Vụ "hôi nhãn" ở Quảng Bình: Đừng để hoen ố danh dự người dân

(Xi nhan) - Từ tâm can mình, tôi vẫn muốn đặt niềm tin nhiều hơn ở tiếng nói của người dân. Bởi thế tôi mong sao có một cuộc điều tra nghiêm túc về vụ việc này, để phân rõ trắng đen và lấy lại danh dự cho đồng bào ở huyện vùng cao Minh Hóa.

Những ngày qua, truyền thông trong nước liên tục đưa tin về vụ "hôi của" xảy ra tại huyện Minh Hóa - tỉnh Quảng Bình khi một xe đầu kéo container chở trái cây nhập khẩu bị tai nạn.

Hình ảnh chiếc xe tải gặp nạn ở Quảng Bình vào ngày 21/1.

Hôi của, cướp cạn có lẽ đã không còn là chuyện lạ lùng đối với người dân cả nước bởi thời gian vừa qua đã có hàng loạt vụ hôi của diễn ra ở nước ta. Thế nhưng vụ việc tại Quảng Bình lần này lại khiến dư luận chú ý đặc biệt bởi tình trạng kẻ nói có người bảo không trước việc người dân xung quanh có xông đến “hôi của” một cách man rợ bất chấp sự ngăn cản của các cơ quan chức năng hay không.

Ngày 11/2, tại TP.Đồng Hới đã diễn ra cuộc họp báo về vụ này. Tại buổi họp, ông Đinh Quý Nhân - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa - đã báo cáo lại toàn bộ sự việc và khẳng định, không có việc người dân "hôi của", "man rợ"; không có chuyện cán bộ CA bất lực như một số báo nêu.

Sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng công an đã chuyển giao số nhãn do dân gom nhặt cho đại diện chủ hàng hóa, người đại diện chủ hàng thấy số nhãn bị dập nát, hư hỏng nên không nhận (có bản cam kết). Chủ xe, lái xe đã cảm ơn giải quyết đầy trách nhiệm của Công an và sự giúp đỡ của người dân.

Thế nhưng, cùng thời điểm đó lãnh đạo Cty Bích Thị (có xe bị tai nạn) là ông Trịnh Duy Hưng - Phó GĐ công ty lại khẳng định có "hôi của".

Ông Hưng nói, sau tai nạn xảy ra, từ yêu cầu của công ty, có khoảng 6 - 7 cán bộ CA có mặt tại hiện trường, nhưng do số người hôi nhãn quá đông nên họ bất lực, không ngăn chặn được. Ông Hưng khẳng định: “Chúng tôi còn giữ nguyên băng hình ghi lại cảnh người dân tranh nhau hôi của” và “việc CA xã Hóa Thanh trong biên bản TNGT ghi không thiệt hại tài sản thì thật nực cười, cả container lạnh trị giá 200 triệu đồng hư hỏng nặng sau tai nạn là minh chứng”.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Bích Thị cũng khẳng định những thông tin cung cấp với báo chí là hoàn toàn đúng sự thật, không hề dựng chuyện hay vu khống và đề nghị cơ quan Công an huyện Minh Hóa – Quảng Bình vào cuộc nhằm làm rõ sự việc và đưa ra các biện pháp xử lý để thể hiện rõ tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật.

Trong khi đó, được biết, hiện lãnh đạo ở Quảng Bình đã chỉ đạo các ngành liên quan chuẩn bị hồ sơ khởi kiện Công ty Bích Thị và tờ báo mạng loan tin không đúng sự thật ra tòa án vì xúc phạm đến gần 1 triệu người dân Quảng Bình.

Trước một vấn đề mà có đến hai luồng thông tin trái ngược nhau đã khiến dư luận không khỏi bối rối đặt câu hỏi: “Đâu mới đúng là sự thật?”.

Mặc dù có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vụ việc nhưng từ tâm can mình, tôi vẫn muốn đặt niềm tin nhiều hơn ở tiếng nói của người dân.

Bởi lẽ cả xe hàng bị đổ từ độ cao 80m, hàng hóa là quả nhãn, một thứ quả rất dễ bị hư hỏng dập nát, thì số nhãn còn nguyên vẹn có lẽ không nhiều. Vậy thì khoác cho người dân cái tội là nguyên nhân thiệt hại của cả vụ tai nạn lên tới 1,5 tỷ đồng có đúng không, có bất nhẫn quá không?

Một bằng chứng khác là từ clip do Công ty Bích Thị cung cấp nhằm chứng minh "có tình trạng hôi của" có thể thấy khá nhiều người đến vị trí chiếc xe đổ và đang dọn nhãn. Không có cảnh tranh giành, họ lấy những thùng nhãn và chất vào một vị trí nào đó. Một số người ôm thùng nhãn đi lên phía trên vực rồi chạy xuống tiếp tục dọn. Nếu là hôi của chắc chắn sẽ có sự tranh giành hay vội vàng, đằng này họ rất bình thản, cũng chẳng có tiếng cãi cọ, hay la lối của người nhà xe?

Bằng chứng còn lại là biên bản do CA Minh Hóa lập sau khi xảy ra tai nạn, có chữ ký của tài xế Lê Văn Công ghi rõ: “hàng hóa trong container hư hỏng hoàn toàn”.

Biên bản tai nạn giao thông khẳng định “hàng hóa trong xe bị hư hỏng hoàn toàn” có chữ ký của lái xe Lê Văn Công và xác nhận của chủ hàng Trịnh Văn Bảy khẳng định không thu hồi nhãn.

Vậy thì việc chủ hàng đổ lỗi cho người dân cướp hàng khiến công ty này bị mất trắng 18 tấn nhãn có phải là chuyện “lập lờ đánh lận con đen” để tính đến những mục đích xa hơn?

Hơn nữa, nếu đúng bị người dân hôi của, vậy tại sao công ty Bích Thị không trình báo với cơ quan chức năng địa phương. Chỉ đến khi báo chí và chính quyền địa phương vào cuộc khẳng định không có sự hôi của thì công ty Bích Thị mới làm đơn gửi cơ quan CA địa phương.

Có một điều cũng rất đáng chú ý nữa là, theo bản cam kết của ông Trịnh Văn Bảy – người đại diện Công ty Cổ phần Bích Thị, 12 thùng hàng là số hàng được cho là kết quả thu giữ của cơ quan công an rất nhỏ so với số thùng hàng mà công ty khai báo (khoảng 2000 thùng). Điều này đã khiến những người theo dõi vụ việc không khỏi băn khoăn về số phận của những thùng hàng còn lại.

Ngạn ngữ Nga có một câu rất chí lý đó là: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật đã là sự giả dối!”. Một vấn đề làm sao có thể chấp nhận hai sự thật.

Bởi thế tôi mong sao có một cuộc điều tra nghiêm túc về vụ việc này, để phân rõ trắng đen và lấy lại danh dự cho những người dân ở huyện vùng cao Minh Hóa. Quảng Bình vốn là vùng đất cách mạng, nơi người dân sẵn sàng thực hiện “xe chưa qua nhà không tiếc" trong thời chiến, có lý nào trong thời bình chỉ vì một vài thông tin chưa xác thực mà để hoen ố nhân cách của họ.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xi-nhan/vu-quot;hoi-nhanquot;-o-quang-binh:-dung-de-hoen-o-danh-du-nguoi-dan-40916.html