Vụ chết người ở bệnh viện Trí Đức: Có thể xử lý hình sự

"Có thể xử lý về mặt hình sự đối với những cá nhân, tập thể liên quan đến vụ hai người chết tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức (Bệnh viện Trí Đức) do sốc thuốc phản vệ", đó là ý kiến của luật sư Trần Minh Hùng, đoàn luật sư TP.HCM

Liên quan đến vụ chết người ở Bệnh viện Trí Đức, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã khẳng định, lô thuốc gây mê sử dụng cho 2 nạn nhân này đã sử dụng cho bệnh nhân khác và an toàn.

“Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với nhà cung cấp loại thuốc gây mê trên, xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế về thuốc đã sử dụng cho bệnh nhân thì đây là những thuốc thông thường vẫn sử dụng tại các bệnh viện” – bà Trần Thị Nhị Hà nói.

Hiện giờ, Công an Q.Hai Bà Trưng đã niêm phong phòng mổ, vỏ thuốc gây mê đã sử dụng cho 2 bệnh nhân và các sổ sách… liên quan đến ca gây mê. Ngoài ra công an cũng đã làm việc với 2 bác sĩ chịu trách nhiệm về gây mê ở hai kíp mổ, lấy lời tường trình tại thời điểm xảy ra vụ việc.

Bệnh viện Trí Đức nơi xảy ra vụ chết hai bệnh nhân. Ảnh internet

Ngoài ra, để phục vụ cho công tác điều tra, hiện Sở Y tế Hà Nội đã tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật tại Bệnh viện Trí Đức, cũng như các cá nhân tham gia 2 kíp mổ. Hiện công tác điều tra nguyên nhân vụ hai bệnh nhân chết đang được các cơ quan Công an lẫn ngành Y tế khẩn trương.

Sở Y tế cũng đã kiểm tra và niêm phong, bảo quản thuốc theo đúng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn các thuốc có liên quan phục vụ gây mê tại bệnh viện này. Toàn bộ các hóa đơn, chứng từ liên quan đã được Đội điều tra tổng hợp Công an Q.Hai Bà Trưng thu giữ.

Còn hồ sơ lưu lại Sở Y tế do Bệnh viện Trí Đức gửi báo cáo danh sách cán bộ, nhân viên làm việc thường xuyên tại bệnh viện tháng 12/2015, trong đó hai kíp phẫu thuật này chưa có tên của kỹ thuật viên gây mê Phạm Thị Hương và nhân viên dụng cụ Bùi Thị Kim Oanh (hai người trong ekip phẫu thuật cho anh T.)

Luật sư Trần Minh Hùng. Ảnh NVCC

Trao đổi xung quanh vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình, thuộc đoàn luật sư TP.HCM cho biết thêm: "Nếu như theo thông tin mà báo chí đã đưa thì chỉ khi có kết luận cụ thể của cơ quan chức năng, mới xác định được trách nhiệm của bệnh viện này sẽ bị xử lý cụ thể thế nào. Trách nhiệm ở đây bao gồm trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự.

Tùy tính chất của hành vi, nguyên nhân là chết do bệnh nhân hay do sự sơ suất của bác sĩ, bệnh viện, chưa tuân thủ các quy tắc khám chữa bệnh, không có giấy phép khám chữa bệnh hoặc có giấy phép nhưng do lỗi của bác sĩ, bệnh viện.... thì có thể bị xử lý về mặt hình sự về "tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" theo quy định tại điều 315 Bộ luật hình sự. Ngoài trách nhiệm hình sự thì bệnh viện còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân như tiền thuốc men, ma chay, chi phí cứu chữa, tiền công chăm sóc, tiền tổn thất tinh thần..."

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo nhanh vụ hai bệnh nhântử vong tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức (Bệnh viện Trí Đức). Nguyên nhân được xác định ban đầu là do sốc phản vệ sau khi gây mê chuẩn bị mổ. Hai bệnh nhân đã chết được xác định là Quách Thị Mai P. (sinh năm 1979, P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình, Hà Nội) và bệnh nhân Hoàng Văn T. (sinh năm 1982, trú tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội).

Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Chu Du

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/vu-chet-nguoi-o-benh-vien-tri-duc-co-the-xu-ly-hinh-su-d52282.html