Vỡ mộng homestay vùng ven, giới nhà giàu Hà Nội cắt lỗ

Nhiều chủ homestay trước đây lao vào đầu tư theo trào lưu và thị hiếu của tập khách trẻ đã dẫn đến hệ quả thực tế không như là mơ khi thị trường này bị bão hòa.

Đầu tư theo “trend”, nhiều người vỡ mộng

Dù đã tới hè và bỏ ra nhiều tiền để chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội facebook và các diễn đàn quảng cáo phòng, nhưng homestay của chị H. (chủ homestay tại Hòa Bình) luôn trong tình trạng vắng khách. Thu không đủ bù chi là tình trạng diễn ra trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Năm 2019, vợ chồng chị H. đầu tư hơn 10 tỷ đồng để mua mảnh đất rộng hơn 2000m2 ở Hòa Bình, xây homestay.

Theo kế hoạch định ra, vợ chồng chị H. đều muốn đưa gia đình đến nghỉ dưỡng vào cuối tuần hay dịp hè. Trong thời gian không sử dụng đến homestay, chị tính toán cho thuê, với mức giá trung bình 500-800.000 đồng/phòng.

Mọi việc vẫn ổn cho đến thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh cũng không có nhiều tín hiệu khả quan. Nhất là năm 2023, tỷ lệ lấp đầy phòng xuống thấp, trong khi trung bình mỗi tháng, vợ chồng chị L. phải bỏ ra gần 20 triệu đồng để “nuôi” homestay.

Không ít homestay rơi vào tình cảnh vắng khách sau thời gian "mọc lên như nấm sau mưa" (Ảnh minh họa)

Rơi vào tình cảnh tương tự, anh T. (chủ khu nghỉ dưỡng quy mô gần 3000m2 ở khu vực Thạch Thất, Hà Nội) đang chấp nhận bù lỗ. Trước đó, anh dự tính chỉ cho khách đoàn thuê, để đảm bảo khâu cung cấp dịch vụ đảm bảo cho khách cũng như thu trọn khoản tiền lớn. Thời gian đầu mới mở homestay, nhờ bạn bè, người thân ủng hộ, khu nghỉ dưỡng của anh luôn trong tình trạng lấp đầy. Nhưng đến năm 2023, nhiều thời điểm, dù là cuối tuần, anh buộc phải cho khách thuê lẻ.

Với 8 phòng nghỉ, giá trung bình 800.000 đồng/ đêm. Trung bình cuối tuần, nếu lấp đầy các phòng, anh T. thu về khoảng 10 - 12 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu trừ chi phí thuê người chạy quảng cáo, nhân viên phục vụ dọn phòng, nhân viên giám sát khu nghỉ dưỡng hỗ trợ khách sử dụng dịch vụ trong nội khu, khoản tiền lợi nhuận ròng mỗi tháng chỉ vài triệu đồng.

Đó là may mắn nếu tháng đó, lượng khách thuê đông. Nhưng nếu tính trừ đi toàn bộ khấu hao vận hành, anh T. xác định lỗ.

Hai trường hợp trên chỉ là số nhỏ trong nhiều trường hợp đầu tư vào homestay ven Hà Nội khoảng thời gian 5 - 7 năm trước, khi xu hướng homestay gắn liền với thiên nhiên (góc view đẹp, có bể bơi, điểm đốt lửa trại, nướng BBQ…) còn mạnh mẽ. Hiện nay, các trường hợp vắng khách, ế khách diễn ra ở rất nhiều homestay.

Không gồng gánh nổi, giới nhà giàu “cắt lỗ” homestay?

Hiện tại, trên một số sàn thương mại điện tử như sosanhnha.com, muaban.net, batdongsan.com.vn... đã xuất hiện khá nhiều thông tin rao bán homestay, nhà vườn, khu nghỉ dưỡng với quy mô khá đẹp với mức giá hợp lý, thậm chí có những thông tin chủ cam kết bán giá rẻ tặng kèm hệ thống nhà vườn, về chỉ việc thu tiền… Đa số là các khu đất rộng từ 1000 - 3000 mét quanh Hà Nội như Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây...

Thông tin mua bán các homestay có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện tượng cắt lỗ chỉ đến từ các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn hoặc vào tiền lúc đỉnh sốt, còn với những người "đi đường dài", homestay vẫn là “của để dành” tiềm năng.

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, môi giới tại khu vực Hòa Bình, cho hay sở dĩ thanh khoản thấp, mua qua bán lại khó là bởi mặt bằng giá đã được đẩy lên cao. 80% lượng rao bán “cắt lỗ” hiện tại chỉ là “cắt lãi”.

“Tình trạng “ế” chỉ ở phân khúc trên 10 tỷ đồng. Các homestay quy mô nhỏ, giá vài tỷ đồng hiện vẫn khá đắt khách. Tôi vừa bán thành công một căn 5,3 tỷ đồng tại xã Tiến Sơn (huyện Lương Sơn), dù giá giảm gần 2 tỷ đồng so với đầu năm 2022 nhưng chủ vẫn lãi khoảng 350 triệu đồng”, anh Nghĩa tiết lộ.

Cũng theo anh Nghĩa, đây là thời điểm nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính gặp áp lực lớn khi hết hạn ưu đãi, lãi suất thả nổi. Giá khó có thể giảm kịch sàn nhưng thị trường xuất hiện các sản phẩm giá tốt khi chủ chấp nhận “cắt lãi”, mở ra cơ hội cho những người có sẵn tiền mặt.

Một số người nhận định, trong thời kì diễn ra đại dịch Covid-19 (từ 2020 đến 2022) ko thể phủ nhận đã có lúc xu hướng nhà vườn nghỉ dưỡng lên rất cao. Bởi mọi người cảm thấy ngột ngạt và đông đúc chật chội của đô thị, muốn trở về với làng quê thanh bình, về với thiên nhiên… Nhu cầu này đã được các đại gia, giới nhà giàu thực hiện một cách nhanh chóng và ồ ạt.

Còn hiện tại, khi nhịp sống đã trở lại bình thường, nỗi lo sợ bệnh dịch cũng đã qua đi thì dần dần nhu cầu về cuộc sống hiện đại, đầy đủ tiện nghi cũng quay trở lại. Khi mà kinh tế còn khó khăn và đang hồi phục sau đại dịch, thì nhu cầu nghỉ ngơi tại những khu nghỉ dưỡng bỗng trở nên xa xỉ hơn và thiếu thiết thực hơn.

Minh Châu (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/vo-mong-homestay-vung-ven-gioi-nha-giau-ha-noi-cat-lo-1864349.html