VPBank sẽ là ngân hàng tư nhân lớn nhất khi lên sàn

Trong bối cảnh ngân hàng đang phát triển tốt, nhiều Ngân hàng TMCP đẩy mạnh việc lên sàn nhằm huy động vốn trong đó có Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB).

Hội thảo cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPBank

Còn 2 ngày nữa, VPB sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE).

Theo đó, hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VPB sẽ chính thức lên sàn vào ngày 17-8 tới với giá của ngày giao dịch đầu tiên là 39.000 đồng/cổ phiếu (CP). Với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu phổ thông niêm yết, giá trị vốn hóa của VPBank ước đạt 51.975 tỷ đồng, vượt qua vốn hóa thị trường của MBBank trở thành ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán.

39.000/CP được sự chấp nhận của thị trường

Với giá niêm yết ở mức 39.000 đồng/CP, có thể thấy VPB có mức giá cao nhất so với các CP ngân hàng đang niêm yết trên thị trường hiện nay.

Lý giải về việc này, tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPB chiều ngày 15-8, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, không phải ngân hàng tự mình đưa ra mức giá niêm yết mà mức giá trên được các nhà phân tích độc lập là các công ty chứng khoán chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư phân tích, mổ xẻ. Các tổ chức này đưa ra mức giá từ 37.000 đồng- 45.000 đồng /CP và cuối cùng VPBnak chọn ở mức 39.000 đồng/CP.

“Mức giá 39.000 đã được các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền mua, thậm chí một số nhà đầu tư còn mua với giá cao hơn mức giá này, nghĩa là giá này đã được sự chấp nhận của các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng sự chấp nhận của thị trường”- ông Vinh cho hay.

Là đơn vị tư vấn về giá cho VPB lên sàn, ông Digvijay Singh, Trưởng phòng cao cấp Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, không đối thủ nào sánh được với VPB trên các thị trường cận biên thế giới và khu vực về khả năng sinh lời, tăng trưởng, và vốn – VP Bank nằm trong số các ngân hàng tăng trưởng mạnh nhất trên các thị trường cận biên của thế giới và khu vực Đông Nam Á (giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD).

Đưa ra nhiều yếu tố để đưa ra nhận định trên, ông Digvijay Singh cho biết, hiện VPBank có Công ty con tài chính tiêu dùng FE Credit là “trang sức quý” vì với thị phần chiếm 48% và bảng cân đối kế toán tăng ít nhất 40% trong năm 2017. Ngoài ra, VPBank cốt lõi chỉ vừa mới bắt đầu tăng trưởng. Ngân hàng cốt lõi đầy hấp dẫn với ROE (ước đạt 17,1% so với trung bình ngành là 12,5%), NIM cao hơn so với các ngân hàng bán lẻ khác (4,4% so với 2,9%). Ngoài ra, quá trình chuyển đổi chiến lược nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đến năm 2018 với ban lãnh đạo mới và tập trung vào thêm các mảng bán lẻ, DN nhỏ và vừa, hộ gia đình… sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng thời gian tới.

Hút nhà đầu tư ngoại

Việc vốn ngoại đầu tư vào VPBank đang được cho là hiện tượng khi hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển tiền mua cổ phần VPBank để chính thức trở thành cổ đông khi VPBank lên sàn. Theo cáo bạch của ngân hàng này, hiện tỷ lệ nhà đầu tư ngoại đã chính thức lấp 22,34% tổng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài so với “room” quy định tối đa 30%. Trong đó, có nhiều tên tuổi lớn như GIC, Deccan, Clermont, Dragon Capital…

Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, đến nay có hơn gần 80 nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền để cổ phiếu của VPBank với giá 39.000 đồng/CP, bằng mức giá chào sàn của VPBank trên HOSE vào ngày 17-8 này.

Ông Vinh cũng cho biết, HĐQT của ngân hàng cũng khá bất ngờ khi có những nhà đầu tư nước ngoài đàm phán và sẵn sàng trả mức giá cao hơn nữa để mua thêm. Hiện VPBank đang hoàn thiện nốt thủ tục cuối cùng để phát hành cổ phiếu mới dưới dạng riêng lẻ nhằm đảm bảo cho các nhà đầu tư trở thành cổ đông của VPBank trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Vinh, việc nhà đầu tư ngoại mua cổ phiếu của ngân hàng Việt là không phải vấn đề đơn giản. “Trước khi quyết định mua, nhà đầu tư chất vấn từng lãnh đạo phụ trách các khối, bộ phận riêng lẻ; tiếp xúc các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng. Và sau nhiều cuộc giải đáp, thương thảo, VPBank cũng nhận thêm được những góp ý, chất vấn sau khi các nhà đầu tư sử dụng các kênh đánh giá chuyên nghiệp”- ông Vinh cho biết.

Thực tế sức hút của VPBank cũng là điều dễ hiểu khi nhìn vào các chỉ tiêu tài chính nổi trội của ngân hàng này. Theo bản cáo bạch vừa công bố của VPBank cho thấy, VPBank là ngân hàng chỉ nằm trong top 10 về tổng tài sản, vốn huy động, dư nợ cho vay và vốn điều lệ.

Cụ thể, nếu xét riêng nhóm 11 ngân hàng niêm yết thì VPBank có tổng tài sản, dư nợ cho vay và huy động vốn đứng thứ 8 sau BIDV, VietinBank, Vietcombank, Sacombank, MB, SHB và ACB, đồng thời cao hơn Eximbank, VIB, NCB và Kienlongbank. Còn riêng về vốn chủ sở hữu thì đứng thứ 6 sau VietinBank, Vietcombank, BIDV, MB và Sacombank.

Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh của VPBank cũng khá tích cực. Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của VPBank xét về con số tuyệt đối chỉ kém 3 ngân hàng lớn nhất là Vietcombank, VietinBank và BIDV.

Về khả năng sinh lời, VPBank đang có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân cao nhất thị trường. Tại thời điểm năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) của VPBank là quanh 27 – 28%, gấp trên dưới 4 lần so với của 3 ngân hàng lớn nhất là Vietcombank, BIDV và VietinBank và gấp cả chục lần so với các ngân hàng khác. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của VPBank cũng đạt mức cao nhất. Tổng hợp số liệu từ báo cáo năm 2016 cho thấy ROA của ngân hàng này khoảng 1,7% trong khi đối thủ cạnh tranh gần nhất là MB chỉ đạt 1,1%. Trong nhóm cổ phần Nhà nước, Vietcombank có ROA cao nhất cũng chỉ đạt 0,9%.

VI QUÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vpbank-se-la-ngan-hang-tu-nhan-lon-nhat-khi-len-san-461831.html