghi khả năng UBS sẽ được kêu gọi để chống đỡ cho Credit Suisse.

Hôm 13/3, người này đã gọi điện cho UBS cảnh báo nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới rằng họ nên chuẩn bị nhận cuộc gọi từ chính quyền Thụy Sĩ.

Đến hôm 15/3, hai ngày sau, Credit Suisse bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Bình luận của chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi, Ammar Al Khudairy - người nói rằng ông không thể đầu tư thêm vào Credit Suisse - đã khiến cổ phiếu của ngân hàng này lao dốc.

Dù vậy, cổ đông lớn nhất của Credit Suisse vẫn thể hiện niềm tin vào ngân hàng lớn số 2 Thụy Sĩ.

"Họ là một ngân hàng quan trọng có hệ thống toàn cầu nên... được giám sát hàng ngày", ông nói. "Sẽ không xảy ra sự việc bất ngờ như bạn chứng kiến ở một ngân hàng cỡ trung bình tại Mỹ. Đó là một hệ sinh thái hoàn toàn khác".

Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi Ammar Al Khudairy. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, bên tư vấn cho UBS về vụ sáp nhập nói với Reuters rằng dòng tiền gửi đáng kể vẫn chảy ra sau đó.

Trong khi cuộc thảo luận để giải cứu Credit Suisse diễn ra, các nhà quản lý Thụy Sĩ FINMA và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ vẫn trấn an các nhà đầu tư rằng "vấn đề của một số ngân hàng ở Mỹ không gây nguy cơ lây lan trực tiếp cho thị trường tài chính Thụy Sĩ". Nhưng họ thừa nhận sẽ cứu trợ cho ngân hàng với khả năng tiếp cận không giới hạn.

Credit Suisse cũng cố gắng truyền tải thông điệp về sự ổn định tới khách hàng.

Ngân hàng nói với Reuters hôm 16/3 rằng tỷ lệ bảo đảm thanh khoản trung bình - thước đo chính về lượng tài sản tiền mặt mà ngân hàng có - không thay đổi trong khoảng thời gian từ ngày 8/3 đến ngày 14/3, bất chấp cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.

“Tiền phải đến từ đâu đó”

Tới hôm 19/3, trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter cho biết khoản hỗ trợ bổ sung cho Credit Suisse đã được thông qua, nhưng phải giữ bí mật vì sợ người dân hoảng loạn trước hàng loạt thông báo khẩn cấp.

Bà nói rằng đã liên hệ chặt chẽ với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt. Cả hai quốc gia đều có các công ty con lớn của Credit Suisse với hàng nghìn nhân viên.

Trong khi đó, có rất ít liên lạc với Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt, một người quen thuộc với vấn đề này cho biết.

“Cánh tay” của Credit Suisse ở Luxembourg, Tây Ban Nha và Đức ngắn hơn nhiều so với hai nước Mỹ và Anh. Từ lâu, các nhà quản lý châu Âu đã đặc biệt lo ngại Thụy Sĩ có thể gây thiệt hại cho trái chủ - một bước đi triệt để mà họ thực hiện khi giải cứu Credit Suisse.

Theo Bloomberg, sau khi nhà băng lớn thứ 2 Thụy Sĩ được đối thủ UBS mua lại, toàn bộ 17 tỷ USD trái phiếu bổ sung cấp 1 (AT1) của Credit Suisse sẽ giảm về 0. Toàn bộ AT1 của nhà băng Thụy Sĩ được bút toán giảm để tăng vốn chủ sở hữu.

Các quan chức Thụy Sĩ tham dự cuộc họp báo về Credit Suisse sau lời đề nghị tiếp quản của UBS, tại Bern vào ngày 19/3. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, ý định giữ bí mật để ít người biết nhất của bà Karin Keller-Sutter dường như không thành. Không phải tất cả đều bị che giấu.

Các nhà đầu tư Saudi, với khoảng 10% cổ phần trong ngân hàng, đã gây áp lực lên Thụy Sĩ. Họ cảnh báo có thể có hành động pháp lý nếu không thu hồi được một số khoản đầu tư “xấu số” của mình, theo một nguồn tin.

“Tiền phải đến từ đâu đó”, một trong những lãnh đạo tham gia đàm phán cho biết.

Người này cho hay hội đồng quản trị của Credit Suisse đứng sau họ và tranh luận về việc chi trả cho các cổ đông.

Các nhà quản lý cũng muốn tránh động thái xóa sổ cổ đông có thể dẫn đến việc ngân hàng phải đóng cửa, và có khả năng khiến Thụy Sĩ phải thêm đau đầu, mất mặt chỉ vài giờ sau khi đứng về phía Credit Suisse.

Cuối cùng, Thụy Sĩ đã đồng ý chọn cách xóa sạch 16 tỷ franc trái phiếu (tương đương 17,3 tỷ USD), bồi thường cho các cổ đông 3 tỷ franc (hơn 3,2 tỷ USD) và lật ngược nguyên tắc chính của việc tài trợ ngân hàng.

Thông thường, các cổ đông sẽ là người đầu tiên chịu lỗ, chứ không phải trái chủ AT1. Bởi vậy, quyết định xóa sổ khoản nợ rủi ro nhất của Credit Suisse, thay vì khiến cổ đông chịu thiệt, đã gây ra phản ứng dữ dội từ các trái chủ AT1 của ngân hàng này.

“Đây là vụ mất tiền nhiều nhất của nhà đầu tư trái phiếu AT1 kể từ khi loại tài sản này ra đời sau khủng hoảng tài chính”, báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.

Vụ việc đánh dấu sự kết thúc của tổ chức từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử kinh tế quốc gia và được thành lập bởi Alfred Escher, ông trùm Thụy Sĩ.

Vào hôm 19/3, khi một hội đồng gồm các quan chức Thụy Sĩ và giám đốc điều hành công bố thỏa thuận USB mua lại Credit Suisse, dường như vẫn không có chút ăn năn nào.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter thừa nhận đây là cách duy nhất để bình ổn các thị trường tài chính toàn cầu. Dù vậy, cách này cũng là khoản đặt cược đầy rủi ro vì khiến kinh tế Thụy Sĩ giờ chỉ còn phụ thuộc vào một ngân hàng.

"Đây không phải là gói cứu trợ", bà Keller-Sutter nói với các nhà báo. Trong khi đó, Thomas Jordan, giám đốc ngân hàng trung ương, đã bảo vệ gói này là cần thiết để chống lại bất kỳ cú sốc nào lớn hơn.

Tuy nhiên, các thị trường đang quay cuồng với sự thay đổi bất thường sau chuỗi sự kiện.

"Khi bạn là ngân hàng dành cho các tỷ phú, tiền gửi có thể bay đi rất nhanh", một trong những người liên quan cho biết. "Ngân hàng có thể 'chết' trong 3 ngày”.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-mat-tien-chan-dong-nhat-cua-nha-dau-tu-trai-phieu-at1-post1413959.html