Vốn ngoại góp vào FPT Shop gần 600 tỷ đồng

​Cả hai quỹ lớn là Dragon Capital và VinaCapital đã nắm 35% vốn của FPT Retail, công ty mẹ của FPT Shop.

Tháng 8 năm nay tập đoàn FPT chính thức công bố thoái vốn thành công tại FPT Retail, công ty có doanh thu chủ yếu từ hệ thống FPT Shop. FPT bán 30% cổ phần cho các quỹ đầu tư, đồng thời 5% cổ phần từ các cổ đông cá nhân tại FPT Retail cũng được bán cho các quỹ này, tổng cộng 35% vốn FPT Retail đã được chuyển cho các quỹ ngoại.

Một siêu thị FPT Shop - Ảnh: H.Đ

Theo thông tin mới cập nhật, Dragon Capital dẫn đầu một nhóm quỹ mua lại 20% cổ phần FPT Retail (tương đương 4 triệu cổ phiếu), trong khi đó VinaCapital giữ 15%. Tất cả các bên đều không công bố giá trị các thương vụ.

Tuy nhiên, trong báo cáo hồi tháng 8, VinaCapital cho biết quỹ này chi ra 11 triệu USD trong giao dịch với FPT. Như vậy với 20% cổ phần, nhóm Dragon Capital chi số tiền tương đương khoảng 14,7 triệu USD. Tổng cộng các quỹ ngoại đã góp 25,7 triệu USD - gần 600 tỷ đồng - trong vốn điều lệ của FPT Retail, chiếm 35%.

Như vậy sau thời gian thuộc sở hữu của FPT, FPT Retail nay đã được các quỹ ngoại tham gia góp vốn. Trước FPT Shop, chuỗi Thế Giới Di Động cũng nhận được dòng vốn ngoại qua nhiều đợt, tiêu biểu từ quỹ Mekong Capital. Đến nay, Thế Giới Di Động có 49% cổ phần do nước ngoài nắm giữ. Kể từ khi có yếu tố nước ngoài, Thế Giới Di Động giàu tiềm lực hơn để thực hiện các kế hoạch kinh doanh của họ, nhiều người kỳ vọng FPT Shop sẽ làm được điều tương tự.

Trước khi nhận đầu tư từ các quỹ ngoại, FPT và FPT Retail đều đã thông báo tìm kiếm nhà đầu tư. Ban đầu, lãnh đạo FPT Shop cho biết sẽ tìm các nhà đầu tư có kinh nghiệm bán lẻ, kinh nghiệm thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ hệ thống này trong việc mở rộng kinh doanh; lãnh đạo công ty hạn chế ý định bán cổ phần cho nhà đầu tư tài chính đơn thuần. Tuy nhiên đến thời điểm này, 35% cổ phần FPT Retail đều do các nhà đầu tư tài chính nắm giữ.

Hồi tháng 8, bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc FPT Retail - cho biết đã có các đối tác bán lẻ nước ngoài tiếp cận FPT Shop tuy nhiên có vẻ không đạt được các điều khoản nên thương vụ không thành.

Thời điểm đó bà Điệp cho biết chưa có thay đổi trong ban giám đốc hay ban quản trị FPT Retail sau sự tham gia của quỹ ngoại. Thông thường các cổ đông tổ chức lớn sẽ cử đại diện vào hội đồng quản trị công ty họ đầu tư vào. Thế Giới Di Động cũng có thành viên hội đồng quản trị là người nước ngoài đại diện cho quỹ đầu tư.

Chưa tìm được nhà đầu tư cùng ngành có kinh nghiệm chưa hẳn là một điều không tốt với FPT Shop. Với các nhà đầu tư thuần tài chính hiện nay, lãnh đạo FPT Shop có lẽ sẽ ít bị chi phối hơn trong kế hoạch phát triển mở rộng kinh doanh, tuy vậy họ sẽ chịu áp lực mang về doanh thu, lợi nhuận tốt để đẹp lòng các nhà đầu tư.

FPT Retail hiện là nhà bán lẻ lớn thứ hai tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2017, FPT Retail đạt doanh thu 8,094 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Chuỗi bán lẻ này đang vận hành 445 cửa hàng trên toàn quốc.

Hải Đăng

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/hoi-nhap/von-ngoai-gop-vao-fpt-shop-gan-600-ty-dong-160085.ict