Vỡ đê bao, hàng chục héc ta nuôi trồng thủy sản ở Thạch Bằng bị xóa sổ

Sau nỗ lực khôi phục những diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) bị thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra, người nuôi trồng ở xã Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại tiếp tục bị mất trắng hàng chục héc ta ao tôm và các loại thủy sản khác do áp thấp nhiệt đới kèm theo triều cường dâng làm vỡ hệ thống đê bao.

Phòng nông nghiệp huyện Lộc Hà và chính quyền địa phương kiểm tra, khảo sát, thống kê số lượng thủy sản bị cuốn trôi.

Vụ nuôi này, gia đình ông Trần Khắc Hải ở thôn Xuân Hòa, xã Thạch Bằng (Lộc Hà) thả nuôi trên 5ha ao với gần 1 triệu con tôm giống và nhiều loại thủy sản khác như: cua, cá các loại. Trận bão số 10, kèm triều cường lớn đã xóa sổ 100% diện tích vừa mới thả nuôi. Sau nhiều công sức và tiền bạc để khôi phục sản xuất, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn lại tiếp tục san phẳng lượng hải sản vừa thả nuôi lứa mới.

“Thiệt hại chồng thiệt hại. Bao nhiêu công sức tiền của để cải tạo, thau rửa ao nuôi, rồi tiền giống, tiền thức ăn… đã bị cuốn trôi hết trong mấy tiếng đồng hồ. Chỉ trong vòng 1 tháng mà gia đình tôi đã mất cả tỷ đồng. Giờ chưa biết phải làm gì trong thời gian tới.” - ông Trần Khắc Hải bày tỏ.

Không chỉ riêng gia đình ông Hải, gần 60 ha nuôi trồng thủy sản của 16 hộ nuôi thuộc 2 thôn Xuân Hòa và Phú Nghĩa của xã Thạch Bằng cũng chịu tình cảnh tương tự. Mưa lớn, kèm theo triều cường là nguyên nhân chính gây ngập lụt hệ thống ao nuôi.

Suốt cả chiều dài hàng trăm mét, thân đê vốn nhỏ bé, hầu như bị bong tróc nham nhở.

Tuy nhiên một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là tuyến đê bao bảo vệ đầm tôm và cả khu vực dân sinh 2 thôn Xuân Hòa và Phú Nghĩa đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không thể trụ vững trước sức tàn phá của sóng biển và nước lũ. Suốt cả chiều dài hàng trăm mét, thân đê vốn nhỏ bé, hầu như bị bong tróc nham nhở. Đặc biệt đoạn cống chính điều tiết nước bị vỡ hoàn toàn, tạo nên dòng chảy cực mạnh tràn vào phá hủy và cuốn trôi hàng chục héc ta ao nuôi thủy sản bên trong.

Theo ông Nguyễn Duy Bính - Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng, trước đây không mấy khi có tình trạng đê bao sạt lở nghiêm trọng như đợt lũ này. Điều này thể hiện sự thay đổi theo hướng tiêu cực của chế độ thủy triều ở khu vực cửa biển này. Nếu như không có sự vào cuộc kịp thời của chính quyền và ngành chức năng để chủ động ứng phó, thì thời gian tới, chưa biết hậu quả sẽ như thế nào.

Ông Bính cho biết: “Gần như không thể vớt vát được bao nhiêu, do hầu hết các diện tích ao hồ vừa mới được cải tạo và thả giống sau thiệt hại do cơn bão số 10 nên con giống còn rất nhỏ; hơn nữa cũng không còn bao nhiêu con giống sau khi lũ quét qua. Giải pháp duy nhất bây giờ là tiến hành xả nước và cải tạo lại ao để nuôi lứa mới”.

Hàng chục ha ao nuôi thủy sản bên trong đê đã bị cuốn trôi

“Trước những thiệt hại to lớn của người dân, ngành nông nghiệp huyện Lộc Hà đã kịp thời kiểm tra, khảo sát, thống kê số lượng thủy sản bị cuốn trôi, nhằm có số liệu chính xác để tham mưu các chính sách hỗ trợ. Đồng thời động viên, hướng dẫn bà con khắc phục khó khăn, cải tạo lại ao hồ để tiếp tục sản xuất.” - ông Võ Tá Bình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết.

Thôn Xuân Hòa và thôn Phú Nghĩa là các địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản của xã Thạch Bằng cũng như huyện Lộc Hà. Tuy nhiên, những thiệt hại liên tục do tuyến đê bao bị xói lở, xuống cấp hiện nay, đã và đang cảnh báo về những khó khăn trong sản xuất, nuôi trồng của các địa phương này trong thời gian tới. Để đảm bảo an toàn cho người dân yên tâm phát triển nuôi trồng thủy sản, theo chính quyền và người nuôi trồng xã Thạch Bằng, không có cách nào khác là phải đầu tư nâng cấp đê bao, trồng cây chắn sóng, đảm bảo khả năng chắn lũ.

Vũ Dũng

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/vo-de-bao-hang-chuc-hec-ta-nuoi-trong-thuy-san-o-thach-bang-bi-xoa-so/142042.htm