'Vòng kim cô' kìm hãm tín dụng tiêu dùng

Mặc dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức một cách nhanh chóng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, nhưng hoạt động của các công ty tài chính đang gặp nhiều khó khăn do cả yếu tố kinh tế vĩ mô và thiếu hành lang pháp lý.

Bị hiểu nhầm là “tín dụng đen”

Trong những năm qua, tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đã ghi nhận sự mở rộng mạnh mẽ về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Các công ty tài chính đã phủ rộng đến các phân khúc khách hàng đại chúng chưa hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản bảo đảm….

Tài chính tiêu dùng cũng kích thích nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân, qua đó giúp các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa, kích thích sản xuất và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Nhiều Công ty tài chính được Nhà nước cấp phép khốn đốn vì bị hiểu nhầm hay đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.

Nhiều Công ty tài chính được Nhà nước cấp phép khốn đốn vì bị hiểu nhầm hay đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.

NHNN hiện đã cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

Tuy nhiên từ khoảng đầu năm 2020, thị trường tài chính tiêu dùng phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu.

Đơn hàng giảm, người lao động mất việc buộc phải thắt lưng buộc bụng, nhu cầu tiêu dùng giảm đi, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính tiêu dùng. Người dân hạn chế nhu cầu vay mới để chi tiêu. Khách hàng đang có dư nợ đứng trước nguy cơ giảm lương, mất việc làm nên không có khả năng trả nợ.

Nhiều yếu tố khác tác động đến thị trường tài chính tiêu dùng diễn ra cùng một lúc khiến thị trường tài chính tiêu dùng “rơi đáy”.

Bên cạnh đó, có một thực là các công ty tài chính đang nỗ lực đưa người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, thoát “bẫy tín dụng đen”. Tuy nhiên hoạt động/thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép lại đang bị hiểu nhầm hay đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.

Chính điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty. Đặc biệt, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.

“Nhiều khách hàng muốn vay các công ty tài chính chính thống qua ứng dụng nhưng không thể phân biệt và lựa chọn được ứng dụng cho vay uy tín. Ngoài ra, đối với các trường hợp nghi ngờ gian lận, nhân viên công ty cũng không thể liên hệ để xác minh, xử lý khiếu nại cho khách hàng vì khách hàng cho rằng đó là các cuộc gọi lừa đảo. Vì vậy, công ty đang rất loay hoay để giải quyết bài toán này”, Đại diện FE Credit chia sẻ.

Khó khăn chồng chất, nhất là hoạt động thu nợ

Ngoài các yếu tố mang tính vĩ mô và chu kỳ kinh tế, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các công ty tài chính tiêu dùng gặp khó trong thời gian qua là việc quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng và quan điểm không tích cực của nhiều người đối với lĩnh vực này.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất của các công ty tài chính sau khi ngấm đòn từ dịch Covid-19 và hệ lụy do khó khăn của kinh tế kéo dài từ năm ngoái đến nay, nhất là hoạt động thu nợ.

Công tác thu hồi nợ của các Công ty tài chính gặp nhiều khó khăn khi xuất hiện tình trạng "bùng nợ" có tổ chức.

Công tác thu hồi nợ của các Công ty tài chính gặp nhiều khó khăn khi xuất hiện tình trạng "bùng nợ" có tổ chức.

Đáng chú ý, tỉ lệ khách vay không trả nợ, thậm chí rủ nhau "bùng nợ" ngày càng cao trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện càng khó thực hiện vì đa số các khoản nợ giá trị thấp. Trong bối cảnh đó, các công ty tài chính hiện không dám mạnh tay cho vay tiêu dùng vì lo khó thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, các công ty tài chính đang gặp nhiều khó khăn, nhất là hoạt động thu nợ. Việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường. Vừa qua, lực lượng công an đã vào cuộc rất tích cực, góp phần trấn áp tội phạm tín dụng đen, xử lý nghiêm các đối tượng đòi nợ thuê.

Tuy nhiên, với việc gần đây các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, một trụ sở, chi nhánh, văn phòng mở rộng của các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, một số khách hàng cố tình vin vào những tin tức này để tẩy chay, cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các CTTC tiêu dùng này là phạm pháp, chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc no nhiều lần.

Tỷ lệ khách vay "không trả nợ" ngày càng cao; trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp. Thêm vào đó, gần đây xảy rahiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các CTTC (đến 31.12.2022, nợ xấu của các CTTC được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng 23,09% so với thời điểm 31.12.2021 và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới).

Bên cạnh đó, nhân viên thu hồi nợ của CTTC bị ảnh hưởng tâm lý về việc bị đe dọa ngược từ khách hàng, hoang mang, lo lắng vì nhiều thông tin trái chiều (bắt bớ, điều tra, từ kiểm tra của cơ quan chức năng). Tỷ lệ nhân sự nghỉ việc cao, tuyển dụng nhân sự khó khăn hơn trước, do nhiều nguyên nhân như định kiến xã hội về công việc, rủi ro tính mạng khi tác nghiệp, tác động của gia đình...

Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các CTTC tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp đến người đi vay.

Theo Ths. Phạm Huy Phong, chuyên gia tài chính, với thực trạng nêu trên, bên cạnh việc xử lý nghiêm các vụ việc đòi nợ theo hình thức “xã hội đen” vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng cần nghiêncứu cơ chế chính sách để giúp các công ty tài chính có hành lang pháp lý trong việc thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật cũng như những quy định để người vay bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình cho các công ty tài chính. Vì chỉ khi đảm bảo thu hồi được các khoản cho vay các công ty tài chính mới có thể phát triển một cách bền vững. Từ đó, mới có thể là một kênh giúp người dân tiếp cận nguồn vốn chính thức một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Cần ngay những giải pháp kịp thời

Hiệp hội ngân hàng mới đây cũng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các công ty tài chính tiêu dùng. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó, đưa công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng.

Lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang cấp thiết cần một hành lang pháp lý minh bạch rõ ràng để có thể phát triển bền vững, góp phần giúp người dân tiếp cận nguồn vốn chính thức dễ dàng, đẩy lùi "tín dụng đen".

Lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang cấp thiết cần một hành lang pháp lý minh bạch rõ ràng để có thể phát triển bền vững, góp phần giúp người dân tiếp cận nguồn vốn chính thức dễ dàng, đẩy lùi "tín dụng đen".

Chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp để thực hiện tốt các chính sách về tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tín dụng tiêu dùng, phối hợp để thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho nông dân, công nhân và người dân lao động có thu nhập thấp; tiếp tục siết chặt, kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp có hoạt động cho vay, thu hồi nợ không đúng quy định pháp luật.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng, tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai (ví dụ: quy định tỷ lệ nợ xấu chuẩn cho công ty tài chính ở mức cao hơn để phù hợp với đặc thù phân khúc khách hàng đa số dưới chuẩn, cho vay không có tài sản bảo đảm ...).

Nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng; các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.

Đẩy mạnh truyền thông danh sách các Công ty tài chính (CTTC) được NHNN cấp phép hoạt động và quản lý, để khách hàng hiểu được và không “đánh đồng” CTTC với các Công ty cho vay tiền qua App mạng, tín dụng đen; truyền thông rộng rãi, chính thống tới người dân về nghĩa vụ trả nợ, những rủi ro khi vay không trả đúng hạn.

Tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty tài chính, nhất là việc thu hồi nợ, bán nợ, thuê tư vấn dịch vụ pháp lý... nhằm uốn nắn kịp thời, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan công an lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với những công ty biểu hiện vi phạm.

Xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng CTTC tiêu dùng trên cơ sở đề nghị của CTTC tiêu dùng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, đặc biệt đối với CTTC tiêu dùng đã tham gia các gói tín dụng ưu đãi, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Xem xét cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho một số CTTC tiêu dùng chẳng hạn như với các CTTC tiêu dùng hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước có

thể xem xét cho vay vốn với lãi suất ưu đãi qua đó giúp giảm lãi suất vay cho khách hàng và các CTTC tiêu dùng này có thể tiếp tục tham gia các gói tín dụng ưu đãi ý nghĩa khác.

Đối với Bộ Công an, kiến nghị điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng “tín dụng đen” bất hợp pháp, các tổ chức đòi nợ thuê “tín dụng đen”; phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phương thức, hậu quả của “tín dụng đen” để người dân hiểu, cảnh giác và không tham gia.

Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Triển khai các hoạt động kiểm tra, khám xét (nếu có) theo đúng trình tự của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các Công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Thông tin đến người dân về tính chất của các cuộc kiểm tra hành chính, tránh gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động tại chính các CTTC hoạt động tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Xem xét tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp việc thẩm định, xác minh thông tin khách hàng trong quá trình xét cấp tín dụng được đầy đủ, chính xác và kịp thời, tiết kiệm nguồn lực cho các TCTD cũng như cả xã hội.

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, kiến nghị khuyến khích các cơ quan báo chí định hướng dư luận, có nhiều bài viết tuyên truyền, phổ biến để người dân yên tâm, tiếp cận tài chính tiêu dùng từ các nguồn tín dụng tiêu dùng chính thức, qua đó phòng tránh được nạn tín dụng đen.

Tú Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/vong-kim-co-kim-ham-tin-dung-tieu-dung-i346295/