Vụ đánh ghen dã man ở Bình Xuyên: Nạn nhân cần làm đơn tố cáo để tìm lại công bằng

Vụ đánh ghen dã man ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận, vì những “đòn trừng phạt” quá nhẫn tâm mà các thủ phạm nhắm vào nữ công nhân K. Trao đổi với PV Báo ANTĐ, Luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật TNHH Hừng Đông) đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Đừng lấy cái sai của mình để đáp trả cái sai của người khác!

Trong xã hội phát triển, nhiều người vẫn chưa ý thức được tiêu chí thượng tôn pháp luật, do vậy, những vụ việc “thay luật hành đạo” vẫn đang diễn ra, gây bức xúc trong dư luận. Những người có hành vi trái pháp luật hoàn toàn phải chịu trách nhiệm cho những việc mình gây ra, dù ban đầu, họ tưởng “làm như vậy là đúng”.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật TNHH Hừng Đông) đã bày tỏ quan điểm ở nhiều khía cạnh khác nhau liên quan tới vụ đánh ghen dã man vừa qua ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

Nạn nhân bị đánh ghen cần làm đơn để tìm lại công bằng

Xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Hữu Toại đã nhận lời trao đổi với PV Báo ANTĐ. Như anh đã biết, trong nhiều vụ việc đánh ghen, nạn nhân vì xấu hổ mà không gửi đơn kiện, tố cáo hành vi của những người hành hạ mình. Như vậy, việc xử lý có gì khác biệt, so với khi có đơn, thưa anh?

- Khác biệt là rất lớn. Tội làm nhục người khác thuộc khoản 1 Điều 121 Bộ Luật hình sự, nếu người bị hại không có đơn yêu cầu khời tố vụ án, khởi tố bị can thì vụ án sẽ không được khởi tố. Nếu vụ án không được khởi tố thì cơ quan chức năng có thể căn cứ vào mức độ vi phạm của những người đánh ghen để xử lý vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng theo Luật xử lý vi phạm hành chính.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông

Xin luật sư nói rõ hơn về các hình phạt mà những người đánh ghen có thể phải nhận khi xâm phạm thân thể, xúc phạm, làm nhục người khác?

- Những người đánh ghen có thể phải đối mặt với các hình thức xử lý khác nhau khi xâm phạm thân thể, xúc phạm, làm nhục người khác. Căn cứ mức độ gây thiệt hại cho người khác mà những người đánh ghen có thể bị xử lý khác nhau, từ xử  phạt vi phạm hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Nếu người đánh ghen xâm phạm thân thể, xúc phạm, làm nhục người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng chống bạo lực gia đình.

Theo thông tin từ các trang mạng xã hội và sau khi xem clip, tôi cho rằng vụ đánh ghen ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc có dấu hiệu của Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 121 Bộ Luật Hình sự. Điều 121 quy định:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 105 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: “1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Như vậy, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không còn phụ thuộc vào người bị hại. Nếu người có đơn gửi cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì vụ án mới được khởi tố theo trình tự, thủ tục của Bộ Luật tố tụng hình sự.

Luật sư có lời khuyên gì đối với các nạn nhân bị hành hạ, làm nhục trong các vụ đánh ghen?

- Các nạn nhân bị hành hạ, làm nhục trong các vụ đánh ghen nên nhờ các cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nên xử sự ra sao khi phát hiện ra “tình địch”?

Luật sư có lời khuyên gì đối với những người đang bị ‘tổn thương tình cảm’ - như vợ hoặc chồng bị “đối tác” phản bội, dẫn tới suy nghĩ tìm tới tình địch để trả thù?

- Theo tôi, những người đang bị “tổn thương tình cảm” nên bình tĩnh để có sự lựa chọn và quyết định sáng suốt. Không nên bị kích động và làm những việc bột phát trả thù “tình địch” trái pháp luật. Hãy hành động văn minh, nếu “tình địch” sai đã có pháp luật xử lý và đạo đức xã hội lên án. Không nên có những hành vi thiếu kiềm chế, để biến mình từ người lương thiện trở thành người vi phạm pháp luật.

Đánh ghen là cách hành xử thiếu khôn ngoan của những người "cả giận mất khôn"

Những người vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình khi ngoại tình dù đã có vợ/chồng, hoặc người độc thân có quan hệ tình cảm với người đã có gia đình, thì có thể phải chịu hình phạt gì từ pháp luật, thưa luật sư?

- Theo quy định tại Điều 48, Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP), quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính với người vi phạm chế độ một vợ, một chồng, có quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.

- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Bộ Luật hình sự cũng có quy định Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 147:

“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC thì chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây :

1. Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng,con vì thế mà tự sát,v.v...

2. Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Đừng lấy cái sai của mình để đáp trả cái sai của người khác!

Trong thời gian qua, nhiều vụ đánh ghen đã xảy ra, với mức độ tàn nhẫn nghiêm trọng, gây bức xúc rất lớn trong dư luận. Trên cương vị luật sư, anh thấy đây có phải một xu hướng tất yếu trong xã hội phát triển, hay là do mạng xã hội mà chúng ta mới biết, còn nó vẫn tồn tại từ xưa tới nay?

- Tôi cho rằng đây không phải xu hướng tất yếu trong xã hội phát triển, bởi xu hướng phát triển của xã hội loài người là ngày càng văn minh, không bạo lực. Lịch sử nhân loại đã chứng minh cho chúng ta thấy, con người ngày càng nhận thức cao hơn, thì sẽ càng ứng xử với nhau lịch sự và đầy tính nhân văn.

Thời đại ngày nay, do sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt mạng xã hội phát triển với tốc độ rất nhanh, và đặc điểm của mạng xã hội là tính chia sẻ và sự lan truyền nhanh nên nhiều người biết đến các vụ đánh ghen đó. Thực tế thì những vụ đánh ghen luôn có trong các thời điểm phát triển của con người, nhưng trước đây, các công cụ truyền thông chưa phát triển nên các vụ đánh ghen được biết trong phạm vi địa phương nhỏ.

Hiện nay, những vụ đánh ghen dã man đang ngày càng được biết tới nhiều hơn khi video quay lại cảnh hành hạ xuất hiện trên mạng xã hội. Dù cảnh đánh ghen có tàn bạo tới đâu, vẫn xuất hiện luồng quan điểm ủng hộ thủ phạm đánh ghen, khi cho rằng “kẻ phá vỡ hạnh phúc nhà người khác xứng đáng phải nhận như vậy”. Anh nghĩ gì về quan điểm này?

- Tôi không đồng tình với quan điểm này, bởi lẽ chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền. Mọi người dân và các cơ quan, tổ chức đều phải thượng tôn pháp luật. “Kẻ phá vỡ hạnh phúc nhà người khác” đã có pháp luật xử lý, người dân không thể nhân danh để tự xử lý và việc xử lý này hoàn toàn vi phạm pháp luật. Lấy một hành vi sai phạm của mình để đáp trả một hành vi sai phạm của người khác là một việc làm không thể biện minh.

Trong xã hội phát triển, không thể có chuyện "lấy cái sai của mình để đối cái sai của người khác"

Trên cương vị luật sư, anh có kiến nghị, đề xuất gì để hạn chế những vụ đánh ghen tương tự trong tương lai? Như chế tài xử lý nào đủ sức răn đe đối với các thủ phạm?

- Để tránh những vụ đánh ghen trong tương lai, tôi cho rằng, chúng ta cần nâng cao ý thức pháp luật của người dân bằng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp người dân hiểu và ý thức được các quyền và nghĩa vụ cơ bản của mình. Tuyệt đối không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Song song với việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân thì chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời, giám sát khâu thực thi pháp luật trên thực tế. Vì có những quy định đọc qua thì không thấy có vấn đề nhưng trong quá trình thực thi sẽ bị vướng mắc. Về chế tài xử lý vi phạm, tôi cho rằng, hệ thống quy định của chúng ta tương đối đầy đủ, nhưng khâu thực thi còn nhiều bất cập và chưa đi vào thực tiễn cuộc sống.

Xin chân thành cảm ơn anh!

Nguyễn Trung Hiếu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/vu-danh-ghen-da-man-o-binh-xuyen-nan-nhan-can-lam-don-to-cao-de-tim-lai-cong-bang/740515.antd