Vụ lộ đề thi THPT 2021: Nguyên Cục phó Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT vi phạm quy chế thi

Viện kiểm sát cho rằng, ông Sái Công Hồng và ông Đỗ Thế Chuẩn đã chỉnh sửa, thay đổi cơ chế xuất đề của phần mềm quản lý Ngân hàng câu hỏi thi, dẫn đến phần mềm sử dụng tại Hội đồng ra đề thi không đảm bảo nguyên tắc rút đề ngẫu nhiên, vi phạm quy định của quy chế thi THPT…

Ngày 26/6, được biết TAND TP Hà Nội sẽ hoãn phiên xét xử bà Phạm Thị My (60 tuổi) và ông Bùi Văn Sâm (74 tuổi), đều là cựu giáo viên Khoa Sinh học - Đại học Sư phạm Hà Nội về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo khoản 1, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Lý do hoãn phiên vì thời gian này trùng với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Một số giáo viên, là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, phải tham gia coi thi.

Trong vụ án, Viện Kiểm sát cáo buộc, từ tháng 11/2020 – 7/2021, bà My và ông Sâm, được Bộ GD&ĐT phân công nhiệm vụ tham gia xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi. Trong đó, ông Sâm là tổ trưởng, bà My làm tổ phó tổ xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi; bà My làm tổ trưởng, ông Sâm là thẩm định Hội đồng ra đề thi môn Sinh học.

Cáo trạng cho rằng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, bà My, ông Sâm đã bàn bạc và mang tài liệu liên quan đến Ngân hàng câu hỏi thi về nhà để biên tập, chỉnh sửa thành các câu hỏi đáp án. Sau đó, hai bị can dùng các câu hỏi này để cung cấp, ôn tập cho 8 học sinh là những người thân quen.

Sau khi cung cấp tài liệu, ôn tập cho các học sinh trên, hai bị can đã sắp xếp câu hỏi vào các vị trí và định hướng lựa chọn các mã đề làm nguồn xây dựng đề thi chính thức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Sinh học năm 2021.

Hành vi này của hai bị can đã vi phạm khoản 1 mục III Quy trình xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định 1044/QĐ-BGDĐT ngày 24/7/2020 của Bộ GD&ĐT và vi phạm điểm d mục 3 Quy định số 16QyĐ-KTQG ngày 20/3/2017 của Trung tâm Khảo thí quốc gia quy định về bảo mật an ninh nội bộ trong công tác xây dựng Ngân hàng câu hỏi.

“Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021”, cáo trạng nêu.

Cựu Cục phó Sái Công Hồng thay đổi cơ chế xuất đề

Về Phần mềm quản lý Ngân hàng câu hỏi thi của Bộ GD&ĐT, Viện kiểm sát cho hay, ban đầu phần mềm hoạt động theo cơ chế chọn ngẫu nhiên và áp dụng trong Hội đồng ra đề thi năm 2018.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi năm 2019, theo yêu cầu của ông Sái Công Hồng (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (QLCL), hiện là Phó Vụ trưởng Vụ THPT - Bộ GD&ĐT), Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu hỏi và chủ tịch Hội đồng ra đề thi năm 2018, 2019, 2020 về việc cần đảm bảo cân bằng độ khó giữa các câu hỏi trong tổ hợp câu hỏi thi mang đi thử nghiệm và giữa các tổ hợp câu hỏi được chọn phải có sự liên kết.

Ông Hồng đã chỉ đạo ông Đỗ Thế Chuẩn (cán bộ Trung tâm khảo thí quốc gia được giao phụ trách quản lý phần mềm) chỉnh sửa phần mềm bằng cách viết mã nguồn (code) mới để thêm tính năng xếp hạng thứ tự câu hỏi thi trong từng ô câu hỏi và thay đổi tính năng sinh đề của phần mềm. Do đó, phần mềm không còn được rút ngẫu nhiên mà sẽ rút được các tổ hợp câu hỏi, trong đó các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề.

Kết quả điều tra, thu thập tài liệu tại Bộ GD&ĐT xác định: Việc sử dụng phần mềm rút các tổ hợp câu hỏi từ Ngân hàng câu hỏi thi tại Hội đồng ra đề thi các năm 2019, 2020 và 2021 không theo nguyên tắc ngẫu nhiên mà được thực hiện theo quy luật các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng đều được rút vào cùng một tổ hợp.

Còn kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, xác định: Phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi trong máy chủ tại Trung tâm khảo thí Quốc gia có chức năng thiết lập “thứ tự xếp hạng” câu hỏi và khi xuất bộ đề thì các câu hỏi được chọn ngẫu nhiên từ cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, trong phần mềm có 2 đoạn mã nguồn có chức năng thực hiện việc chọn câu hỏi không ngẫu nhiên, nếu sử dụng 2 đoạn mã nguồn này khi sử dụng chức năng “Xuất bộ đề”: Với bộ đề thứ 1 được xuất thì các câu hỏi có thứ tự xếp hạng là 1 sẽ được chọn, khi bộ đề thứ 2 được xuất thì các câu hỏi thứ 2 sẽ được chọn và một cách tổng quát là: “Khi bộ đề thứ N được xuất thì các câu hỏi có thứ tự xếp hạng là N sẽ được chọn”

Vì vậy, cơ quan truy tố cho rằng, ông Sái Công Hồng và ông Đỗ Thế Chuẩn đã chỉnh sửa, thay đổi cơ chế xuất đề của phần mềm dẫn đến phần mềm sử dụng tại Hội đồng ra đề thi không đảm bảo nguyên tắc rút đề ngẫu nhiên, vi phạm quy định của quy chế thi THPT. Ngoài ra, một số cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT có trách nhiệm liên quan. Do chưa có cơ sở xác định những người trên có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác và không biết các bị can thực hiện hành vi phạm tội, nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Cơ quan điều tra đã có Văn bản số 127/ANĐT-P5 ngày 17/01/2023 kiến nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm nêu trên.

Hoàng An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vu-lo-de-thi-thpt-2021-nguyen-cuc-pho-quan-ly-chat-luong-bo-gddt-vi-pham-quy-che-thi-post1546106.tpo