Vinh quang nghề giáo

'Có một nghề cả xã hội gọi tên/Nghề cao quý trên những nghề cao quý/Đem đạo học lên bậc thang địa vị/Dạy thành người chứ không dạy thành danh'.

Trong những ngày tháng 11 - tháng tri ân những “người lái đò” thầm lặng - được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều thế hệ nhà giáo, chúng tôi hiểu rằng, giữa những bộn bề của cuộc sống và áp lực công việc, vẫn còn nhiều thầy, cô giáo giữ được ngọn lửa nghề, bởi với họ, sự nghiệp “trồng người” là sự nghiệp cao cả, vinh quang.

Cô giáo Trần Thanh Tâm và mẹ luôn quan tâm sự học của con, cháu.

Cô giáo Trần Thanh Tâm và mẹ luôn quan tâm sự học của con, cháu.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, với 4 thành viên đã và đang theo nghề giáo, cô Trần Thanh Tâm, giáo viên Trường THCS Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) luôn tự hào với nghề.

“Trước đây, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng bố mẹ luôn cố gắng nuôi dạy anh, chị, em tôi học hành đến nơi, đến chốn. Bố tôi là người thầy nghiêm khắc, nhưng rất gần gũi với học trò. Mẹ tôi thì ngược lại, luôn nhẹ nhàng, ân cần. Cả hai đều được học trò yêu mến và kính trọng. Vậy nên hằng năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam và ngày Tết, dù làm việc ở phương xa, nhiều học trò cũ vẫn trở về bên ông bà giáo già, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa. Hình ảnh đẹp đó luôn là niềm tự hào đối với chúng tôi. Vì thế, tôi và chị gái đã quyết định theo nghề của bố mẹ” - cô giáo Tâm chia sẻ.

Bà Sáu nâng niu Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, chuyên ngành Văn - Sử, cô giáo Tâm được phân công giảng dạy tại xã Bản Xèo (huyện Bát Xát), rồi chuyển về điểm trường vùng cao của xã Tả Phời (thành phố Lào Cai). Thời điểm đó, điều kiện giảng dạy còn nhiều khó khăn, lương giáo viên thấp nên nhiều đồng nghiệp đã bỏ nghề, nhưng bố mẹ luôn động viên cô cố gắng bám trụ với nghề.

Cô giáo Tâm chia sẻ: Ngoài bố mẹ thì chị gái cũng là tấm gương để tôi nỗ lực cống hiến với nghề. Chị tôi (cô giáo Trần Thị Minh Chung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Cường) từng bảo, niềm vui mỗi ngày tới trường là được truyền thụ kiến thức cho học sinh, cùng các em sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống. Chị luôn nhắc nhở tôi, khi đã chọn nghề gắn với phấn trắng, bảng đen, hãy nhớ môi trường giáo dục không đơn thuần là nơi truyền thụ kiến thức, mà điều quan trọng là sự thấu hiểu giữa thầy cô và học trò.

Con gái của bà Dương Thị Sáu là cô giáo Trần Thị Minh Chung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai.

Con gái của bà Dương Thị Sáu là cô giáo Trần Thị Minh Chung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai.

Cầm trên tay Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, bà Dương Thị Sáu (mẹ cô giáo Tâm) kể: Ngày ấy, lương giáo viên của hai vợ chồng không đủ mua gạo nuôi 6 miệng ăn. Sau giờ dạy trên lớp, cả nhà lại kéo nhau lên mảnh đồi sau nhà trồng thêm sắn, khoai. Khó khăn là vậy, nhưng vợ chồng tôi luôn động viên nhau phải giữ lấy nghề. Tạm gác nỗi lo kinh tế, mỗi giờ lên lớp, chúng tôi luôn mang đến những tiết học sinh động để học trò dễ tiếp thu, hứng thú với môn học. Dù nghề giáo có nghèo, nhưng đó chỉ là cái nghèo về vật chất, còn sự giàu có về tinh thần thì không phải có tiền là mua được.
Sau khi nghỉ hưu, bà Sáu hài lòng với cuộc sống tuy không giàu có về vật chất, nhưng con cái đều thành đạt. Bà vẫn tiếp tục tham gia Hội Cựu giáo chức phường Bắc Lệnh, cùng các con chăm lo sự nghiệp học hành của thế hệ trẻ. Mặc dù đã về hưu được hơn 20 năm, nhưng dịp 20/11 hằng năm, cả gia đình vẫn nhận được rất nhiều hoa, lời chúc mừng, cùng những tình cảm chân thành của bao thế hệ học trò…

Những món quà nhỏ của học sinh nhân dịp 20/11 là nguồn động viên tinh thần to lớn cho các nhà giáo.

Những món quà nhỏ của học sinh nhân dịp 20/11 là nguồn động viên tinh thần to lớn cho các nhà giáo.

Gia đình không có nhiều người theo nghề “gõ đầu trẻ”, nhưng từ khi học tiểu học, Hà Thị Thu Hương đã ước mơ trở thành giáo viên. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cô gái sinh ra và lớn lên ở mảnh đất trung du quyết định nộp hồ sơ thi tuyển tại Lào Cai và trúng tuyển, được phân công công tác tại Trường THCS Nậm Chày (huyện Văn Bàn). Khi nhận quyết định về đây, cô mang theo nhiệt huyết và ngọn lửa đam mê với nghề lên vùng cao. Dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng cô vẫn không khỏi bất ngờ trước những khó khăn của xã vùng cao này. “Thời điểm tôi nhận công tác, có không ít giáo viên vùng cao vì áp lực công việc và cuộc sống đã bỏ nghề. Tuy nhiên, được mẹ và anh chị động viên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tôi đã vững tâm cống hiến với nghề mà mình chọn. Sau gần 1 tháng “bám bản”, tôi dần thấu hiểu cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của người dân nơi đây, đồng thời đồng cảm với sự nhiệt huyết, yêu nghề, yêu người và những trăn trở của đồng nghiệp. Nhìn các thầy, cô giáo vùng cao đã công tác nhiều năm ở đây, tôi có thêm nghị lực để làm tròn sứ mệnh nhà giáo”.

Cô giáo trẻ Hà Thị Thu Hương, Trường THCS Nậm Chày (huyện Văn Bàn) quyết tâm gắn bó với nghề "gõ đầu trẻ".

Chia sẻ về nghề giáo, nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nghề giáo rất vinh quang và cao quý, nhưng cũng rất vất vả, gian nan, nhất là đối với giáo viên vùng cao. Tuy nhiên, đó cũng là những người sáng tạo nhất, bởi không sáng tạo thì không dạy học được ở vùng cao. Điều đó thể hiện ở việc tìm ra cách gọi được học sinh đến lớp, duy trì được học sinh và dạy được học sinh. Những cách ấy, trong sách vở, lý luận chỉ nói chung chung, còn giáo viên phải tự sáng tạo, tự tìm cách thức dạy học để đạt kết quả tối ưu.

Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều giáo viên không còn tâm huyết với nghề, thậm chí bỏ nghề. Đã đến lúc, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, đánh giá chính xác nguyên nhân để có giải pháp căn cơ. Trước hết, phải khơi dậy ngọn lửa đam mê, niềm tự hào với nghề của đội ngũ giáo viên. Mỗi giáo viên cần bình tâm suy nghĩ và suy nghĩ nhiều hơn về học sinh để có thêm động lực vượt qua khó khăn, vững tâm với nghề. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước cần xem xét thay đổi chính sách để đảm bảo đời sống cho giáo viên, nhất là giáo viên vùng cao. Có như thế mới đảm bảo công bằng xã hội và thể hiện trách nhiệm đối với những người cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362313-vinh-quang-nghe-giao