Vũ khí giá rẻ đe dọa nghiêm trọng quân đội phương Tây

Vũ khí giá rẻ song nguy hiểm nằm trong tay các nhóm quân đối lập hiện đang trở thành cơn đau đầu cho quân đội phương Tây.

Vũ khí giá rẻ nằm trong tay những lực lượng vũ trang nhỏ, đồng nghĩa chi phí chiến tranh giảm đang gây ra nguy cơ cực kỳ cao cho các cường quốc quân sự thông qua hình thức tác chiến phi đối xứng.

Trong kinh doanh, thuật ngữ “hàng hóa hóa” mô tả sự biến đổi của một thứ từng là một mặt hàng xa xỉ thành một hàng hóa hàng ngày được mua và bán với giá rất rẻ, giúp nhiều người có thể tiếp cận được.

"Sự chuyển đổi như vậy không chỉ giới hạn ở nguyên liệu thô hay hàng tiêu dùng, các cuộc chiến tranh cũng trải qua quá trình này", nhà báo Philip Pilkington của tạp chí National Interest (NI) viết.

"Chi phí chiến tranh giảm xuống là mối đe dọa đối với tất cả quân đội phương Tây được trang bị vũ khí công nghệ cao và cồng kềnh", nhà phân tích của ấn phẩm NI nhấn mạnh.

Những cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ cho thấy các nhóm vũ trang nổi dậy khác nhau dễ dàng sử dụng vũ khí rẻ tiền nhưng đầy thách thức về mặt công nghệ để làm suy yếu sức mạnh quân sự của Mỹ, đồng thời làm phá hủy hình ảnh của một siêu cường.

Chuyên gia phân tích Pilkington tin rằng tất cả các chiến trường của thế kỷ 21 đang trở thành nơi quảng cáo cho những loại vũ khí rẻ tiền nhưng nguy hiểm.

Cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã cho thấy rõ ràng thực tế là chiến tranh hiện đại đang trải qua thời kỳ "hàng hóa hóa" cực kỳ mạnh mẽ.

Lý do dẫn tới điều này hơi mỉa mai: các công nghệ ban đầu được phát triển cho mục đích quân sự, chẳng hạn như GPS và quang học điện tử tiên tiến, đã trở thành sản phẩm tiêu dùng và phải được bán với giá thấp hơn.

Điều này khiến những công nghệ từng là đỉnh cao trở nên có sẵn đối với nhiều người, thậm chí cả các nhóm vũ trang nổi dậy riêng lẻ, chưa kể đến các nhóm khủng bố có tổ chức chặt chẽ hơn.

"Ví dụ điển hình nhất là máy bay không người lái tấn công cảm tử Lancet của Nga trị giá 35 nghìn USD, nó rất hiệu quả trước những xe tăng Leopard 2 của Đức trị giá 11 triệu USD", nhà phân tích của tờ NI nói thêm.

Việc thương mại hóa chiến trường như mọi người đang chứng kiến ở Ukraine và Trung Đông đặt ra nhiều nghi vấn về chiến lược quân sự hiện đại của phương Tây.

Mỹ và đồng minh dường như tập trung vào việc sản xuất các thiết bị quân sự đắt tiền, chất lượng cao với hy vọng có thể áp đảo lực lượng nhỏ, phân tán và được trang bị kém của đối phương.

Mặc dù vậy, các sự kiện diễn ra ở Ukraine và Dải Gaza khiến những bản kế hoạch tốn kém với những loại vũ khí cồng kềnh và tinh vi như vậy bị đặt dấu hỏi cực lớn về hiệu quả của chúng trên chiến trường hiện đại.

Với thực tế trên, phương Tây có lẽ đã cần phải nghĩ tới việc cho ra đời nhiều vũ khí rẻ tiền và dễ sử dụng hơn nhằm chống lại những đối tượng tác chiến cụ thể, bên cạnh việc duy trì vũ khí tinh vi nhằm tạo sức mạnh răn đe trước những đối thủ lớn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vu-khi-gia-re-de-doa-nghiem-trong-quan-doi-phuong-tay-post562714.antd