Vụ 'cò trong, cò ngoài' tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Lộ diện sự móc nối để khám nhanh, bệnh viện nói gì?

Sau khi Báo Lao động Thủ đô đăng bài điều tra 'Cò trong, cò ngoài' tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, lãnh đạo bệnh viện thừa nhận có lỗ hổng trong khâu đăng ký khám chữa bệnh…

Đại diện bệnh viện cho biết đã tiến hành họp và yêu cầu các bộ phận liên quan giải trình, trước mắt kịp thời "vá" lỗ hổng nhưng cũng thừa nhận việc chống "cò" khám bệnh là một cuộc chiến lâu năm và đầy khó khăn.

“Mập mờ” ở quầy số 4!

Ông Trần Thanh Hưng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, sau khi tiếp nhận bài phải ánh từ Báo Lao động Thủ đô, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2 (cơ sở 2) đã tiến hành họp để kiểm tra lại quy trình, tìm ra điểm sơ hở để khắc phục tình trạng báo phản ánh.

“Sau khi báo đăng tải, cơ sở 2 đã họp 3 lần để xem lại quy trình của các phòng chức năng có sơ hở gì không mà xảy ra việc này, tìm điểm sơ hở để có phương án khắc phục. Đối với nhân sự xuất hiện hình ảnh, Ban Giám đốc bệnh viện yêu cầu nhân sự đó và các bác sĩ trong khung giờ phải giải trình. Bệnh viện triệt để không cho nhân viên liên quan đến “cò”, các trường hợp liên quan sẽ bị kỷ luật và có khả năng bị đuổi việc. Việc chống “cò” không chỉ bên trong bệnh viện mà còn bên ngoài bệnh viện. Do đó, bệnh viện đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Quận 5 và Công an Quận 5 lên kế hoạch khắc phục vấn đề này”, ông Hưng thông tin.

Chi tiết về vấn đề này, ông Phan Quốc Bảo - Phó trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2 - nơi xuất hiện những mập mờ nghi nghờ có sự móc nối giữa bác sĩ làm việc ở quầy số 4 với "cò" H. (trong bài điều tra), cho biết: "Bài viết của Báo Lao động Thủ đô đã giúp bệnh viện phát hiện ra lỗ hổng trong quy trình khám bệnh. Cụ thể, do cơ cấu nhân sự không nhiều nên đã xuất hiện lỗ hổng, sơ hở ở khâu bốc số khám bệnh khiến các đối tượng này lợi dụng".

Phó trưởng Khoa Khám Bệnh bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2, bệnh viện đã có sơ hở ở khâu bốc số khám bệnh khiến các đối tượng này lợi dụng.

“Sau khi nhận phản ánh từ Báo Lao động Thủ đô, bệnh viện đã rà soát tất cả các quy trình và phát hiện kẽ hở ở khâu bốc số thủ công. Theo đó, vào buổi sáng, các đối tượng sẽ đăng ký khám bệnh, khi có biên lai thì trình cho nhân viên phát số để nhận số khám, lợi dụng tình hình bệnh nhân đông, các đối tượng cầm biên lai quay lại lấy số nhiều lần và lấy được nhiều số thứ tự. Sau khi phát hiện lỗ hổng này, cơ sở 2 đã tạm thời có biện pháp đóng mộc vào biên lai sau khi phát số cho bệnh nhân. Hiện tại đã không có tình trạng bốc số xoay vòng và khi kiểm tra không còn thấy các đối tượng như phản ánh ở khu vực quen thuộc nữa”, ông Bảo khẳng định.

Chúng tôi đặt câu hỏi về việc các cá nhân có liên quan và có dấu hiệu móc nối với “cò” bên ngoài hiện nay có bị xử lý kỷ luật không? Ông Bảo cho biết hiện bác sĩ ở quầy số 4 trong bài phản ánh và phòng siêu âm đã được yêu cầu làm biên bản giải trình.

Đại diện cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Dược cũng giải thích thêm: Hình ảnh người bác sĩ ở quầy tiếp nhận số 4 là bác sĩ C. thuộc Ban Khám sức khỏe. Người này được bệnh viện thông tin không phải là bác sĩ thường trực tại quầy tư vấn số 4, chỉ khi bác sĩ thường trực của quầy tư vấn có lịch khám hay có công việc thì mới điều bác sĩ C. ra hỗ trợ. Qua phản ánh của báo, bác sĩ C. và các nhân viên y tế liên quan cũng đã làm giải trình về vụ việc.

Đại diện cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, bác sĩ C. thuộc Ban Khám sức khỏe là bác sĩ đã nhận hồ sơ khám bệnh của "cò" trong clip mà báo đã đăng tải.

“Khi bác sĩ thường trực của quầy tư vấn có lịch khám hay có công việc thì mới điều bác sĩ C. ra hỗ trợ nên việc móc nối là rất khó vì các đối tượng sẽ không biết bác sĩ C. trực ở đó ngày nào”, đại diện cơ sở 2 “nhấn mạnh” về lý giải trên.

Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi về việc phiếu cận lâm sàng không có chữ ký của bác sĩ chỉ định và bị cắt ngang để đưa nhanh cho “cò” H. tiến thẳng vào phòng siêu âm thì sao? Ông Bảo, đại diện Cơ sở 2 giải thích rằng, việc cắt giấy là do bác sĩ C. tiết kiệm giấy không đúng chỗ?! Còn việc chỉ định cận lâm sàng không có chữ ký bác sĩ là do cơ sở 2 có “bác sĩ cơ hữu” và “bác sĩ cộng tác” nhưng trên phần mềm chỉ các bác sĩ cơ hữu mới có tên trên đó cho nên nếu bác sĩ cộng tác ra chỉ định thì sẽ không hiện tên bác sĩ?!…

Đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2 giải thích việc phiếu cận lâm sàng không có chữ ký của bác sĩ chỉ định là do cơ sở 2 có “bác sĩ cơ hữu” và “bác sĩ cộng tác” nhưng trên phần mềm chỉ các bác sĩ cơ hữu mới có tên trên đó cho nên nếu bác sĩ cộng tác ra chỉ định thì sẽ không hiện tên bác sĩ. Còn việc phiếu cận lâm sàng bị cắt ngang là do... "tiết kiệm giấy"?! Những giải thích trên vẫn còn bỏ ngỏ kết luận của cơ quan chức năng.

Nhiều ban ngành phối hợp nhưng vì sao cổng bệnh viện vẫn… “bát nháo cò”!

Đại diện bộ phận an ninh và bảo vệ của Bệnh viện Đại học Y Dược tại cơ sở 1 (đường Hồng Bàng, quận 5, TP.HCM) cho biết việc chống “cò” của bệnh viện này đã diễn ra khoảng 20 năm, phối hợp với nhiều ban ngành. Cụ thể, hàng năm bệnh viện đều phối hợp với Công an quận 5 đảm bảo an ninh trật tự xung quanh bệnh viện và lực lượng đến tuần tra rất nhiều lần trong ngày gồm các lực lượng như trật tự đô thị, cảnh sát hình sự, công an… Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động Thủ đô thì tình trạng “cò” vẫn bát nháo ở cổng bệnh viện này tại thời điểm ghi nhận bài điều tra.

Đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 1 khẳng định bệnh viện không hợp tác với bất kì phòng khám nào để giảm tải áp lực cho bệnh viện. Bên cạnh đó, các đối tượng “cò” khó hoạt động trong khuôn viên bệnh viện tại cơ sở 1 bởi việc quản lý bên trong khuôn viên bệnh viện diễn ra chặt chẽ nhưng khu vực trước cổng bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn bởi các đối tượng sẽ rời đi nếu bệnh viện hoặc cơ quan chức năng kiểm tra, khi không có nhân viên bệnh viện thì lại xuất hiện.

Đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, việc quản lý bên trong khuôn viên bệnh viện diễn ra chặt chẽ nhưng khu vực trước cổng bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.

Về quy trình khám bệnh, tại cơ sở 1, bệnh nhân có thể đăng ký khám bệnh online hoặc đăng ký tại chỗ. Lợi dụng việc này, “cò’ sẽ đăng ký khám bằng tên của một người khác, do đó, quy trình của khoa khám bệnh phải kiểm tra thông tin người bệnh liên tục. Khi người bệnh không nhớ tên hoặc tỏ ra ấp úng, các nhân viên của bệnh viện sẽ yêu cầu người bệnh cung cấp giấy tờ tùy thân, nếu người bệnh tìm lý do từ chối, các nhân viên sẽ thông tin cho bệnh nhân về trường hợp khi sử dụng một tên khác mua của “cò” thì dữ liệu khám bệnh sẽ không được sử dụng với tên thật sau này hoặc trường hợp xấu nhất bệnh nhân phải nhập viện thì các kiểm tra cận lâm sàng phải làm lại từ đầu, thậm chí là nội soi.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã yêu cầu 100% các nhân viên ở quầy đăng ký khám bệnh của bệnh viện đều kí cam kết không tiếp tay với “cò” và cam kết nhận kỷ luật cao nhất là nghỉ việc nếu vi phạm. Các nhân viên đều rất nhạy cảm với các trường hợp có liên quan đến “cò” khám nhanh, nếu phát hiện có dấu hiệu đáng ngờ sẽ báo bảo vệ bám sát hoặc nếu bên ngoài bệnh viện thì sẽ báo công an.

Theo cơ sở này, hiện thực “cò” đang xảy ra ở ngoài bệnh viện và thiên về khía cạnh xã hội, những giải pháp phải tập trung vào các đối tượng này bởi bệnh viện đã thực hiện 3 khâu gồm bên trong, bên ngoài và khi sự cố xảy ra nhưng các đối tượng vẫn hoành hành. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của lực lượng chức năng và rà soát quy trình khám bệnh tại cơ sở 2.

Để làm rõ hướng xử lý vụ việc, phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã liên hệ với lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và được đề nghị phóng viên liên hệ với Sở Y tế TP.HCM. Phóng viên Báo Lao đông Thủ đô cũng đã liên hệ với Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM và được yêu cầu liên hệ với Chánh Văn phòng Sở Y tế để trả lời. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía đơn vị này.

X.Tình - H.Ngọc

H.Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vu-co-trong-co-ngoai-tai-benh-vien-dai-hoc-y-duoc-tphcm-lo-dien-su-moc-noi-de-kham-nhanh-benh-vien-noi-gi-159334.html