Vỡ mộng đổi đời sau cú lừa của nữ giám đốc

Trong 4 năm, Đinh Thị Quỳnh đã chiếm đoạt hơn 5,2 tỷ đồng của 16 cá nhân có nhu cầu đi du học và 12 người khác muốn đi xuất khẩu lao động.

"Bánh vẽ" đưa người đi du học của nữ giám đốc

Sáng 9/11, một nhóm người lao động đến trụ sở TAND Hà Nội trong dáng vẻ tất bật, lam lũ. Họ là những bị hại của vụ án chiếm đoạt tài sản qua hình thức lừa đảo đi du học ở Hàn Quốc.

Chị Vũ Thị Hoa (ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cùng em trai Vũ Hải Quân bắt xe khách đến tòa từ sớm. Chị Hoa cho biết, do gia cảnh nghèo đói, ở địa phương không tìm được công việc nào mang lại thu nhập ổn định, nên chị cố gắng tìm kiếm cơ hội thoát nghèo.

Đầu tháng 8/2021, tìm hiểu trên internet thấy Công ty CP phát triển nhân lực Jako (địa chỉ trên phố Dương Khuê, quận Cầu Giấy, Hà Nội) do Đinh Thị Quỳnh (SN 1988) làm giám đốc có thể đưa người đi du học, chị Hoa đã liên hệ.

Bị cáo Đinh Thị Quỳnh.

Sau khi nghe bà Quỳnh tư vấn, hứa lo giúp các thủ tục đưa hai chị em sang Hàn Quốc du học với chi phí hơn 700 triệu đồng, chị Hoa tràn trề hy vọng mặc dù đây là khoản tiền không hề nhỏ.

Ban đầu, hai chị em chị Hoa nộp tiền cọc là 20 triệu đồng để đăng ký hồ sơ, ngày 5/10/2021, Quỳnh hướng dẫn Hoa nộp tiếp 464 triệu đồng với lý do "mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng để chứng minh tài chính cho hồ sơ du học".

"Tôi cố gắng chạy vạy, vay mượn cho đủ tiền nộp cho hai chị em", Hoa trình bày. Lúc đó, các nạn nhân không hề biết rằng sau khi nhận tiền, Quỳnh đã sai người làm giả invoice (thông báo nộp tiền của trường đại học ở Hàn Quốc) để đánh lừa bị hại.

Có được invoice giả này, Quỳnh gửi cho chị Hoa và em trai của Hoa để yêu cầu đối phương nộp tiếp khoản học phí 1 năm với số tiền 115 triệu đồng mỗi người.

Tin lời kẻ lừa đảo, Hoa và em trai đã nhiều lần tất tưởi ra ngân hàng chuyển khoản tổng cộng 714 triệu đồng rồi cứ thế chờ nữ giám đốc Công ty Jako Đinh Thị Quỳnh gọi lên Hà Nội để… xuất cảnh.

Cũng trong tình cảnh tương tự, tháng 2/2020, chàng trai Trần Quốc Tú (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) mang theo nhiều hoài bão tìm đến Công ty Jako để được tư vấn đi du học Hàn Quốc.

Sau cuộc gặp gỡ với Đinh Thị Quỳnh và nộp 10 triệu đồng tiền cọc, Tú lại lặn lội về quê lo thêm chi phí trước khi hồ sơ được hoàn thiện. Tháng 4/2020, Quỳnh đề nghị anh Tú nộp thêm 3.500 USD để "làm chi phí xử lý hồ sơ", sau đó bị hại đã chuyển số tiền này.

Bẵng đi một tháng, Quỳnh tiếp tục nhắn Tú chuyển thêm 6.500 USD tiền làm visa, vé máy bay và khám sức khỏe. Sau khi nhận tiền, nữ bị cáo thông báo chương trình lao động E7 Hàn Quốc bị tạm dừng, tư vấn cho Tú học thạc sĩ nên Tú đồng ý.

Tháng 8/2021, sau khi hai bên ký hợp đồng tư vấn du học chương trình thạc sĩ tại Hàn Quốc, Quỳnh nói với Tú chuyển thêm 10.000 USD để chứng minh thu nhập. Nam thanh niên không mảy may nghi ngờ, mà làm theo lời của nữ giám đốc.

Cuối năm 2021, Tú vẫn không được xuất cảnh như Quỳnh cam kết dù đã chuyển cho Công ty Jako gần 500 triệu đồng. Lúc này, bị hại gửi đơn trình báo cơ quan công an.

Đã nghèo còn gặp kẻ lừa đảo

Ngoài các bị hại nêu trên, tháng 7/2020, nhóm 3 cô gái trẻ cùng quê Hà Nam gồm Lê Thị Mai, Phan Lan Anh và Trần Thị Nhung cũng lặn lội tìm đến Công ty Jako để được tư vấn du học tự túc ở Nhật Bản.

Cũng giống như những nạn nhân trước đó, sau khi nghe Quỳnh "vẽ" ra tương lai sáng ngời nhờ con đường du học, Mai, Lan Anh và Nhung đã chuyển cho nữ giám đốc tổng cộng gần 250 triệu đồng, rồi bị chiếm đoạt.

Một cặp bị hại khác là vợ chồng anh Nam và chị Dinh (ở huyện Đồng Văn, Hà Giang) cũng lặn lội vượt hàng trăm cây số để về Hà Nội đòi nữ giám đốc lừa đảo bồi thường.

Anh Nam cho biết, thông qua mạng xã hội, họ biết Công ty Jako có dịch vụ tư vấn thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan.

Cuối tháng 3/2021, họ đến công ty này để nghe tư vấn đi nước ngoài và làm hồ sơ. Sau đó, vợ chồng Nam đã chuyển cho Quỳnh hơn 64 triệu đồng với mong muốn được đi lao động nơi xứ người, trang trải cuộc sống khó khăn.

Đến tháng 4/2022, Nam và vợ vẫn không được xuất cảnh. Họ đành lặn lội đến gặp Quỳnh, yêu cầu trả lại tiền. Tuy nhiên, nữ giám đốc chỉ trả được 20 triệu, số còn lại bà ta chiếm đoạt.

"Chúng tôi phải đi vay mượn khắp nơi, vay cả ngân hàng và chịu lãi suất để mong có được cơ hội thoát cảnh nghèo đói. Thế mà họ nỡ lòng nào lừa tiền của chúng tôi, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng cực khổ", anh Nam giãi bày.

Trong khi đó, đứng trước tòa, Đinh Thị Quỳnh thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng quy kết.

"Bị cáo từng đưa được một số người đi du học và xuất khẩu lao động, Công ty Jako không có chức năng đưa người đi lao động ở nước ngoài mà phải thông qua các doanh nghiệp khác", Quỳnh khai báo.

Tổng cộng, từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2022, bị cáo Quỳnh đã chiếm đoạt hơn 5,2 tỷ đồng của 16 cá nhân có nhu cầu đi du học và 12 người khác muốn đi xuất khẩu lao động. Tính đến ngày hầu tòa, bị cáo mới hoàn trả được hơn 200 triệu đồng cho một vài nạn nhân.

Sau một ngày tranh tụng, Hội đồng xét xử thấy hành vi của Đinh Thị Quỳnh đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xét bị cáo ăn năn hối cải và đã khắc phục một phần tiền cho bị hại, tòa tuyên Quỳnh 16 năm tù giam, tiếp tục khắc phục nốt hậu quả mà mình gây ra.

Cơ quan tố tụng xác định Đinh Thị Quỳnh lừa đảo 28 người (ảnh minh họa).

Theo dõi phiên tòa, luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận với những gì diễn ra ở phần xét hỏi và tranh luận, mức án 16 năm tù giam dành cho nữ giám đốc lừa đảo là phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi.

Qua vụ án, luật sư Tuyến khuyến cáo để không "dính bẫy" lừa đảo xuất khẩu lao động, người có nhu cầu ra nước ngoài du học, làm việc trước hết cần tìm hiểu kỹ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cùng các quy định liên quan.

Người lao động cũng nên tìm đến những doanh nghiệp uy tín, có tên tuổi và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đặc biệt, trước khi quyết định lựa chọn một doanh nghiệp hay đơn vị tổ chức tư vấn cho mình, mọi người cần đề nghị họ cho xem, sao chụp hoặc kiểm tra giấy phép hoạt động về dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.

Ngoài ra, cũng cần đề nghị doanh nghiệp, đơn vị đưa mình đi xuất khẩu lao động cung cấp thêm các thông tin, tài liệu hoặc căn cứ về lao động việc làm, tiền lương, chính sách đối với người lao động mà phía đối tác nước ngoài của doanh nghiệp, đơn vị dự định tuyển dụng người đến làm việc.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vo-mong-doi-doi-sau-cu-lua-cua-nu-giam-doc-192231119220625995.htm