Vụ bé 2 tuổi bị bắt cóc, sát hại: Nghi phạm đã chết, vụ án sẽ giải quyết thế nào?

Với bị can đã chết, CQĐT sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can đó; khi đã làm rõ được tất cả vấn đề và xác định được chỉ mình bị can (đã chết) thực hiện hành vi phạm tội thì CQĐT đình chỉ điều tra vụ án.

Mới đây, Công an TP Hà Nội đã phát hiện, trục vớt một thi thể phụ nữ tại khu vực sông Đuống, địa phận xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Sau khi xác minh thì thi thể này được xác định là Giáp Thị Huyền Trang - nghi can đã bắt cóc và sát hại cháu NHT 2 tuổi.

Trước đó, Trang đã bị khởi tố về tội giết người. Cơ quan chức năng xác định, trên đường lẩn trốn, nghi can đã tự sát...

Vấn đề pháp lý mà nhiều bạn đọc thắc mắc là khi nghi can chết thì vụ án sẽ được giải quyết ra sao?

Bị can Trang ở thời điểm bắt cóc cháu bé 2 tuổi. Ảnh cắt từ màn hình

Luật sư Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam) phân tích: Trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết (khoản 7 Điều 157 BLTTHS 2015) thì theo khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015, CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra. Vì vậy, vụ án này, CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Trang. Bị can đã chết thì trách nhiệm về hình sự cũng chấm dứt.

Tuy nhiên, đối với vụ án đang được điều tra và còn nhiều điểm chưa rõ (ví dụ như chưa xác định được có đồng phạm hay không) thì trong trường hợp này CQĐT chỉ đình chỉ điều tra đối với bị can đã chết mà chưa đình chỉ điều tra vụ án. Còn khi đã làm rõ được tất cả vấn đề và xác định được chỉ có một mình bị can đã chết thực hiện hành vi phạm tội thì CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Cạnh đó, theo LS Hiệp, việc bị can chết và đình chỉ điều tra đối với bị can không đồng nghĩa chấm dứt về trách nhiệm bồi thường về dân sự với gia đình người bị hại. Bồi thường trong trường hợp này là bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm đến tính mạng của người khác khi gia đình người bị hại có yêu cầu. Mức bồi thường thiệt hại sẽ được căn cứ theo quy định của BLDS 2015 (Điều 591) và Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 6-9-2022 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Cụ thể hơn, theo LS Hiệp, trong trường hợp bị can đã chết nhưng họ có tài sản thì gia đình người bị hại có quyền khởi kiện để yêu cầu những người thừa kế của người phạm tội thực hiện nghĩa vụ thay người phạm tội trong phạm vi di sản thừa kế mà người phạm tội để lại. Lúc này, những người thừa kế của bị can đã chết phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản để lại.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-be-2-tuoi-bi-bat-coc-sat-hai-nghi-pham-da-chet-vu-an-se-giai-quyet-the-nao-post752913.html