Với tàu ngầm mới, năng lực phản công hạt nhân của Triều Tiên được đánh giá ra sao?

Động thái công bố tàu ngầm đầu tiên được thiết kế để phóng 'vũ khí hạt nhân chiến thuật' của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh quốc gia này đang nỗ lực hoàn thiện năng lực phản công hạt nhân.

Lễ hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới của Triều Tiên, ngày 6/9/2023. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), trong lễ hạ thủy tổ chức ngày 6/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật đầu tiên của nước này có khả năng tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân dưới nước.

Trong bài phát biểu tại lễ hạ thủy, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rõ việc sở hữu một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể hoạt động mà không cần tiếp nhiên liệu trong 20 năm hoặc thậm chí lâu hơn là một trong những mục tiêu mà quân đội của ông đang theo đuổi.

Các nhà phân tích cho rằng chiếc tàu ngầm có vẻ như được cải tiến từ một tàu ngầm lớp Romeo thời Liên Xô mà Triều Tiên đã mua lại từ Trung Quốc vào những năm 1970 và bắt đầu sản xuất trong nước. Theo đó, thiết kế 10 cửa hầm với ống phóng cho thấy rất có thể nó được trang bị tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Trả lời phỏng vấn tờ The Korea Times, các nhà phân tích Hàn Quốc đặt ra nghi vấn về năng lực của tàu ngầm mới, cho rằng cần phải đánh giá thêm để kết luận liệu nó có thể thực sự bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân từ dưới nước như Triều Tiên tuyên bố hay không.

Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận sự tiến bộ rõ rệt của Triều Tiên trong việc phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) nhanh hơn dự kiến, đồng thời nói thêm không nên đánh giá thấp tham vọng và chiến lược hạt nhân dưới nước của nước này.

Kim Jung-sup, chuyên gia an ninh tại tổ chức tư vấn Viện Sejong, nhận định: “Cho đến nay, tốc độ phát triển SLBM và công nghệ tàu ngầm của Triều Tiên đã nhanh hơn nhiều người dự đoán. Triều Tiên đang tìm cách hoàn thiện năng lực phản công hạt nhân (second-strike capability - khả năng đánh trả bằng hạt nhân khi bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân của một quốc gia) bằng cách phát triển các phương tiện vận hành vũ khí hạt nhân dưới nước, vốn ít có nguy cơ bị phát hiện hơn nhiều. Tàu ngầm dường như là một bước tiến khác hướng tới mục tiêu đó”.

Dựa trên kết quả thử nghiệm và hình ảnh được công bố, chuyên gia quân sự Kim Yeoul-soo, nhà phân tích cấp cao tại Viện Các vấn đề Quân sự Hàn Quốc, cho biết khó có khả năng tàu ngầm mới có thể mang theo bất kỳ SLBM cỡ lớn nào của Triều Tiên, như là Pukguksong-1, 3, 4 hoặc 5. Nó có thể là mang theo SLBM mini - loại vũ khí được thử nghiệm tại một hồ chứa năm ngoái, hoặc Haeil - một loại ngư lôi dẫn đường mà Triều Tiên tuyên bố có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Nhận định của các chuyên gia quân sự Hàn Quốc trùng khớp với đánh giá của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS).

Hiện chưa rõ liệu Triều Tiên đã phát triển đầy đủ đầu đạn hạt nhân thu nhỏ cần thiết cho SLBM hay chưa.

Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hàn Quốc và các đồng minh. Những vũ khí như này có thể giúp Triều Tiên đáp trả trước một cuộc tấn công hạt nhân. Nhưng sẽ cần thời gian dài và đòi hỏi những đột phá công nghệ để Bình Nhưỡng có thể đạt được mục tiêu này.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Korea Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/voi-tau-ngam-moi-nang-luc-phan-cong-hat-nhan-cua-trieu-tien-duoc-danh-gia-ra-sao-20230908155333567.htm