Vợ lẽ không được quyền thừa kế?

- Cha tôi vì bệnh nặng đã qua đời để lại nhiều tài sản có giá trị. Tài sản này không phải sở hữu riêng của cha hay riêng của người đàn bà kia. Xin hỏi mẹ tôi và chúng tôi có được hưởng tài sản của cha để lại hay không?

TIN BÀI KHÁC:

Bố mẹ tôi lấy nhau và đăng ký kết hôn từ năm 1968, nhưng do sơ suất để mất giấy kết hôn. Cha mẹ tôi sinh được 2 người con. Dù mất giấy kết hôn nhưng cha mẹ tôi vẫn chưa ly hôn. Sau đó, cha tôi nảy sinh tình cảm với người đàn bà khác vì biết đã mất giấy kết hôn nên cha đã đăng ký kết hôn, chung sống với người đàn bà khác (không có con).

Đến tháng 8/2010, cha tôi vì bệnh nặng đã qua đời để lại nhiều tài sản có giá trị. Tài sản này không phải sở hữu riêng của cha hay riêng của người đàn bà kia. Xin hỏi mẹ tôi và chúng tôi có được hưởng tài sản của cha để lại hay không? Nếu được hưởng thì là bao nhiêu % trong số đó. Người đàn bà kia có được thừa kế tài sản của cha hay không? Anh Nam, Bến Tre hỏi.

Ảnh minh họa

Cha mẹ anh có đăng ký kết hôn thì là vợ chồng hợp pháp, tức quan hệ hôn nhân giữa cha mẹ anh được pháp luật công nhận. Việc mất giấy chứng nhận kết hôn không đồng nghĩa với việc quan hệ hôn nhân này không tồn tại.

Hơn nữa, căn cứ theo Thông tư 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội “Về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình” thì “trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Tòa án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Theo quy định này thì quan hệ chung sống giữa nam nữ được xác lập trước 3/1/1987 thì pháp luật công nhận quan hệ này là quan hệ hôn nhân hợp pháp và chỉ khuyến khích đi đăng ký kết hôn chứ không bắt buộc.

Để chứng minh quan hệ của cha, mẹ anh xác lập trước 3/1/1987 thì có khai sinh các con, giấy tờ hộ khẩu, các giấy tờ khác liên quan đến 2 người.

Vì những căn cứ trên, lẽ đương nhiên là quan hệ hôn nhân sau giữa cha anh và người kia không được pháp luật công nhận là quan hệ hôn nhân hợp pháp nên người kia không có quyền thừa kế tài sản của cha anh.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự thì “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Nếu cha anh không còn cha mẹ đẻ, không có cha mẹ nuôi và cũng không có con nuôi thì mẹ anh và các anh là những người được hưởng tài sản của cha để lại.

Theo như anh nói thì tài sản của cha anh không phải là sở hữu riêng của cha hay riêng của người kia cho nên tài sản đó được xem là tài sản chung giữa cha mẹ anh chị trong thời kỳ hôn nhân (loại trừ trường hợp trong số tài sản này có tài sản chung giữa cha anh và người kia). Do đó, tài sản của cha anh là 50%/tổng tài sản, còn lại thì 50%/tổng tài sản là của mẹ anh.

Dựa vào những cơ sở trên thì mẹ anh và các anh sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau trong 50%/tổng tài sản (Căn cứ theo Khoản 2 Điều 676 Bộ luật dân sự: “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”).

Đức Toàn (ghi)

Tư vấn bởi LS.Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật, Đoàn LS TP.HCM (120 Sương Nguyệt Anh, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM. ĐT : 08.62906420 - 0903366168)

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap-luat/68024/vo-le-khong-duoc-quyen-thua-ke-.html