Vô ý làm lộ bí mật công tác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Xin hỏi, trường hợp vô ý làm lộ bí mật công tác thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? – Câu hỏi của bạn Đức Thắng (Hưng Yên).

Ảnh minh họa/ITN

Ảnh minh họa/ITN

Luật sư Hoàng Văn Chiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Thế nào là bí mật công tác?

Căn cứ theo quy định tại khoản 10, Điều 3, Nghị số quyết 03/2020/NQ-HĐTP có hướng dẫn về một số tình tiết là dấu hiệu định tội của các tội phạm về chức vụ, thì bí mật công tác được hiểu một cách khái quát như sau:

Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội

- Bí mật công tác” quy định tại Điều 361 và Điều 362 của Bộ luật Hình sự là thông tin công tác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào (ví dụ: văn bản, dự thảo văn bản, bài phát biểu, hình ảnh...) mà cơ quan, tổ chức quy định không được để lộ cho người khác biết và các thông tin này không thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên theo các tội danh như tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác và tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác, bí mật công tác được hiểu là thông tin liên quan đến công việc được thể hiện dưới mọi hình thức (ví dụ: văn bản, dự thảo văn bản, bài phát biểu, hình ảnh...) mà cơ quan, tổ chức không cho phép tiết lộ cho người khác và không nằm trong danh mục bí mật nhà nước.

Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi vô ý làm lộ bí mật công tác không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 362, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác như sau:

- Người nào vô ý tiết lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 338 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:

+ Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

+ Cho phép người khác sử dụng để thực hiện các hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng.

- Trường hợp vi phạm sau đây sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng trở lên;

+ Cho phép người khác sử dụng để thực hiện các hành vi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài các hình phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, theo quy định tại Điều 362 trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 ngay cả khi việc tiết lộ bí mật công tác là vô ý, người thực hiện hành vi vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội vô ý làm lộ bí mật công tác. Trong trường hợp bí mật công tác này thuộc loại bí mật nhà nước, người này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 338 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Thái Yến ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giai-dap-phap-luat/vo-y-lam-lo-bi-mat-cong-tac-co-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-khong--i362146/