'Vợ chồng A Phủ' - bộ phim từ tác phẩm để đời của Tô Hoài

Sáng tác từng giúp Tô Hoài nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996 đã được đưa lên màn ảnh nhỏ và trở thành một trong những phim kinh điển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Vợ chồng A Phủ là tác phẩm hay nhất trong tập Truyện Tây Bắc được nhà văn Tô Hoài viết năm 1952. Hai nhân vật chính là A Phủ và Mỵ - một đôi nam nữ thanh niên nghèo bị thống lý Pá Tra, một chúa đất gian ác, cấu kết với Pháp, áp bức bóc lột đến cùng cực. Hắn bắt Mỵ về làm vợ lẽ cho con trai là A Sử, và bắt A Phủ đến ở không công suốt đời để trả nợ. Khi A Phủ bị trói vì tội đánh mất trâu, sắp chết đau, chết đói, chết rét, Mị cắt dây trói cứu thoát anh. Hai người trốn đến Phiềng Sa rồi nên vợ nên chồng. Sau này, nhờ có Đảng lãnh đạo, A Phủ và Mỵ đã vùng dậy, đấu tranh để tự giải phóng, cùng nhân dân xây dựng một cuộc đời ấm no, hạnh phúc.

Vợ chồng A Phủ là tác phẩm văn học nổi tiếng của cố nhà văn Tô Hoài. Bộ phim được chuyển thể từ truyện cũng nhận được phản hồi tích cực của khán giả.

Vợ chồng A Phủ là tác phẩm văn học nổi tiếng của cố nhà văn Tô Hoài. Bộ phim được chuyển thể từ truyện cũng nhận được phản hồi tích cực của khán giả.

Nhắc tới tác phẩm Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: "Tôi viết truyện ấy từ những năm đi thực tế làm báo Cứu quốc. Đó là một câu chuyện gần như có thật của một đôi vợ chồng người Mông ở Phù Yên nay là Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ngày ấy, trên đường đi thực tế kháng chiến, tôi đã gặp cặp vợ chồng ấy đi ăn Tết Mông. Câu chuyện của họ cùng với những tư liệu anh em du kích kể là đề tài để tôi viết. Đến năm 1960, truyện chuyển thành kịch bản làm phim. Phim ấy, lấy nguyên cốt truyện, đầy đủ nhân vật".

Nam chính A Phủ do NSND, đạo diễn Trần Phương thể hiện. Ông sinh năm 1930, là diễn viên – đạo diễn kiệt xuất của nền điện ảnh Việt Nam. Ngoài Vợ chồng A Phủ, Trần Phương từng tham gia đóng nhiều phim Cách mạng, để lại nhiều dấu ấn như Chị Tư Hậu, Tiền tuyến gọi, Vợ chồng anh Lực... Những bộ phim do ông đạo diễn cũng để lại nhiều tiếng vang, giành được nhiều giải thưởng lớn: Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông trắng

Nam chính A Phủ do NSND, đạo diễn Trần Phương thể hiện.

A Phủ là vai diễn đầu tiên trong cuộc đời của đạo diễn Trần Phương. Để vào vai thành công, ông đã phải học cách chăn bò, cưỡi ngựa của người Tà Sùa. Ba tháng ròng rã sống chung cùng gia đình anh hùng quân đội Sùng Phai Sình trên núi cao, cả Trần Phương và Đức Hoàn (người vào vai Mị lúc bấy giờ) gần như đã trở thành người Mông thực thụ. Các diễn viên đã cùng lên nương làm rẫy, cùng gùi nước đi bộ hàng mấy cây số về bản và cùng ăn ngô và có thể nói tiếng Mông sành sỏi trong quá trình thực hiện bộ phim.

Ông từng chia sẻ: "Họ cưỡi ngựa quanh năm mà không cần cương. Mình không quen với cách đó nên mình mẩy cứ xây xước hết, mấy lần suýt bị què chân. Nhưng khi bộ phim hoàn thành, mình cũng kịp trở thành một tay chăn bò, cưỡi ngựa cừ khôi không kém một chàng trai Mông nào".

Cố nghệ sĩ Đức Hoàn (1937-2003) - người vào vai Mỵ - cũng giống như nam chính, vừa được biết tới với vai trò diễn viên, vừa là đạo diễn, biên kịch của nhiều bộ phim. Năm 1961, bà được đạo diễn Mai Lộc chọn vào vai cô Mỵ trong bộ phim Vợ chồng A Phủ (kịch bản Tô Hoài). Đây là vai diễn đầu tiên cũng là vai diễn xuất sắc nhất của Đức Hoàn. Với vai diễn này bà đã nhận được Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai năm 1973.

Cố nghệ sĩ Đức Hoàn - người vào vai Mị - được nhận xét, đã trút bỏ hoàn toàn những kiểu cách của một tiểu thư khuê các Hà thành để hóa thân thành một cô gái Mông thực thụ. Từ cách đi đứng, ngoáy mông, vuốt tóc cho tới quấn khăn theo kiểu người Mông được Đức Hoàn thể hiện giống y như thật.

Ngoài khả năng diễn xuất, cả NSND Trần Phương và cố nghệ sĩ Đức Hoàn đều nhận được rất nhiều sự ngưỡng mộ vì sở hữu ngoại hình đẹp.

Cố nghệ sĩ Đức Hoàn trong vai Mị.

Vợ chồng A phủ được chính tay Tô Hoài chuyển thể thành kịch bản và được "nhào nặn" bởi đạo diễn Mai Lộc. Với cốt truyện hấp dẫn, cảm động, bộ phim tiếp tục lôi cuốn người xem bằng hình ảnh đẹp của miền Tây Bắc và phần âm nhạc xuất sắc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Bài hát Bài ca trên núi qua giọng hát của nghệ sĩ Kiều Hưng cũng nhận được sự yêu thích của đông đảo người yêu nhạc.

Bộ phim do xưởng phim Việt Nam sản xuất và đã được trao giải thưởng Bông sen bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973.

Tiểu Uyên (tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vo-chong-a-phu--bo-phim-tu-tac-pham-de-doi-cua-to-hoai-post434021.html