Vụ bầu Kiên: Sẽ có thêm bị can mới?

Ngày 9/1, TAND TP.Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ vụ án kinh tế xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số doanh nghiệp (còn gọi là vụ "bầu" Kiên) để điều tra bổ sung. Dư luận cho rằng, hành động này là một việc làm cần thiết để các cơ quan tố tụng không lâm cảnh "nói câu nào, cãi câu ấy" như trong các phiên tòa xét xử các bị cáo "sừng sỏ" trước đó. Cũng không loại trừ sẽ xuất hiện thêm những người khác bị khởi tố...

Những trò ma thuật của "bầu" Kiên

Theo đó, Tòa yêu cầu điều tra, bổ sung thêm một số chứng cứ, tài liệu, tình tiết liên quan tới việc xác định tính chất, mức độ hành vi vi phạm của các bị can và một số người liên quan khác nhằm đảm bảo căn cứ cho quá trình giải quyết vụ án được đúng đắn, khách quan, toàn diện và đầy đủ, tránh bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

Theo cáo trạng trước đó, Nguyễn Đức Kiên (SN 1964) là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB từ năm 2003 đến tháng 8/2012; là Chủ tịch HĐQT ngân hàng này nhiệm kỳ 1994-2008. Vào năm 2007, "bầu" Kiên đã đề nghị HĐQT ngân hàng thành lập Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB và giữ chức danh Phó Chủ tịch. Mặc dù không được ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với chức danh này và là đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ của ngân hàng, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ngân hàng ACB.

Ngoài ra, "bầu" Kiên còn thành lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên của 6 công ty gồm công ty cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam; công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B (B&B); công ty cổ phần Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG); công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI); công ty cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI) và công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN). Nguyễn Đức Kiên trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động của các công ty này. Với quyền lực trong tay tại ACB và ở 6 công ty của mình, "bầu" Kiên đã "hô mưa gọi gió", thực hiện việc kinh doanh trái phép hàng chục nghìn tỷ đồng và nhiều hành vi phạm tội khác.

“Bầu” Kiên và vợ trong một hoạt động từ thiện.

Liên quan đến vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng này, VKSND Tối cao cũng truy tố 6 bị can khác, trong đó có 4 người nguyên là lãnh đạo ngân hàng ACB gồm: Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB; 4 người này đều bị truy tố về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Hai bị can Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến, là Giám đốc và Kế toán trưởng công ty CP đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cơ quan chức năng xác định, tổng số thiệt hại do các bị can trên gây ra trong vụ đại án này là gần 1.700 tỷ đồng.

Vợ và em gái ở đâu, khi "bầu" Kiên phạm tội?

Việc TAND TP.Hà Nội trả hồ sơ vụ "bầu" Kiên đã dấy lên trong dư luận một câu chuyện không mới, vốn đã được nhắc đến trong giai đoạn đầu của quá trình điều tra: Vợ và em gái ở đâu, khi "bầu" Kiên phạm tội bởi cả hai đều ít nhiều để lại "dấu chân" trong các phi vụ kinh doanh vàng trái phép của người đàn ông này.

Cụ thể, theo thông tin PV tìm hiểu được, vợ "bầu" Kiên là bà Đặng Ngọc Lan. Trước khi chồng sa cơ, bà Lan là Tổng giám đốc đầy quyền lực của Công ty B&B, nơi Nguyễn Đức Kiên đã dùng để thực hiện một loạt các hoạt động kinh doanh trái phép, còn Nguyễn Thúy Hương, em gái Kiên, cũng là cổ đông sáng lập.

Năm 2009, sau khi thu được tổng số tiền lãi hơn 100 tỷ đồng từ việc thực hiện hợp đồng kinh doanh vàng với ngân hàng ACB, theo chỉ đạo của chồng, bà Lan với tư cách là đại diện Công ty B&B đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Nguyễn Thúy Hương để chuyển cho Hương lần thứ nhất là hơn 78 tỷ đồng. Sau đó công ty B&B và Hương chỉ ký xác nhận khoản lợi nhuận với nhau là hơn 31 tỷ đồng. Thông qua việc ký hợp đồng này, bà Lan đã giúp cho "bầu" Kiên chuyển toàn bộ lợi nhuận doanh nghiệp thu được là hơn 100 tỷ đồng sang cho cá nhân bà Hương. Qua đó đã giúp Kiên thực hiện hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền khoảng 25 tỷ đồng.

Thế nhưng, trong quá trình làm việc với cơ quan công an, bà Lan khai rằng có ký các hợp đồng ủy thác và phân chia lợi nhuận giữa công ty B&B với Nguyễn Thúy Hương, nhưng trong thời điểm ký đang chuẩn bị sinh con nên không biết gì về việc kinh doanh vàng của công ty B&B. Mọi việc đều do "bầu" Kiên chỉ đạo và trực tiếp thực hiện. Còn bà Nguyễn Thúy Hương cũng khai nhận, tất cả đều do Kiên chỉ đạo, bà chỉ "làm giúp" và không tư lợi, số tiền được chuyển qua cũng trả về cho Kiên, cũng không tham gia vào quá trình kinh doanh.

Trước những lời khai đó và bản thân "bầu" Kiên cũng nhận hết trách nhiệm về mình, để đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật, cơ quan điều tra quyết định không khởi tố 2 người phụ nữ này.

Sẽ xuất hiện bị can mới?

Luật sư Vi Văn Diện (Giám đốc công ty Luật Thiên Minh, Hà Nội) đã đưa ra quan điểm cá nhân xung quanh động thái "trả hồ sơ để điều tra bổ sung" của TAND TP.Hà Nội.

Luật sư Diện cho biết: "Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một hoạt động tố tụng thường gặp, sẽ xảy ra khi vụ án xuất hiện các tình tiết mới hoặc vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng".

Theo lời vị luật sư đoàn Hà Nội, tại Thông tư liên tịch "Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung" đã quy định rõ các trường hợp sẽ phải trả hồ sơ, gồm: Xuất hiện những chứng cứ quan trọng mà nếu thiếu chứng cứ này thì không thể giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật; Có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác và có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác.

Trong đó, tòa án sẽ trả hồ sơ khi chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can (bị cáo) đã thực hiện cấu thành (có căn cứ để khởi tố) một hay nhiều tội khác. Hoặc ngoài bị can (bị cáo) đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy, còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác liên quan đến vụ án, nhưng chưa bị khởi tố bị can.

"Cùng với vụ án tham nhũng ở Vinalines, đây cũng là một trong những "vụ đại án về kinh tế" của nước ta được dư luận theo sát từng diễn biến nhỏ nhất. Ngày 7/1, Dương Chí Dũng đã gây chấn động khi trong phiên tòa xử em trai mình mới khai rằng có người mật báo cho mình bỏ trốn khiến TAND TP.Hà Nội phải ra quyết định khởi tố vụ án "làm lộ bí mật Nhà nước". Rất có thể các cơ quan tố tụng không muốn lặp lại sự việc hi hữu này thêm một lần nữa. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sau khi điều tra bổ sung, vụ án bầu Kiên sẽ xuất hiện thêm các bị can mới bị khởi tố", luật sư Diện bày tỏ quan điểm.

Long Nguyễn

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/vu-bau-kien-se-co-them-bi-can-moi-a122234.html