Vụ 2 tỉnh tranh chấp Hoành Sơn Quan: Chuyên gia gợi ý giải pháp gì?

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Hoành Sơn Quan đến nay vẫn chưa được ghi danh di tích quốc gia là một thiếu sót của cơ quan quản lý văn hóa

Tiến sĩ (TS) sử học Nguyễn Khắc Thái và Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Trai đã có chung đánh giá như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh câu chuyện giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh về việc tranh chấp Hoành Sơn Quan.

Di tích Hoành Sơn Quan, nơi Quảng Bình và Hà Tĩnh tranh chấp hơn 20 năm qua - ảnh Hoàng Phúc

Ông Nguyễn Ngọc Trai - cho rằng việc xác định ranh giới Hoành Sơn Quan thuộc Quảng Bình hay Hà Tĩnh do mâu thuẫn giữa yếu tố lịch sử xưa và địa giới hành chính ngày nay. Trong cuốn "Quảng Bình địa linh nhân kiệt" mà chính ông là tác giả cũng đã kiến giải về thông lệ và quy ước bắt buộc khi xây kiến trúc thành lũy mang tính quân sự hay kiểm soát.

Ông Trai đưa ra lý giải cổng thành hay cửa thành mà chính sử chép địa phương nào quản lý, đóng - mở cửa thì nghiễm nhiên thuộc địa phương đó. Các thư tịch cổ và hầu hết nhà nghiên cứu đều cho rằng Hoành Sơn Quan thuộc sự quản lý của tỉnh Quảng Bình từ xa xưa. "Đại Nam thực lục", "Đại Nam nhất thống chí", "Đồng Khánh dư địa chí"… cũng nêu rõ kiến trúc này thuộc địa phận Quảng Bình.

"Đó là những kiến trúc thành lũy từ xưa tới nay. Thời nhà Nguyễn, Vua cho xây Hoành Sơn Quan, dựng trại lính ở phía nam, giao cho Bố Chính (Quảng Bình) quản lý cửa thành để kiểm soát những người qua lại vào vùng đất Thuận Hóa (Thừa Thiên - Huế). Tuy nhiên, Hoành Sơn Quan hiện nằm trên địa phận Hà Tĩnh là do khi phân định địa giới hành chính đã vận dụng một cách máy móc quản lý nhà nước theo đường phân thủy mà không quan tâm đến không gian văn hóa, lấy ý kiến tham khảo từ các chuyên gia" - ông Trai nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trai, hiện Hoành Sơn Quan đang nằm "cô đơn" trên đỉnh đèo Ngang do chưa rạch ròi trong sự phân định là ai quản lý về mặt địa phận hành chính và di tích. Bởi vậy, Trung ương và 2 tỉnh cần sớm đưa ra một quyết định cụ thể là Hoành Sơn quan của Quảng Bình hay của Hà Tĩnh để sớm được công nhận là di tích cấp quốc gia. Từ đó sẽ có phương cách nhằm bảo vệ, bảo tồn và khai thác có hiệu quả.

Ngay sát di tích, người dân còn tự ý xây 1 miếu lớn - ảnh Hoàng Phúc

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái cũng nhìn nhận việc "dùng dằng" rồi "bỏ rơi" một di tích đặc biệt, đánh dấu sự phát triển của một giai đoạn đất nước như Hoành Sơn Quan vô tình tạo ra nhiều hệ lụy, làm tổn thương di tích.

"Thứ nhất, do không được quan tâm, bảo vệ, trùng tu nên di tích đang có dấu hiệu hoang phế, xuống cấp. Thứ hai, đang có tình trạng di tích bị xâm hại bởi một vài công trình của các cá nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực bảo vệ và không gian, cảnh quan của di tích. Thứ ba, vị trí di tích rất đặc biệt, không chỉ có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa gắn liền với hành trình phát triển dân tộc, mà cảnh quan nơi đây đúng một danh thắng trên dãy Hoành Sơn, nên nếu làm tốt, biết quan tâm đầu tư sẽ là một trị trí khai thác du lịch tiềm năng" - TS Thái phân tích.

Hoành Sơn Quan nhìn từ trên cao - ảnh Hoàng Phúc

TS Thái cho rằng ranh giới quốc gia mới vĩnh viễn, còn địa giới giữa các tỉnh thì có thể điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa từng địa phương, từng giai đoạn. Vì vậy, "việc cần làm ngay" đối với Hoành Sơn Quan là Trung ương sớm quyết định giao cho một trong hai địa phương Quảng Bình (quản lý theo đặc trưng văn hóa theo quy định của Luật Di sản) hay Hà Tĩnh (theo địa vực hành chính đương đại theo quy định của Luật Dân sự) để di tích sớm được xếp hạng, bảo tồn và phát huy tác dụng.

"Giao cho tỉnh nào cũng được vì là di tích quốc gia, 1 đơn vị quản lý và 2 địa phương cùng khai thác chung không sao cả. Nếu khai thác du lịch thì đó là điểm đến chung, khách ai thì người đó đưa đến di tích" – TS Thái gợi ý.

Tháng 3-1833, Vua Minh Mạng thiết lập cửa ải trên núi Hoành Sơn quan nhằm kiểm soát dân chúng, phòng kẻ gian qua lại, nên gọi với cái tên là "Hoành Sơn Quan" - người địa phương quen gọi là "Cổng Trời". Khách bộ hành dọc đường thiên lý bắc nam phải qua duy nhất cảnh cổng này.

Di tích này có kiến trúc thành lũy được còn khá nguyên vẹn là chứng tích hùng hồn về những thăng trầm của lịch sử, với vẻ trầm mặc, cổ kính, rêu phong.

Tháng 8-2002, Quảng Bình đã xếp hạng Hoành Sơn Quan là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đến tháng 3-2005, Hà Tĩnh cũng xếp hạng công trình này là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sau đó cả 2 tỉnh đều đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Hoành Sơn quan là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nhưng đều không được chấp nhận, bởi lý do tranh chấp.

Trải qua bao biến thiên di tích Hoành Sơn Quan cổ kính đang bị lãng quên nên dần xuống cấp và nguy cơ trở thành phế tích bởi sự tranh chấp giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh hơn 20 năm qua khiến ai chứng kiến cũng xót xa, tiếc nuối.

HOÀNG PHÚC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/vu-2-tinh-tranh-chap-hoanh-son-quan-chuyen-gia-goi-y-giai-phap-gi-20230907115634872.htm