Vọng mãi tiếng trống tuồng

Cả một đời gắn bó với những tiếng trống tuồng, với những vai diễn trên sân khấu tuồng, trong bất kì vai diễn nào, ông cũng thể hiện diễn xuất xuất thần bằng cả sự say mê tột cùng. Ông chính là nghệ nhân hát tuồng Hà Mẹo. Những vai diễn của ông qua thời gian đã thực sự làm say lòng khán giả...

Nghệ nhân Hà Mẹo (phải) trong vai Tạ Lôi Nhược tại Liên hoan trích đoạn tuồng Đào Tấn năm 2015

Nghệ nhân Hà Mẹo (phải) trong vai Tạ Lôi Nhược tại Liên hoan trích đoạn tuồng Đào Tấn năm 2015

Nghề chọn người

Lớn lên ở một vùng quê thuộc huyện Tuy Phước, quê hương của bậc hậu tổ tuồng Đào Tấn, tuổi thơ nghệ nhân Hà Mẹo gắn bó với sân khấu tuồng. Có những hôm ông trốn ăn cơm chiều, đến điểm diễn sớm để chọn được chỗ ngồi gần sân khấu. Ông rất khoái nghe các đào kép tuồng ngân lên “như ta đây...”, rồi “ứ...ự, ừ ư...”. Dù tuổi còn nhỏ nhưng niềm đam mê tuồng trong ông lớn đến nỗi mỗi khi đến với sân khấu tuồng, ông không chỉ xem kỹ từng động tác biểu diễn mà còn theo dõi từng nét biểu cảm của diễn viên ứng với mọi tình huống và nghe như muốn nuốt luôn từng điệu hát. Bây giờ mặc dù đã tròm trèm tuổi 80 nhưng trông ông vẫn tráng kiện, hoạt bát lắm, nhất là khi nhắc đến chuyện hát tuồng thì ông cứ như bị cuốn vào vòng xoáy đam mê đã bám riết cuộc đời ông suốt 60 năm qua.

Hôm chúng tôi gặp ông tại nhà ở thôn Trung Thành, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước – Bình Định, ông hì hà mà rằng: “Hình như tui vướng duyên với hát tuồng từ khi còn nằm trong bụng mẹ nên khi vừa có trí khôn là đã biết mê hát tuồng rồi cháu à! Có những đêm tui nằm mơ thấy mình được diễn những vai ưa thích, tỉnh ra cứ bần thần tiếc rẻ!”. Những năm tháng tuổi thơ gắn liền với những đêm say mê xem hát bội nơi làng quê, nên khi bước vào tuổi thiếu niên, Hà Mẹo bắt đầu “tầm sư học tuồng”. 18 tuổi, Hà Mẹo tìm đến ông Bầu Bồng, nhà ở sát cạnh cổng Lý Môn, làng Vinh Thạnh, quê hương của bậc hậu tổ tuồng Đào Tấn để học hát. Nhập môn, chàng học trò nhà quê được thầy tuồng Bầu Bồng dạy cho vai diễn Trương Liêu trong vở “Trương Phi thủ Cổ Thành”. Ngay thời gian đầu học nghề, Hà Mẹo đã khiến thầy tuồng phải ngỡ ngàng vì khả năng hóa thân của ông vào nhân vật rất nhanh. “Tui may mắn có được thiên tư đối với nghệ thuật hát bội. Được xem các nghệ nhân tài danh diễn nhiều vai rất hay, cứ ước mơ mình sẽ làm được như thế. Và niềm đam mê ấy đã trở thành động lực thúc đẩy tui quyết tâm học hỏi, rèn luyện để biến ước mơ hát tuồng của mình trở thành hiện thực” – nghệ nhân Hà Mẹo chia sẻ chân thành.

Sau 2 năm theo học Bầu Bồng, nắm bắt kiến thức cơ bản, nền tảng nghệ thuật tuồng đặc trưng của Đào Tấn, Hà Mẹo lại tay nải tay xách tìm đến làng võ An Thái – xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn - Bình Định để bái sư Bầu Đồ, một nghệ sĩ tuồng bị mù đầy tài năng. Nghệ sĩ Hà Mẹo tâm tình: “Ông Bầu Đồ tuy mù nhưng có cách nói lối và cách diễn rất độc đáo. Nói thiệt, tui mê nhất là khi thầy đóng vai nhân vật Trình Giảo Kim trong vở “Tiết Đinh San chinh Tây” nên tui quyết tâm theo học cho bằng được”. Qua nhiều năm vừa học, vừa tham gia biểu diễn trong gánh hát của thầy Bầu Đồ, kép Hà Mẹo đã khá dày dạn kinh nghiệm, được giới hát tuồng đánh giá cao. Thế nhưng ông không hề tự mãn, mà trái lại vẫn luôn đau đáu với chuyện hoàn thiện nghề.

Với khát khao được học hỏi nhiều hơn nữa trong cái nghiệp “ứ ự, ừ ư...”, ông lại khăn gói tìm đến, xin diễn trong gánh hát của ông Cửu Vị ở vùng “Tây Sơn hạ đạo” huyện Tây Sơn – Bình Định. Cửu Vị là danh ca trong làng hát tuồng ngày ấy ở Bình Định mà đến tận bây giờ tiếng tăm của ông vẫn còn được dân gian truyền tụng “Cửu Vị đóng Lý Phụng Đình/ Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi...”. Sau khi gia nhập gánh hát của Cửu Vị, Hà Mẹo quyết tâm học cho bằng được nghệ thuật nhập vai lão của ông bầu nổi tiếng này. Vậy là mỗi khi Cửu Vị lên sân khấu diễn, bên trong cánh gà, Hà Mẹo ngồi nhập tâm từng động tác, từng nét biểu cảm trên gương mặt. Những lúc đoàn hát vắng người, Mẹo một mình đứng trước gương tự diễn những vai lão rất đặc sắc học được từ ông Cửu Vị. Và rồi trong một đêm diễn, gánh hát của ông Cửu Vị thiếu mất người thủ vai Hoàng Công trong vở “Thiên hương quốc sắc”. Trong lòng cho rằng đây là cơ duyên của mình “lên lão” trên sân khấu, nên Mẹo liền đánh lời với chủ gánh hát để xin được đảm nhiệm vai này: “Xin thầy cho con sắm vai lão Hoàng Công thử một lần được không?”. Ông Cửu Vị giãy nãy: “Mày học vai này hồi nào mà đòi diễn?”. Mẹo rằng: “Con xem thầy diễn rồi học lóm!”. Ở trong thế chẳng đặng đừng, lại thấy sự tự tin của học trò Hà Mẹo, ông Cửu Vị gật đầu. Sau đêm diễn ấy, thầy Cửu Vị đã ôm lấy cậu học trò Hà Mẹo mà khen: “Mới 30 tuổi mà đã đóng vai lão tốt đến vậy! Mày thật đáng khen đó, Mẹo à!”.

Nghệ sĩ của nhà nông

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nghệ nhân Hà Mẹo được Nhà hát tuồng Nghĩa Bình tuyển dụng. Khi ấy, Nhà hát tuồng Nghĩa Bình là nơi hội tụ của các danh ca tuồng như: Hoàng Chinh, Tư Cá, Long Trọng...Được biểu diễn bên cạnh những bậc thầy hát tuồng, Hà Mẹo cho rằng ông không còn gì may mắn hơn và xin họ chỉ dạy thêm những “mánh lới” trong nghề để tiếp tục hoàn thiện diễn xuất của mình.

Thế nhưng vào thời điểm đó, người dân thành phố Quy Nhơn chẳng mấy khi đi xem hát tuồng, do đó những đêm diễn của Nhà hát tuồng Nghĩa Bình cũng hiếm hoi theo. Vì vậy, các diễn viên cứ “đói” dài dài. Đến năm 1981, trước nỗi thúc bách cơm áo gạo tiền, để san sẻ gánh nặng cùng vợ đang phải nuôi 7 người con ở nhà, ông quyết định rời Nhà hát tuồng Nghĩa Bình để đầu quân cho các gánh hát không chuyên và trở thành nghệ sĩ của nhà nông. Dẫu cả ngày cơ cực lo chuyện đồng áng nhưng dân quê lại mê tuồng. Hễ đêm nào có đoàn hát về là dân ta cứ í a í ới rủ nhau đi xem nườm nượp. Nhờ đó, dù là gánh hát không chuyên nhưng lại dày đêm diễn nên các diễn viên có thu nhập.

Suốt những năm tháng biểu diễn cho những đoàn tuồng không chuyên, nghệ nhân Hà Mẹo đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng những người hâm mộ “chân đất” về sự đa năng có thể diễn tốt cả vai trung lẫn vai nịnh, đặc biệt xuất sắc khi diễn vai lão. Trên sân khấu tuồng, ông từng làm vương, làm tướng trong các vai diễn thật oai phong, lẫm liệt. Làm vương thì đầy uy quyền, làm tướng thì rất dũng mãnh nhưng gặp ông ngoài đời, trông ông thật bình dị chẳng khác chi một bác nông dân đích thực. Ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định nhận xét: “Trong nhiều vai diễn hay và đa dạng của nghệ nhân Hà Mẹo, tôi thích nhất vai Trình Giảo Kim. Ở vai diễn này, ông đã vận dụng nghệ thuật biểu diễn một cách thuyết phục. Ngoài những nét truyền thống ông học được từ những người thầy nổi danh, ông còn có sáng tạo riêng để thể hiện nhân vật một cách sâu sắc, lôi cuốn người xem. Ngoài nghệ nhân Minh Đô có sự am hiểu tuồng cổ nhưng già yếu không diễn được thì nghệ nhân Hà Mẹo là nghệ nhân cao tuổi thứ 2 còn lại ở Bình Định hiện nay. Hà Mẹo vẫn còn giữ được những kỹ năng biểu diễn được chỉ dạy bài bản từ những bậc thầy danh ca, đồng thời ông cũng là người còn tâm huyết tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân...”.

60 năm trôi qua, chưa khi nào nghệ nhân Hà Mẹo ngừng nghỉ sự nghiệp biểu diễn. Hiện tại ở Bình Định đang có hàng chục đoàn tuồng không chuyên hoạt động, nằm rải rác tại nhiều địa phương. Đoàn nào cũng cần sự có mặt của nghệ nhân Hà Mẹo trong những đêm diễn để thu hút khán giả. Vậy là ông có mặt khắp nơi, xuất hiện với nhiều vai diễn và vai diễn nào cũng “hút hồn” người xem. Nghệ nhân Hà Mẹo bộc bạch: “Tui đi diễn không chỉ trong tỉnh, mà lên đến Tây Nguyên, ra Quảng Ngãi, rồi tận Bình Thuận, Sài Gòn, Vũng Tàu. Đoàn nào thiếu vai, gọi điện mời là tui lên đường ngay, chẳng cần biết họ trả công cho mình như thế nào. Do bị say xe nên khi nào xa lắm tui mới đi xe đò, gần thì khoảng 100 – 200 cây số là tui cứ xe máy chạy túc tắc đến điểm diễn”.

Trong ký ức của nghệ nhân Hà Mẹo vẫn còn nguyên những đêm thức trắng, vất vả với chiếc xe máy chạy cả đêm để kịp đến hát ở những lễ hội của những vùng quê biển thuộc các huyện Phù Cát, Phù Mỹ diễn ra lúc 2 – 3 giờ sáng. Nhưng khó quên nhất là chuyến đi hát ở huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi. Nghệ nhân Hà Mẹo kể, năm ấy ông đã 75 tuổi, nhưng có đoàn hát mời ông đi đảo Lý Sơn biểu diễn, ông nhận lời ngay. Sợ say xe, ông chạy xe máy hơn 200 cây số từ Tuy Phước – Bình Định ra đến cảng Sa Kỳ huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), ngủ lại ở cảng một đêm, sáng sớm hôm sau ông gửi xe máy tại cảng, lên tàu cao tốc đi ra Lý Sơn thực hiện chuyến biểu diễn dài ngày. “Tui vốn say xe, lên cao tốc đi Lý Sơn, tui càng say dữ, trên tàu nôn thốc nôn tháo. Bước lên cầu cảng mà người cứ bay bổng, đi như đi trên mây, tui tưởng phải nằm bẹp mấy ngày rồi ấy chứ. Vậy mà khi giao vai diễn, tui khỏe lại ngay. Tối đó lên sân khấu ngon ơ à!” – nghệ nhân Hà Mẹo nhớ lại.

Các đoàn tuồng không chuyên thường xuyên mời một cụ già đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy” như nghệ nhân Hà Mẹo không phải để “chữa cháy” mà họ thực sự cần một diễn viên tâm huyết, giỏi nghề để thể hiện những vai diễn khó, được khán giả mến mộ. Tại Liên hoan trích đoạn tuồng Đào Tấn năm 2015, dù diễn xuất không nhiều nhưng nghệ nhân Hà Mẹo vẫn gây ấn tượng với vai Tạ Lôi Nhược trong trích đoạn “Kim Lân thượng thành” của Đoàn tuồng An Nhơn 1. Vai diễn này, ông đã được Ban tổ chức Liên hoan trao tặng giải “Nghệ nhân cao tuổi và diễn hay”. Anh Hoàng Việt, nghệ sĩ tuồng, con trai của “đệ nhất danh ca” Hoàng Chinh nhận xét: “Nghệ nhân Hà Mẹo diễn vai Tạ Lôi Nhược hay và thể hiện được chất riêng của nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Lớp nghệ nhân cùng thời với ba tôi đã lần lượt qua đời hết, chỉ còn nghệ nhân Hà Mẹo vẫn lao động nghệ thuật bền bỉ, diễn tốt trên sân khấu ở tuổi này quả thật hiếm có!”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/vong-mai-tieng-trong-tuong-3886626-b.html