Vụ cá nuôi lồng chết ở Thừa Thiên - Huế: Thông số pH trong mẫu nước cao hơn bình thường

Kết quả đo nhanh các mẫu nước lấy ở vị trí lồng nuôi ở TT. Lăng Cô, Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) cho thấy thông số pH cao hơn giá trị giới hạn của thông số chất lượng nước quy định tại chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng biển.

Do thông số pH cao hơn bình thường?

Liên quan đến sự việc cá nuôi lồng chết bất thường trong nhiều ngày mà chưa rõ nguyên nhân khiến các hộ nuôi cá lồng tại cửa đầm Lập An, TT. Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế) không khỏi hoang mang lo lắng mà Báo điện tử Tổ Quốc đã phản ánh. Ngày 23/10, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế (Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế) cho biết đơn vị này đã có báo cáo sơ bộ về chất lượng nước khu vực đầm Lăng Cô.

Theo đó, sau khi nhận được phản ánh của người dân và tin báo từ UBND huyện Phú Lộc, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành khảo sát, đo nhanh và lấy mẫu nước phân tích ở khu vực nuôi cá lồng của các hộ dân và khu vực nước đầm gần công trình thi công hầm đường bộ Hải Vân (thuộc Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân).

Cá chết là cá thương phẩm có giá trị cao.

Do hiện nay chưa có quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước đầm phá, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạm thời so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Kết quả đo nhanh cho thấy, tất cả các mẫu nước (kể cả các vị tri lồng nuôi đo nhanh ở tầng mặt, giữa và đáy) trên khu vực đầm Lăng Cô đều có hàm lượng oxy hòa tan trong nước lớn hơn 5,0, đảm bảo giá trị giới hạn của thông số chất lượng nước phù hợp với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh.

Tuy nhiên, tại các mẫu đo nhanh có thông số pH đo được dao động từ 8,9-9,1, cao hơn giá trị giới hạn của thông số chất lượng nước quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (từ 6,5-8,5). Sự biến động tăng cao của chỉ số pH so với bình thường này có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự sống và phát triển của thủy sản trong đầm Lăng Cô.

Ông Nguyễn Việt Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Để có cơ sở nhận định nguyên nhân hiện tượng cá chết ở đầm Lăng Cô, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm tra lượng thủy sản chết ở trong đầm có xuất phát từ nguyên nhân nhiễm bệnh hay không, đồng thời nghiên cứu sự ảnh hưởng của pH ở giá trị cao đối với đời sống thủy sản.

Khu vực cửa biển đầm Lập An, nơi xuất hiện tình trạng cá nuôi lồng của nhiều hộ dân bị chết.

Tăng cường giám sát, quan trắc môi trường

Sở TN&MT cũng thông tin, đơn vị này vừa có văn bản gửi Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ Hải Vân về việc tăng cường thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân.

Ông Lê Bá Phúc – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, qua kiểm tra các công trình, dự án có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng nước tại đầm Lăng Cô, có hoạt động của Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Vì thế, Sở TN&MT tỉnh cũng yêu cầu Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ Hải Vân thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công đã cam kết. Đảm bảo chất thải phát sinh được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

Ông Phúc cũng thông tin thêm, trước đó Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ Hải Vân có gửi kết quả báo cáo quan trắc chất lượng môi trường trong quá trình thi công của dự án về Sở TN&MT tỉnh, tuy nhiên quá trình quan trắc này chưa có sự giám sát của của cơ quan quản lý Nhà nước. Sở TN & MT đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ Hải Vân thực hiện đúng quy định về giám sát hoạt động quan trắc môi trường định kỳ đã được sở này hướng dẫn.

Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đơn vị này cũng đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh thực hiện việc giám sát các công trình đang thi công trên địa bàn khu kinh tế có nguồn thải ảnh hưởng đến chất lượng nước đầm Lăng Cô, yêu cầu chủ dự án thực hiện các biện pháp xử lý chất thải nhằm đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tránh để chất thải chưa qua xử lý thải vào nguồn nước trong đầm Lăng Cô.

Hiện tượng cá nuôi lồng chết chưa rõ nguyên nhân khiến người dân không khỏi lo lắng.

Như Báo điện tử Tổ Quốc trước đó đã đưa tin, những ngày đầu tháng 10 đến nay, nhiều hộ nuôi cá lồng ở khu vực cửa biển đầm Lập An, TT. Lăng Cô, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế) như ngồi trên đống lửa khi chứng kiến cá nuôi của gia đình bỏ ăn rồi chết dần mà không rõ nguyên do.

Số cá nuôi lồng của người dân bị chết hầu hết đều là những loại cá có giá trị thương phẩm cao như cá bớp, cá hồng đỏ, cá vẩu,.. có giá thành từ 170 – 180 nghìn đồng/kg. Sự việc khiến nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng nề, có nguy cơ trắng tay.

Theo một số hộ dân nuôi cá lồng ở khu vực cửa biển đầm Lập An, việc cá chết bất thường có thể là do nguồn nước bị ô nhiễm. Trước sự việc này, để cứu đàn cá của mình nhiều gia đình đã sử dụng biện pháp tạm thời là dùng các loại thuốc để thau rửa nguồn nước. Tuy số cá chết có giảm nhưng người dân vẫn rất hoang mang, lo lắng.

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã về tận nơi để lấu mẫu nước, mẫu cá chết để phân tích, tìm hiểu nguyên nhân.

Thế Trung

Thế Trung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/vu-ca-nuoi-long-chet-o-thua-thien-hue-thong-so-ph-trong-mau-nuoc-cao-hon-binh-thuong-260128.html