Vụ đánh ghen kinh hoàng ở Vĩnh Phúc: Khó khép tội làm nhục người khác

Vụ đánh ghen kinh hoàng xảy ra ở xã Bá Hiến (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đủ yếu tố cấu thành Tội làm nhục người khác. Tuy nhiên, theo các luật sư, nếu bị hại không đứng ra yêu cầu xử lý thì việc khép tội với những người gây ra vụ việc là rất khó.

Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc một phụ nữ trẻ tuổi ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) bị một nhóm 5 người gồm cả nam và nữ hành hung dã man, lột quần áo, cắt tóc và quay clip tung lên mạng xã hội.
Theo xác minh ban đầu của công an, đây là một vụ đánh ghen. Nạn nhân trong vụ việc là chị K. (22 tuổi, quê Lào Cai, hiện làm công nhân tại xã Bá Hiến, Bình Xuyên) có quan hệ bất chính với anh N. (quê ở Bình Xuyên) và đã bị chị Đ. (vợ anh N.) theo dõi, bắt quả tang nên dẫn đến vụ đánh ghen kinh hoàng.
Sau vụ việc, công an đã triệu tập 5 đối tượng (gồm vợ và người thân của anh N.) lên lấy lời khai, làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, ngay sau đó nạn nhân đã rời khỏi địa phương mà không đến công an trình báo nên việc điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Hành vi của nhóm người này có dấu hiệu phạm các tội Làm nhục người khác, Cố ý gây thương tích, Gây rối trật tự công cộng.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV PNVN, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi của nhóm 5 đối tượng có đầy đủ dấu hiệu phạm tội Làm nhục người khác và Gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra, nếu chị N. bị thương tích nặng, tùy theo kết quả giám định có thể xử lý hình sự nhóm người trên về tội Cố ý gây thương tích.

Tuy nhiên, cả hai tội Làm nhục người khác và Cố ý gây thương tích đều là tội xử lý theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại điều 105 BLHS. Do đó, người bị hại phải có đơn yêu cầu xử lý gửi đến các cơ quan chức năng địa phương. Vì thế, nếu chị K. rời khỏi địa phương mà không đến trình báo, không có yêu cầu xử lý thì cơ quan điều tra sẽ khó xử lý hình sự các đối tượng trên.
“Hành vi của 5 người trên là rất nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, danh dự của chị K. và trật tự trị an trên địa bàn. Vì thế, trong trường hợp chị K. không đến trình báo, không yêu cầu xử lý thì cơ quan chức năng có thể xem xét, xử lý các đối tượng trên về hành vi gây rối trật công cộng, bởi sự việc diễn ra ở đường, khu dân cư gây bức xúc”, luật sư Nguyễn Huy An nói.

Luật sư Nguyễn Huy An

Đồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng hành vi của các bị đối tượng này có thể xử lý về tội gây rối trật tự công cộng. Theo luật sư Thơm, hành vi gây rối trật tự công cộng tùy theo tính chất mức độ có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS.

Trước đó, như báo PNVN đã đưa tin, vào sáng 3/9 tại thôn Trại Cúp xã Bá Hiến (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã xảy ra một vụ đánh ghen, làm nhục người khác khiến dư luận xôn xao.
Nghi ngờ chồng mình có quan hệ bất chính với một nữ công nhân tên K. nên chị Đ. (vợ anh N.) đã lên kế hoạch theo dõi. Sáng 3/9, sau nhiều lần theo dõi chị Đ. đã phát hiện người đàn ông này đang ngủ cùng với nhân tình tại phòng trọ của người này. Ngay lập tức, Đ. đã cùng với mẹ anh N. và người thân nhà chồng lao vào đánh ghen.
Cả nhóm 5 người kéo chị K. ra khỏi phòng trọ rồi hành hung, lột quần áo, cắt tóc…đối với nữ công nhân này. Sự việc được người dân quay clip sau đó phát tán lên mạng xã hội.
Chị K. và anh N. sau khi sự việc xảy ra đã rời khỏi địa phương và không lên cơ quan công an trình báo.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, có 11 tội danh sau đây chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại:

+ Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (khoản 1 Điều 104).
+ Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 1 Điều 105).
+ Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (khoản 1 Điều 106).
+ Tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (khoản 1 Điều 108).
+ Tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (khoản 1 Điều 109).
+ Tội Hiếp dâm (khoản 1 Điều 111).
+ Tội Cưỡng dâm (khoản 1 Điều 113).
+ Tội Làm nhục người khác (khoản 1 Điều 121).
+ Tội Vu khống (khoản 1 Điều 122).
+ Tội Xâm phạm quyền tác giả (khoản 1 Điều 131).
+ Tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (khoản 1 Điều 171).

Hà Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/vu-danh-ghen-kinh-hoang-o-vinh-phuc-kho-khep-toi-lam-nhuc-nguoi-khac-post32281.html