Vốn ngoại đổi màu và cơ hội của chứng khoán

Từ đầu năm 2016 đến nay, theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose), nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra lượng cổ phiếu trị giá tổng cộng 59.744 tỉ đồng và mua vào 49.055 tỉ đồng, bán ròng 10.689 tỉ đồng, tương đương 479,3 triệu đô la Mỹ. Đây là mức bán ròng mạnh nhất trong thời gian hơn tám tháng kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, nó gần gấp 5 lần giá trị mua ròng của họ cả năm ngoái.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến của thị trường chứng khoán. Ảnh: T.L

Nước ngoài đã bắt đầu bán ròng mạnh từ tháng 12-2015. Tháng cuối cùng của năm ngoái họ bán ra 7.306 tỉ đồng và mua vào 5.311 tỉ đồng, bán ròng gần 2.000 tỉ đồng. Xu hướng này tiếp diễn trong những tháng đầu năm và chỉ riêng tháng 8-2016 mức bán ròng được nâng lên gần 1.900 tỉ đồng. Các cổ phiếu bị bán ra mạnh và liên tục hầu hết là blue-chips như MSN, VIC, BID, CTG, HPG, HSG, VCB, MWG... Ngay cả trước khi VNM nới room lên 100%, khi thị giá cổ phiếu này vượt qua mốc 150.000 đồng (trước khi chia cổ phiếu thưởng và trả cổ tức), khối ngoại đã “nói lời chia tay” với VNM bằng động thái bán ra không ngưng nghỉ.

Vì sao khối ngoại lại bán ròng trong năm nay và bán một cách mạnh mẽ sau nhiều năm mua ròng (lúc nhiều lúc ít)? Phải chăng thị giá cổ phiếu ở Việt Nam đã quá cao so với các nước khu vực? Câu trả lời trước hết mang tính kỹ thuật. Thứ nhất năm nay là năm một số quỹ ngoại (quỹ đóng) phải đóng quỹ và chuyển tiền về nước. Có quỹ đáng ra phải đóng từ năm ngoái, nhưng đã lần lữa đến năm nay, chờ đợi thanh khoản thị trường tốt hơn và thị giá cổ phiếu cao hơn. Năm nay bình quân thanh khoản của sàn Hose đã đạt mức trên 100 triệu đô la Mỹ/ngày, còn thấp hơn 5-7 lần so với thanh khoản bình quân thị trường chung khu vực Asean, nhưng đã cải thiện đáng kể so với chính nó vài năm trước.

Nước ngoài đã bắt đầu bán ròng mạnh từ tháng 12-2015. Tháng 12 của năm ngoái họ bán ra 7.306 tỉ đồng và mua vào 5.311 tỉ đồng, bán ròng gần 2.000 tỉ đồng. Trào lưu này tiếp diễn trong những tháng đầu năm và chỉ riêng tháng 8-2016 mức bán ròng được nâng lên gần 1.900 tỉ đồng.

Xét về giá, một số blue-chips mà họ cần thoái vốn đã đạt thị giá cao nhất từ khi niêm yết như VNM, HPG, MWG, VIC, VCB. Chỉ có giá MSN đang thấp nhất trong vòng năm năm qua. Bù lại thanh khoản của MSN được gia tăng lên mức cả triệu đơn vị/ngày. Nhiều tổ chức ngoại đã nắm giữ MSN quá lâu ở mức giá thấp và khi giá cổ phiếu đã không thể quay lại mức đỉnh của năm năm, họ có xu hướng bán ra chốt lời.

Thứ hai một số quỹ đầu tư nước ngoài có thể thay đổi nhà đầu tư và trong trường hợp đó, họ cần đánh giá lại giá trị tài sản ròng tính bằng tiền, nên họ bán ra cổ phiếu. Khi bán xong, họ có thể mua lại chính những cổ phiếu đã bán và bắt đầu khởi động lại một chu kỳ mới của quỹ.

Mặt khác, khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang chảy vào các doanh nghiệp lớn chưa niêm yết, các lĩnh vực được nhận định là nổi trội của nền kinh tế như bán lẻ, công nghiệp chế biến, cơ sở hạ tầng và chờ đón đầu những “ông lớn” chuẩn bị cổ phần hóa như MobiFone hoặc Nhà nước đã lên kế hoạch thoái vốn với tỷ lệ lớn như Habeco, Sabeco. Trên sàn hiện tại không dễ để tìm những doanh nghiệp tầm cỡ, đủ sức tiếp nhận dòng nguồn vốn hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Sự rút lui của thế hệ quỹ cũ có thể sẽ dọn đường cho một thế hệ quỹ mới tiếp theo. Thực lực tài chính của thế hệ quỹ mới đến đâu phụ thuộc vào chính thị trường Việt Nam. Chứng khoán Việt sẽ ở mức nào để vốn gián tiếp chảy vào? Nếu chứng khoán là một con sông lớn, tiếp giáp với biển, có cảng đủ rộng để đón tàu bè quốc tế ra vào nhộn nhịp, các con tàu sẽ đến, chúng có thể neo đậu dài ngày, đi lại ngắn ngày. Tạo lưu thông luồng lạch là ở chủ nhà, không phải ở khách. Tiền ở bên ngoài luôn có, nhất là trong bối cảnh tiền rẻ đang lưu lạc khắp nơi do hậu quả hạ lãi suất và bơm tiền kích thích kinh tế của nhiều nước.

Tuy nhiên sự trưởng thành và vận động đi lên của chứng khoán Việt Nam trong thời gian ngắn trước mắt và lâu dài lại không phụ thuộc nhiều vào dòng vốn nước ngoài. Những năm 2006-2007, VN-Index đã “lớn nhanh như thổi” không phải bằng vốn ngoại, mà bằng chính nội lực trong nước và khối ngoại đã chạy theo vốn nội.

Có những điểm không phải tương đồng hoàn toàn, song một số điều kiện hiện tại đang chỉ ra tiền nội sẽ là động lực cho chứng khoán chuyển động trong năm nay và năm sau. Một cách kiệm lời, không “đao to búa lớn”, chính sách tiền tệ đang được nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Sự nới lỏng này khác ở chỗ nó được kiểm soát tương đối chặt để “rơi” vào những lĩnh vực ít xảy ra nợ xấu. Trên cơ sở nợ xấu chậm lại, tìm nguồn để giải quyết dứt điểm nợ xấu mới được khơi thông trước mắt về tư tưởng, sau đó trong hành động.

Chứng khoán được hưởng lợi gián tiếp trong bối cảnh đó. Bất chấp những nỗi nghi ngờ của cả những người ít lạc quan hơn cả, lãi suất đang giảm xuống cho dù chậm chạp. Sự chậm chạp ấy đã tiến đến rìa của một mặt bằng, và sắp tới nó có thể lao xuống với tốc độ nhanh. Chưa bao giờ thị trường tiền tệ chứng kiến lãi suất qua đêm ở mức 0,43%/năm.

Tuần trước, có ngân hàng còn cho vay qua đêm liên ngân hàng 0,1%/năm. Lãi suất đang còn bấu víu vào trái phiếu, nhưng ngay cả chỉ tiêu phát hành đã điều chỉnh trong năm nay lên 250.000 tỉ đồng, phát hành trái phiếu cũng sắp cán đích. Cứ với tốc độ điều hành tiền tệ hiện hành, quí 4-2016 các ngân hàng sẽ không còn trái phiếu để mua, tiền sẽ chảy đi đâu? Lãi suất huy động sẽ phải lùi bước trước tiên và tiền trong xã hội sẽ đi đâu về đâu một khi lãi suất tiết kiệm xuống thấp? Không phải tất cả tiền nhàn rỗi, nhưng có một phần sẽ chảy vào chứng khoán. Mà đó là dòng chảy đúng hướng. Cơ hội của chứng khoán đang gần cho dù khối ngoại có thay đổi sắc màu bán ròng hay mua ròng bao nhiêu chăng nữa.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151060/von-ngoai-doi-mau-va-co-hoi-cua-chung-khoan.html/